Phóng sự: muôn màu chuyện sinh viên làm thêm theo giờ (phần 2)

KỲ 2: Mảng tối cần được biết và những thay đổi từ hai phía

(Sóng trẻ)-Cuộc sống luôn có những mảng tối đằng sau mảng sáng. Đi làm thêm theo giờ không đơn thuần là con đường trải đầy hoa hồng, còn đầy rẫy gai nhọn lẩn khuất mà phải là người trong cuộc trải nghiệm mới thấu hiểu sâu sắc.

1- Mảng tối cần được biết

Khi tuyển người làm, những cửa hàng lớn yêu cầu sinh viên phải có một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ gồm sơ yếu lí lịch có dấu đỏ xác nhận của địa phương, bản photo có công chứng thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân. 

Những cửa hàng nhỏ chỉ cần tuyển thêm người chạy bàn khi đông khách không quá khắt khe trong khâu tuyển dụng. Sinh viên chỉ cần đến gặp người chủ, thỏa thuận công việc qua một cuộc nói chuyện - đây gọi là “bản hợp đồng lao động kí kết bằng lời nói”. Thường thì trong những bản hợp đồng qua loa ấy, quyền lợi của sinh viên không được nhắc tới, phần lớn là yêu cầu của người chủ dành cho người làm. Người chủ “nắm đằng chuôi”, họ có thể tự ý “lật mặt” bằng cách tăng giờ làm, giảm tiền công, xúc phạm nhân phẩm người làm…

02bd505d9_cau_sinh_vien_lam_mot_bo_ho_so_xin_viec_day_du.jpg
Hiếm khi các cửa hàng yêu cầu sinh viên cung cấp bộ hồ sơ xin việc đầy đủ (Ảnh từ nguồn Internet)

Nguyễn Thị Thủy - cựu sinh viên trường trung cấp Y Dược Phạm Ngọc Thạch, sinh năm 1992, quê ở Sóc Sơn (Hà Nội) kinh hoàng khi nhớ lại những tháng ngày đi làm thêm của mình. 

Chị Thủy làm 4 tháng ở quán bún chả quạt bà Lan ven đường Nguyễn Trãi gần điểm xe buýt trường đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, cho đến tận ngày nghỉ việc, chị vẫn bị chủ quát mắng té tát. Bà Lan - người chủ đáng tuổi bác ruột chị Thủy luôn tìm cách tăng giờ làm và giảm tiền công của chị. Lấy lí do quán bún chả phải mở hàng sớm để phục vụ sinh viên mấy trường đại học gần đó ăn sáng, bà Lan yêu cầu chị Thủy có mặt từ 4 rưỡi sáng. 

Trước khi hết ca làm, bà Lan cố “bới việc” cho chị Thủy làm thêm khoảng nửa giờ nữa mới chịu trả tiền công theo ngày. Làm 10-11 giờ/ngày, chị Thủy được trả 100 nghìn/ngày, trong khi “giờ lao động bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần” (theo “quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi” của bộ luật Lao Động năm 2012). 

Vì là quán ăn lấn chiếm vỉa hè nên bà Lan bán hàng trong tình trạng thấp thỏm canh giờ chạy công an. Đã nhiều lần bị công an tuần tra tịch thu bàn ghế nhưng bà Lan vẫn “chứng nào tật nấy”. Hồi chị Thủy mới vào làm, bà Lan “bắt nạt ma mới” bằng cách đổ tội cho chị Thủy thu dọn chậm chạp nên bàn ghế mới bị thu hồi lên xe. Bà Lan trừ tiền công của chị Thủy để… mua bàn ghế mới. Những lí do vô lí dễ làm những sinh viên có học vấn “chướng tai gai mắt”. Chị Thủy nhiều lần thanh minh rằng mình không sai, yêu cầu bà Lan trả đúng số tiền công, nhưng lần nào bà Lan cũng to tiếng lấn át chị, quát mắng đến độ xúc phạm nhân phẩm trước khách hàng vốn là các bạn sinh viên như chị. Bao nhiêu lần chị muốn nghỉ việc nhưng vì “nghĩ đến bố mẹ mà phải cố gắng làm việc và chịu đựng lời nói của chủ quán” - chị Thủy cay đắng kể lại.

02bd505d9_chi_thuy_ben_trai_di_mua_do_o_sieu_thi.jpg
Chị Thủy (bên trái) đi mua đồ ở siêu thị

Bản thân sinh viên đi làm thêm cũng phải chấp nhận đánh đổi một số thứ quan trọng của mình. Hồ A Công tâm sự: “Để kiếm ra đồng tiền thì cần phải trả một cái giá đắng - đó là mồ hôi và thời gian”. Đi làm về quá mệt, chỉ muốn đi ngủ ngay, thời gian đâu mà xem lại bài, đến kì thi sao có thể tập trung ôn tập, lên lớp gật gù buồn ngủ mong cho qua tiết, lời thầy cô giảng như gió thoảng qua tai. Vì thế sinh viên cần biết phân bố thời gian học và làm sao cho hợp lý. 

2- Thay đổi từ hai phía

Trước tiên, những người chủ cần thay đổi suy nghĩ “đóng đinh” trong đầu họ rằng: Mất tiền thuê người là được quyền đối xử tệ với người làm. Không ai lấy không của ai bất kì thứ gì - đây là quy luật “bất thành văn” của cuộc sống. Sinh viên phải bỏ sức lao động mới nhận được tiền công, sinh viên có quyền được hưởng một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và được tôn trọng. Pháp luật nước ta đã có những cơ sở pháp lí đứng về phía đối tượng cần bảo vệ.

- Điều 37 bộ luật dân sự quy định: “Danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

- Theo điểm a khoản 1 điều 5 nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng” với hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

- Điều 121 bộ luật Hình sự - “tội làm nhục người khác” quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm”.

Từ việc thay đổi suy nghĩ, dẫn đến việc thay đổi cách ứng xử của người chủ đối với người làm. Người chủ thử một lần đặt mình vào vị trí của sinh viên đi làm thêm bị bóc lột sức lao động, bị cắt xén tiền công, liệu họ có thấy phẫn nộ? Và nếu ở một nơi nào đó, con em họ cũng đang đi làm thêm phụ giúp gia đình mà bị coi thường, xúc phạm, họ có thấy xót xa? Hãy mang tình người vào mối quan hệ người chủ - người làm, hiệu quả công việc vì thế mà tăng lên, đồng thời tạo không khí thoải mái giữa hai bên!

02bd505d9_g_canh_cua_mot_quan_an_thue_sinh_vien_chay_ban.jpg
Khung cảnh của một quán ăn thuê sinh viên chạy bàn

Người tiếp theo cần thay đổi, chính là sinh viên. Trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của pháp luật, hãy biết lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bản thân. Yêu cầu phía tuyển dụng có hợp đồng lao động rõ ràng - đây là cơ sở pháp lí để người chủ không có cơ hội đối xử “tùy hứng” với người làm. “Không nên chịu đựng mắng chửi, sỉ nhục của chủ quán, phải nói với họ, nếu họ không hiểu mình, nên nghỉ chỗ cũ để đi tìm việc khác” - chị Thủy rút ra bài học sau một thời gian im lặng trước cách cư xử quá đáng của bà Lan.

Biết trân trọng đồng tiền và tiêu dùng hợp lí cũng là một bài học bổ ích cho sinh viên. Mua sắm đồ dùng từ chính đồng tiền mình vất vả làm thêm, sinh viên biết giữ gìn cẩn thận những món đồ của mình và biết ơn hơn công sức cha mẹ lao động gửi tiền cho mình.

Sinh viên đi làm thêm theo giờ cần xác định nghiêm túc rằng học là chính, làm thêm là phụ. Tránh đảo ngược lại vế, làm thêm là chính, học là phụ. Cha mẹ ở quê nhà biết con chỉ ham đi làm mà bỏ quên việc học thì đâu vui lòng gì, lúc ấy ý tốt muốn giúp đỡ gia đình trở thành nỗi lo lắng mới của cha mẹ.

Cuộc sống vốn dĩ không phủ kín màu hồng như những viễn cảnh sinh viên, tưởng tượng, vẫn có những mảng màu tối và những góc khuất đan xen nài thực tế. Hãy biết vươn lên trong cuộc sống bằng cách lao động chân chính để phụ giúp gia đình. Và đặc biệt cần biết tỉnh táo bảo vệ quyền lợi của chính bản thân khi bước vào một công việc làm thêm mới!

Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN