Nhức mắt với gameshow truyền hình nhiều sạ
(Sóng trẻ) - Ăn mặc phản cảm, hành động “bản năng”, thông tin thiếu chính xác, khai thác đời tư quá mức,... là những mặt tối nổi cộm của nhiều gameshow truyền hình hiện nay. Dẫu vậy, sau hàng loạt những cảnh báo và phản ứng gay gắt của dư luận, những chương trình giải trí đó vẫn tiếp tục lên sóng, thậm chí còn biểu hiện quá lố hơn.
Gameshow hấp dẫn khán giả bởi tính trẻ trung, sôi động và đặc biệt ở giá trị nhân văn. Hiện nay, không ít chương trình giải trí khiến người xem phải lắc đầu ngao ngán. Khi thời đại của các gameshow càng phát triển thịnh hành, người ta càng dễ tìm thấy những hạt sạn không nhỏ vẫn ngang nhiên được lên sóng, bỏ quên những giá trị thuần phong mỹ tục cốt lõi.
Đơn cử như một số chương trình có thời gian phát sóng gần đây với tuổi đời rất trẻ, như: Đại chiến kén rể (HTV), Lựa chọn của trái tim (VTV3), Thách thức danh hài (HTV), Sau ánh hào quang (HTV),…
Chương trình Thách thức danh hài có xuất phát điểm tạo ra hiệu ứng tốt, nhưng lại gây tranh cãi vì sự dễ dãi, hời hợt của giám khảo cuộc thi. Bên cạnh đó, những cuộc trò chuyện trong Sau ánh hào quang bị cho là khai thác quá sâu những vấn đề thuộc đời tư nghệ sĩ và thiếu tính chân thực.
Biểu hiện điển hình nhất là việc chương trình vẫn công bố và đăng tải thông tin chưa xác thực, thông tin một chiều không được kiểm chứng, những phát ngôn gây sốc của người tham gia. Nội dung văn hóa của các chương trình gameshow này không xấu, nhưng trong quá trình thực hiện và tổ chức lại tạo ra những quan điểm tiêu cực, gây phản ứng trái chiều trong khán giả.
24 cô gái giành nhau một chàng trai trong chương trình hẹn hò The Bacherlo Việt Nam
PGS.TS Minh Thái – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho hay: "Những gameshow hiện nay, nhất là những gameshow dành cho trẻ em khiến tôi buồn nhiều hơn là vui bởi sự phơi bày đời sống cá nhân, quyền riêng tư của trẻ. Tôi lo rằng trẻ con sẽ bị chín ép, chúng tham gia gameshow và diễn nhiều và không còn sự ngây thơ hồn nhiên đáng có ở độ tuổi thiếu niên. Trẻ con phải là trẻ con và không phải là mô hình thu nhỏ của người lớn”.
Bên cạnh đó, nhiều Gameshow giải trí online lấy format của nước nài chứa nội dung và cảnh quay dung tục, phản cảm,… cũng khiến cho người xem không khỏi bức xúc. Những cái tên tiêu biểu cho hiện tượng này có thể kể đến đó là: Dare Pong, Date & Kiss, Vitamin Girl,…
Trong Gameshow hẹn hò online Date & Kiss, người chơi gồm 1 nam, 1 nữ chưa quen biết sẽ đeo mặt nạ, thực hiện những cử chỉ thân mật, gần gũi như ôm, hôn trong phòng tối. Không kém cạnh, chương trình Dare Pong lại “đốt mắt” người xem với hình ảnh người chơi lột đồ, nhảy múa khiêu gợi, hay ăn đồ ăn trên người bạn chơi.
Ngang nhiên lột đồ, hôn hít ngay trong lần gặp đầu tiên là hình ảnh không còn xa lạ trên các gameshow online
Bạn Thúy - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Mình thật sự sốc với các chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Các gameshow online ngày càng tăng về số lượng nhưng lại suy giảm về chất lượng. Thiết nghĩ, cần quyết liệt hơn trong khâu quản lí để những chương trình với nội dung dung tục không xuất hiện tràn lan được nữa".
Những chương trình này đa phần đều có cấu trúc, nội dung hướng đến đối tượng khán giả là giới trẻ. Tuy nhiên, sự đầu tư, chuẩn bị không kỹ lưỡng đã gây ra không ít các điểm trừ lớn. Đặc biệt, những người trong cuộc, trực tiếp tham gia các gameshow đã có những "lỗ hổng" nhất định về cách thức tham gia, sa đà phô diễn lối sống cá nhân, thể hiện dấu ấn của bản thân.
"Theo nhu cầu thị trường, gameshow đáp ứng thị hiếu khán giả thì nhà đài mới sản xuất và vận hành được. Nếu không có khán giả thì sẽ không tồn tại được. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là xây dựng khung pháp lý để đảm bảo quyền lợi của khán giả và người tham gia chương trình. Đặc biệt là các chương trình cho trẻ em cần được kiểm soát kỹ hơn và chặt chẽ hơn, nhà báo Vũ Viết Tuân, Báo điện tử VnExpress chia sẻ.
Vậy theo bạn, những hạt sạn này xuất phát từ nguyên nhân nào và cần có cách giải quyết ra sao?
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận