Nhọc nhằn nghề trồng Phật thủ
(Sóng trẻ) - Xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội – Nơi được coi là “thánh địa” phật thủ. Bởi chỉ có ở đây, loài cây này mới cho ra trái vàng ươm, thơm ngát và có nhiều hình thù kì thú, làm mê mẩn bao người thích chơi loại quả này. Thế nhưng, ít ai biết được, để trồng ra được thứ quả thơm ngát như thế thì đã biết bao giọt mồ hôi phải rơi trên vườn
Loại quả mang tên của đức Phật
Sở dĩ có cái tên là Phật thủ bởi vì loại quả này có mùi thơm đặc trưng, hình dáng giống bàn tay Phật, thường được người dân mua về để bày trên ban thờ đặc biệt vào các dịp Lễ Tết. Quả Phật thủ thường được đặt ở trung tâm và ở nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.
Anh Nguyễn Cao Mão – một trong số ít những chủ vườn Phật thủ còn lại tại xã Đắc Sở có chia sẻ nguyên nhân mà mọi người thường ưa chuộng loại quả này để bày trên bàn thờ bởi do quan niệm dân gian, đây là loại quả toả ra mùi hương dùng để giữ chân thần, Phật, gia tiên trong nhà và phù hộ cho gia chủ bình yên, may mắn, ấm no.
Chính vì lẽ đó, mà người dân đến với xã Đắc Sở mong muốn được tìm mua những trái Phật thủ đẹp, độc, hoặc đơn giản chỉ là thăm quan vườn cây Phật thủ trĩu quả, toả hương thơm ngát.
Một quả Phật thủ được cho là có dáng đẹp ở vườn nhà anh Mão
Nhọc nhằn nghề trồng Phật thủ
Đẹp và vô giá là thế, thế nhưng nếu tìm vườn trồng Phật thủ ở xã Đắc Sở thì lại khó khăn hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu như cách đây 20 năm, chỉ cần bước chân vào xã là có thể nhìn thấy những vườn Phật thủ hai bên đường thì nay phải đi sâu vào trong xã, dò đường mới thấy một hai vườn trồng Phật thủ.
Lí giải nguyên nhân này, anh Mão nói rằng bởi lẽ cây Phật thủ tuy thơm và đẹp nhưng lại hại đất. Nếu đã canh tác 5 năm trên đất thì sẽ không tiếp tục trồng được nữa, nếu cứ cố trồng thì quả sẽ rụng và bị cớm không lớn nổi. Không chỉ dừng lại ở đấy, anh còn cười buồn “Trồng lại không phải là dễ, mất nhiều tiền thuê đất, mua giống, chăm sóc mà giá cả lại lúc giảm lúc tăng, chẳng lường trước được”
Anh Nguyễn Cao Mão bên vườn cây Phật thủ của nhà
Nói thì nói vậy, nhưng không khó để chúng tôi thấy được ánh mắt lấp lánh của anh khi nhìn những cây Phật thủ sai trĩu quả, quả nào quả nấy căng tròn, bóng mượt, nhiều hình thù độc đáo. Tuy có mất nhiều vốn liếng, sức lực nhưng anh lại thể hiện tình yêu của mình với cái nghề này bởi lẽ anh nói “Đây là nghề cha ông truyền lại, hơn nữa, tôi đã quen và say với việc làm sao để cho ra những trái Phật thủ độc, đẹp và toả hương rồi”
Mà để cho ra những sản phẩm như vậy không phải là dễ, bên cạnh việc chỉ có đất ở khu vực Đắc Sở mới dễ dàng giúp cây nhanh lớn, cứng cáp và sai quả, thì thời tiết cũng là một vấn đề mà người trồng phải quan tâm. Trời ấm thì trái chín sớm, trời lạnh thì dáng quả lại khó đẹp. Vì vậy, anh Mão luôn phải canh chừng nhiệt độ để có phương án cho vườn cây của mình.
Phật thủ vốn là cây thuộc chi họ cam chanh, thân cây gầy guộc, bé nhỏ vậy nên các chủ vườn phải làm giá đỡ chắc chắn cho cây để những quả nặng trĩu sẽ nương theo đó mà lớn dần. Giá chắc thì quả còn, lỡ mà giá gẫy do mưa to gió lớn thì công sức bao lâu đổ sông đổ bể. “Vì thế, có những lần giữa đêm mưa to gió lớn tôi phải ra vườn huy động mọi người che chắn quả cho khỏi rơi, sửa sang lại giá đỡ cho cẩn thận” anh chia sẻ.
Giá cả bấp bênh
Trồng cây đã nhọc nhằn là vậy, ra quả mang đi tiêu thụ được giá lại càng khó khăn hơn. Bởi giá Phật thủ thất thường theo thời điểm. Cây cho quả liên tục trong 6 tháng mà giá lúc tăng lúc giảm. Trái đẹp mà gặp người chịu mua thì có khi lãi cả trăm triệu, nhưng nếu trái bình thường thì bán cho hiệu thuốc có khi chỉ có giá là vài chục nghìn một kg. Thời điểm gần đây, anh Mão hợp tác với các thương lái, bán khoán cho họ theo từng khoảng vườn, họ sẽ có quyền được buôn những quả trong khu vực đã thoả thuận với anh Mão, như vậy dù cây có quả đẹp anh cũng không được lấy nhiều lợi nhuận hơn, thế nhưng đây lại là cách an toàn với việc giá cả thất thường của loại quả này.
Một thương lái vui mừng vì khu vực họ mua trước có quả Phật thủ hình dáng đẹp, hứa hẹn sẽ được giá
Nhọc nhằn là vậy mà giá cả lại bấp bênh thế nhưng anh Mão vẫn sống với vườn Phật thủ suốt bao năm nay, trụ lại với nghề trong khi mọi người đã bỏ gần hết. Khi được mùa, khi lỗ nặng, nhưng hương thơm Phật thủ và hình dáng loại quả này vẫn len lỏi trong cuộc sống của anh. Trước kinh tế thời cuộc, con người chỉ chạy theo những gì lợi nhuận cao, ít rủi ro thì anh lại chăm chút cho vườn Phật thủ của mình và tin rằng “Mình giữ nghề là để cho mọi người có thể tự hào quả Phật thủ ở đất Đắc Sở. Nếu không, thì chẳng bao lâu nữa, chỉ còn thấy Phật thủ được nhập khẩu từ nước nài thôi”
Những quả Phật thủ vừa được thu hoạch để đem ra thị trường
Đinh Thị Vân Trang
Báo chí Đa phương tiện K35
Cùng chuyên mục
Bình luận