Nguyễn Ngọc Thảo Ly – “Búp sen vàng” của lớp Báo chí Đa phương tiện K34A2

z(Sóng trẻ) - Nguyễn Ngọc Thảo Ly (sinh viên lớp Báo chí Đa phương tiện K34A2) là một cô gái xinh đẹp, cá tính và tài năng. Mới 20 tuổi, lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh, Thảo Ly đã xuất sắc mang về cho mình hai giải thưởng quan trọng Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất và Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn của Búp sen vàng 2016 do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TDP tổ chức.

Phóng viên đã có buổi trò chuyện với Thảo Ly về những trải nghiệm của cô bạn trên cương vị một đạo diễn trẻ lần đầu tiên thử sức với bộ môn nghệ thuật thứ 7.

PV: Lần đầu tiên dự thi Búp sen vàng – nơi tôn vinh các nhà làm phim ở lĩnh vực phim tài liệu và phim truyện ngắn do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TDP tổ chức, Thảo Ly đã ẵm về cho mình 2 giải thưởng quan trọng: Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất và Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn, cảm xúc của bạn như thế nào?

Thảo Ly: Đến với Lễ trao giải Búp sen vàng năm nay, mình không nghĩ rằng phim của mình lọt vào top 3 vì trong hạng mục phim tài liệu có rất nhiều phim đặc sắc, mỗi phim lại có màu sắc riêng. Khi biết được lọt vào top 3, mình đã rất vui rồi. Thời điểm mà tên phim của mình xuất hiện khi Ban giám khảo (BGK) công bố Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất, mình thực sự bất ngờ, rất vui và rất hạnh phúc. Vị giám khảo trao giải có nói là chị ấy đã xem đi xem lại bộ phim này (Rito Rito), và lần nào chị cũng khóc. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của một nhà làm phim. Niềm vui ấy còn được nhân đôi khi bộ phim của mình được xướng tên lần thứ 2 với giải thưởng Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn. 

5445ec644_anh_1.jpg
Nguyễn Ngọc Thảo Ly – “Búp sen vàng” của lớp Báo chí Đa phương tiện K34A2

PV: Tại sao bạn lại chọn phim tài liệu cho tác phẩm đầu tay của mình?

Thảo Ly: Phim tài liệu sản xuất đơn giản hơn các thể loại khác. Phim tài liệu chỉ cần một người làm tất cả các khâu, từ việc lên ý tưởng, đi tìm nhân vật cho đến quay, dựng. Và mình chỉ cần một máy quay là đủ. Đó là một dạng làm phim đơn giản.
Sau khi tiếp xúc với phim tài liệu mình càng thích nó hơn. Vì phim tài liệu phản ánh chân thực, “trần trụi” cuộc sống. Phim không có kịch bản, cũng không hoàn toàn đi theo ý tưởng ban đầu của nhà làm phim. Bởi những tình tiết, diễn biến trong phim phụ thuộc chủ yếu vào nhân vật. 
Điều đặc biệt ở phim tài liệu là khi xem phim, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau, và mỗi một lần xem khán giả sẽ nhận ra thêm dụng ý của nhà làm phim.

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào mà Ly sản xuất “Rito Rito”? Thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến khán giả là gì?

Thảo Ly: Mình thích Cosplay, nên ngay từ đầu mình định hướng sẽ làm về Cosplay. Ý định ban đầu của mình là làm một bộ phim về Cosplay để sau khi khán giả xem xong họ sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với Cosplay, vì hiện nay có khá nhiều người chưa có cái nhìn đúng đắn về bộ môn này. 

Ban đầu, mình muốn nhân vật trong phim của mình là một bạn trẻ rất yêu thích Cosplay nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt, vì vậy mình đã tìm kiếm và kêu gọi sự trợ giúp trên mạng. Sau khi gặp Rito (tên nhân vật trong phim “Rito Rito”), mình quyết định làm phim về em ấy. Nhưng câu chuyện của em ấy đã áp đảo hoàn toàn ý tưởng ban đầu của mình.

Bộ phim đơn giản là kể câu chuyện của một cô bé bị trầm cảm trước các vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Nó là hành trình tìm hiểu cuộc sống thường ngày của cô bé 15 tuổi Rito đam mê Cosplay. Khoảng thời gian hóa thân vào các nhân vật là lối mở, đưa em sống cuộc đời khác, nơi tồn tại sự tôn trọng và cho em cảm giác được mọi người chú ý.

Thông điêp của bộ phim sẽ toát ra từ câu chuyện của nhân vật đó. Khán giả xem và sẽ có những cảm nhận riêng của mình, không ai giống ai cả. Còn với mình, bộ phim phản ánh một bộ phận giới trẻ đang sống giữa 2 thế giới thực và ảo. Và họ tìm đến thế giới ảo để trốn tránh hiện thực. 

5445ec644_anh_2.jpg
Thảo Ly (áo xanh) và nhân vật trong tác phẩm của mình (thứ 2 bên trái) đã giành giải Búp sen vàng 2016 cho Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất và Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn

PV: Nếu nói như vậy, sau khi xem xong bộ phim này khán giả càng ghét Cosplay hơn?

Thảo Ly: Mình không nghĩ như vậy. Qua phim này, mọi người sẽ thấy rằng: Nếu không có Cosplay thì cuộc đời của cô bé ấy sẽ còn tệ đến đâu nữa. Bởi vì vấn đề của em ấy không chỉ dừng lại ở tâm sinh lý, mà còn xuất phát từ sức khỏe, điều kiện gia đình, thậm chí em ấy buộc phải nghỉ học vì bạo lực học đường. Một cô bé mới 15 tuổi mà gặp nhiều vấn đề như vậy, nếu không có Cosplay như chiếc phao cứu sinh để em bám vào thì chắc chắn cô bé sẽ chìm mất. Nếu mình là cô bé đó mình sẽ không vượt qua được. 

PV: Trong quá trình làm phim, bạn đã gặp những khó khăn gì? Bạn đã vượt qua chúng như thế nào để có được thành công như hôm nay?

Thảo Ly: Thời gian đầu các nhà làm phim thường gặp khó khăn trong việc xác định làm chủ đề nào, chọn nhân vật như thế nào. Mình dù đã xác định được chủ đề, nhưng vẫn gặp khó khăn một chút trong việc tìm nhân vật. Mình không quen nhân vật của mình ngay từ đầu mà mình tìm em ấy trên mạng.
Một trong những khó khăn nhất của người làm phim tài liệu là nhân vật không thích lên hình và họ rất ngại máy quay. Thế nên ngày nào mình cũng mang máy đến quay em ấy, mặc dù em ấy rất khó chịu nhưng phải như thế thì nhân vật mới quen với may quay được. Với Rito, việc em ấy nói chuyện với một người lạ đã là khó. Em ấy không những phải nói chuyện với một người lạ mà lúc nào cũng có một cái máy quay “nhìn” chằm chặp vào em ấy thì sự khó chịu, không thoải mái đó còn nhiều gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, theo thời gian thì em ấy quen dần với máy quay, quen với việc lúc nào mình cũng lẽo đẽo đi theo sau em ấy. 
Nhưng điều khó khăn nhất đối với bản thân mình là giữ vững ý chí trong suốt quá trình làm phim. Trong khi làm phim truyện có cả một ekip sản xuất, khi làm việc trong một tập thể, nhìn sự cố gắng của mọi người, mình sẽ tự có trách nhiệm và càng có động lực để cố gắng hơn. Còn làm phim tài liệu chỉ có một mình mình làm tất cả công việc từ đầu đến cuối, nhiều lúc nản, mất phương hướng chỉ muốn bỏ cuộc. Mình đã tự động viên và cố gắng giữ vững ý chí để không buông xuôi.

5445ec644_anh_3.jpg
Nhân vật Rito tâm sự với Ly về niềm vui khi Cosplay (trong bộ phim “Rito Rito” do Thảo Ly sản xuất)

PV: Bộ phim đã gặt hái được nhiều thành công, bản thân Ly đã hài lòng chưa? Bạn còn có tiếc nuối điều gì không?

Thảo Ly: Mình thực sự hứng thú với câu chuyện của cô bé Rito, nên mình muốn tìm những người có liên quan để khai thác nhiều góc độ hơn, có cái nhìn nhiều chiều hơn. Mình đã đi tìm hiểu những người liên quan trong sự việc của em ấy, nhưng bị họ từ chối “toàn tập”, có lẽ vì họ không muốn đụng chạm đến vấn đề đã “ngủ yên” trong quá khứ. Đó cũng là một khó khăn và mình hơi tiếc một chút vì không thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, mình cũng đã khai thác được những người quan trọng trong cuộc sống của em ấy như: bố mẹ, những người bạn cùng yêu thích Cosplay như Rito.

PV: Trong quá trình quay phim tài liệu, thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với Rito, bạn học được gì từ nhân vật của mình?

Thảo Ly: Mình học được từ Rito rất nhiều thứ. Em ấy kém mình 5 tuổi. Nhìn vào những gì Rito đã trải qua, mình thấy cuộc đời mình may mắn đã diễn ra êm đềm. Cách em ấy nỗ lực vượt lên trên mọi thứ, cách em ấy sống lạc quan đến ngày hôm nay thực sự khiến mình rất khâm phục.

Mình cũng hiểu được phải tiếp cận với mọi người một cách có chiều sâu. Lần đầu tiếp xúc với Rito, mình nghĩ ai cũng ghét em ấy bởi tính cách kỳ quặc của em. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, mình càng yêu nhân vật của mình hơn, thương nhân vật của mình nhiều hơn. Có thể cách em ấy thể hiện ra nài không tốt nhưng bản chất của em là tốt. Điều căn bản là nhà làm phim có đủ sâu sắc để nhìn thấy được phẩm chất tốt đẹp của nhân vật không.

Mình đã học được điều đó. Và mình thấy sau khi làm xong bộ phim này, cách mình nhìn nhận và đánh giá mọi người đã khác đi, không còn hời hợt và vội vã nữa, mình hiểu rằng phải dành rất nhiều thời gian mới có thể hiểu được một ai đó. Mình và Rito bây giờ đã thân thiết hơn và cũng hiểu nhau hơn. Bản thân mình cũng đã rèn tính kiên nhẫn khi quay phim tài liệu.
 Khi không bận việc, Ly thường “lẽo đẽo" theo sau Rito để giúp em quen dần hơn với máy quay

PV: Bạn đánh giá các “đối thủ” dự thi ở hạng mục phim tài liệu năm nay như thế nào?

Thảo Ly: Các phim tài liệu năm nay rất mạnh. Các nhà làm phim đã đưa ra được nhiều vấn đề lớn và rất có ý nghĩa. Có nhiều phim được đầu tư quay rất đẹp, họ có kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm quay, thiết bị quay của họ cũng “xịn” hơn mình. Phim của mình quay bằng máy ảnh du lịch, mình cũng chưa có kinh nghiệm nên chất lượng hình ảnh không được tốt lắm, góc quay cũng chưa đa dạng.

PV: Để thực hiện được “Rito Rito”, chắc hẳn bạn đã bỏ rất nhiều công sức. Ly đã làm thế nào để cân bằng việc đó với việc học tập và sinh hoạt nại khóa ở trường cũng như các công việc khác?

Thảo Ly: Nhân vật trong phim của mình đã nghỉ học và ở nhà suốt nên mình không gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. Những buổi không phải đi học hay bận các hoạt động ở trường hoặc bận việc riêng, mình thường đi theo nhân vật. Em ấy thường xuyên đi Cosplay ở các lễ hội. Các hoạt động này thường diễn ra vào cuối tuần nên mình hoàn toàn không bị vướng bận gì. Bộ phim này mình sản xuất trong khoảng thời gian 2 - 3 tháng nên việc học tập của mình cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

PV: Sau thành công của “Rito Rito”, dự định tiếp theo của Ly là gì?

Thảo Ly: Mình học năm 3 rồi nên chắc sẽ hơi bận, mình sẽ tập trung vào việc học trước. Mình cũng đang xem xét một số dự án nho nhỏ, và có thể mình sẽ thực hiện nó trong thời gian sắp tới.

Cảm ơn Thảo Ly vì những chia sẻ thú vị và chân thành. Chúc Ly một năm học mới thành công và sẽ thực hiện được những dự định của mình.  
Huyen Vu
Ảnh do NVCC

“Rito Rito” kể về hành trình tìm hiểu cuộc sống thường ngày của cô bé 15 tuổi Rito đam mê Cosplay. Khoảng thời gian hóa thân vào các nhân vật là lối mở, đưa em sống cuộc đời khác, nơi tồn tại sự tôn trọng và cho em cảm giác được mọi người chú ý. Bộ phim là sự đan cài tinh tế giữa thế giới thực và thế giới ảo để cuối cùng bày ra một kết thúc mở như một câu hỏi tu từ: Suy cho cùng cần bao nhiêu dữ kiện, bao nhiêu đánh giá để có thể chìa tay ra cho một ai đó? 
Bộ phim đã đoạt giải: Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất và Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn của mùa Búp sen vàng 2016 với chủ đề “Những đứa trẻ thiên đường”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN