Nón lá làng Chuông - Nét văn hoá dung dị của làng quê Việt
(Sóng trẻ) - Làng Chuông từ lâu đã trở thành "cái nôi" của nghề làm nón lá truyền thống. Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ nghệ nhân nơi đây đã góp phần gìn giữ một biểu tượng văn hoá gắn liền với làng quê Việt.

Mạch sống văn hoá giữa lòng Hà Nội
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam, làng nón Chuông (hay còn được gọi là làng nón lá Thanh Oai) nổi tiếng với những chiếc nón lá đặc trưng, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt. Không chỉ là vật dụng quen thuộc của người nông dân, những chiếc nón lá làng Chuông còn in đậm hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng.
Trong suốt hơn một nghìn năm hình thành và phát triển, làng Chuông đã sản xuất đa dạng các loại nón để phục vụ cho nhiều tầng lớp xã hội. Từ nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu đến nón chóp dành cho các chàng trai, mỗi sản phẩm đều được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và sự tâm huyết của người nghệ nhân.

Từ lâu, những chiếc nón lá làng Chuông đã đi vào đời sống tinh thần của người dân qua văn học, âm nhạc và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, trở thành biểu tượng của làng quê Việt. Không đơn thuần là một sản phẩm thủ công truyền thống, chiếc nón lá còn mang trong mình chiều sâu văn hoá, phản ánh nét đẹp của tâm hồn người Việt Nam.
Dù đã trải qua không ít thăng trầm, những người nghệ nhân làm nón ở làng Chuông vẫn kiên trì gìn giữ hồn quê trong từng chiếc nón, gửi vào từng đường kim mũi chỉ những tâm tư và niềm tự hào về nghề thủ công truyền thống. Với sự chăm chỉ và tình yêu dành cho nghề, những người nghệ nhân nơi đây đã lưu truyền nghề làm nón qua nhiều thế hệ.
Tinh hoa nghệ thuật truyền thống

Mỗi chiếc nón làng Chuông đều là kết tinh của sự khéo léo, tỉ mỉ, nhẫn nại và tâm huyết của người nghệ nhân. Để tạo ra một chiếc nón, người thợ làm nón làng Chuông phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, bắt đầu từ việc lựa chọn những chiếc lá cọ tươi từ tự nhiên để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Bà Hoàng Thị Thắm, một trong những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm nón chia sẻ: “Vất vả nhất là khâu vò lá và phơi lá. Sau khi mang lá về, chúng tôi phải phơi nắng; nếu nắng yếu, phải mất tới 3, 4 ngày mới có thể hoàn thành một mẻ lá. Khi phơi phải chú ý thời gian, nếu phơi quá lâu thì lá sẽ bị đỏ, còn nếu chưa phơi đủ nắng thì lá sẽ sống.”

Sau khi được phơi nắng, xử lý và ủi để đạt được độ mềm mịn hoàn hảo, những chiếc lá này sẽ được khâu vào khung tre. Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo ở người nghệ nhân. Mỗi mũi kim đều đặn là một nét vẽ, khắc họa nên hồn quê Việt.
Điểm nhấn tạo nên linh hồn của những chiếc nón làng Chuông là những hoạ tiết hoa lá sinh động trang trí lòng nón. Những hoạ tiết này thường được làm từ giấy màu hoặc chỉ khâu, kết thành những vòng giăng mắc tinh tế ở hai điểm đối diện để buộc quai nón. Quai nón được khâu từ những dải lụa mềm mại, tạo thành điểm độc đáo, đậm chất Việt.
Niềm tự hào của mảnh đất kinh kỳ
Mang trong mình nét đẹp mộc mạc, gần gũi của làng quê Việt Nam, nón lá làng Chuông không chỉ là niềm tự hào của vùng đất Thanh Oai, mà còn điểm thêm nét đẹp vào bề dày văn hoá - lịch sử của mảnh đất kinh kỳ. Ngày nay, làng Chuông đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến với làng nón Chuông, những vị khách không chỉ cảm nhận nhịp sống thanh bình, yên ả mà còn được lắng nghe câu chuyện văn hoá làng quê ẩn sau từng chiếc nón. Khách du lịch rời làng với những chiếc nón xinh xắn trên tay cùng với những kỷ niệm đẹp về một vùng đất giàu nét đẹp truyền thống.
Trong bối cảnh hiện đại, khi nhiều làng nghề truyền thống đứng trên bờ vực của sự mai một và lụi tàn, người dân làng Chuông vẫn vững tin vào giá trị của chiếc nón lá. Với tình yêu nghề và trách nhiệm bảo tồn, họ vẫn âm thầm lưu truyền nghề làm nón thủ công - một phần hồn văn hoá của dân tộc. Chiếc nón lá trở thành mạch nối thiêng liêng qua các thế hệ nghệ nhân của làng nghề.
