Sống lại ước mơ từ chuyến đi thực tế

(Sóng Trẻ) -  Chuyến đi thực tế tới tòa soạn báo Lao động và xã hội gợi nhắc cho tôi những kỷ niệm từ thời thơ ấu non nớt, khơi lại động lực khiến tôi bước những bước nặt quyết định trong cuộc đời mình – theo đuổi nghề báo.

Ông nội tôi hồi ấy là cán bộ xã, mỗi lần đi làm về, ông thường mang theo một tập báo lớn, ông nói là báo in, người ta chỉ phát cho cán bộ. Tôi mới biết đọc, biết viết mà đã được biết báo in nó trông như thế nào, đó đã là điều kiện tiến bộ hơn bao người, bởi ở vùng núi Tây Bắc nghèo khó chúng tôi, được đi học đã là một niềm may mắn.  Thời gian trôi đi nhanh, tôi giờ đây đã là một sinh viên năm ba, tiếp tục bước đi trên con đường thực hiện ước mơ trở thành con người làm nên những tập giấy như vậy trong ký ức.

Báo in hồi ấy mang về cũng chỉ có mỗi ông đọc, thế mà người ta vẫn phát nhiều quá, đến ngày lễ tết mẹ tôi m lại cũng thành một khối lớn, chồng đầy góc tủ. Mẹ và bà nội tôi dùng chúng để gói bánh cổ truyền của dân tộc, bên nài lớp vỏ ni lông. Chiếc bánh bổng được cắt hình chữ nhật bao lớp giấy báo màu xám bên nài được dán lại bằng hai dải giấy màu đỏ vắt chéo nhau tượng trưng như chiếc lạt tre buộc lại, đặt lên bàn thờ, tạo thêm chút ấm áp cho những ngày sum họp. 

Thế mà lớn lên, từ khi tôi biết đọc, tôi lại thêm yêu chúng mỗi ngày. Những tờ giấy khổ lớn và chẳng có màu mè vui mắt kia lại chứa biết bao nhiêu điều hay ho hơn tôi vẫn nghĩ, tôi dần hiểu ra tại sao ông tôi lại thích đọc báo đến vậy, và cũng không quên nuối tiếc, báo hay mà chẳng ai đọc, mới thật phí phạm làm sao. Rồi từ bao giờ không biết, tôi khao khát thay đổi điều đó, tôi muốn một ngày nào đó thấy tên mình ký ngay dưới những bài báo hay, tôi muốn ai ai cũng được đọc những bài báo mà tôi viết.

Nhận được giấy giới thiệu của nhà trường tới tòa soạn báo Lao động và xã hội để lấy thông tin, tôi háo hức cho lần đầu tiên tận mắt thấy công việc của những con người mà tôi ngưỡng mộ.

Tòa soạn báo Lao động và Xã hội năm nay bước sang tuổi hai mươi, tọa lạc trên  số 73 phố Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội. Được ra đời với mục đích là cơ quan  ngôn luận cho  Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Trước cổng tòa nhà số 73, tấm bảng đề tên tòa soạn nền màu đỏ, dòng chữ màu vàng đã cũ kỹ. Cả không gian làm việc từ tầng ba đến tầng năm tòa nhà của tòa soạn mang một nét bình dị và gẫn gũi như thể tôi đang đứng ở ủy ban nhân dân quê mình, nơi mà bao năm về trước tôi vẫn đến cùng ông nhận lương hưu và những sấp báo mang về.

4a63e20da_anh_3.jpg

Một số của báo Lao động và Xã hội

Ở nơi này, tôi lại gặp lại hình ảnh đó, những sấp báo có mặt ở mọi nơi trong phòng làm việc, trên những chiếc tủ và những chiếc bàn làm việc, song lại mang một nét thật mới mẻ. Những tờ báo dường như chẳng bao giờ nguội lạnh, chúng nằm trên đó không phải để đợi những ông cán bộ về hưu dắt cháu đến mang về để giành gói bánh hay để kê mâm cơm khi nhà có khách. Chúng là rất nhiều loại báo của các cơ quan báo chí khác nhau được xếp chung lại ngăn nắp mà chú phó trưởng ban thư ký mà chúng tôi gặp nói rằng dùng để cho cán bộ nhân viên đọc, cập nhật thông tin và tham khảo cho báo mình.


Tôi hiểu rằng, đó chính là sự khác biệt giữa việc đọc báo của người làm báo và việc đọc báo của những người khác. Người ta thường tìm đến báo mỗi ngày để biết thêm tin tức, để đọc truyện cười cho vui, để xem hình cho đầu óc đỡ căng thẳng... Nhưng với người làm báo thì khác, phải đọc báo thường xuyên để trau dồi vốn từ ngữ, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm, những điều hay của đồng nghiệp và để nhìn thấy lỗi của mình, của người khác mà rút kinh nghiệm, lần sau còn tránh.

Cả căn phòng làm việc lớn buổi sáng hôm ấy không có một phóng viên hay một biên tập viên nào, duy chỉ có chú phó trưởng ban thư ký chạc tuổi ngũ tuần ngồi tiếp chuyện với chúng tôi là trực ở đó. Chú bảo đó chính là cái khác biệt dễ nhận thấy giữa nghề báo và các công việc văn phòng khác. Ở cơ quan chú, buổi sáng mọi người có thể đến cơ quan rất muộn, một ngày có mặt một buổi chiều cũng được, chỉ cần phóng viên có đầy đủ tin bài mang về đúng trong cuộc họp giao ban để tập hợp và lựa chọn thôi. 

Việc đến 10 giờ sáng mà cả phòng làm việc vắng tanh không có một ai như thế này là rất bình thường. Tôi nghĩ bụng, có lẽ lúc này, các anh chị, cô chú phóng viên ấy đang lặn lộn trên một con phố hay một thôn quê nào đó để quan sát những điều hay ho, mới mẻ, hỏi hỏi, viết viết. Hoặc có thể, có người đang ngồi ở nhà, hay một quán cà phê nào đó cắm cúi viết bài trên chiếc máy tính xách tay của mình. Mỗi người họ đều đang giành tất cả nhiệt huyết và sự cố gắng để có những tin bài hay nhất gửi về cho tòa soạn, có vậy mới có thể cho ra những số báo mới liên tiếp vào mỗi thứ ba, thứ năm, và chủ nhật hàng tuấn chứ.

Chú Lê Quang với chất giọng êm ả của người miền trung ngồi bên chiếc bàn làm việc riêng của mình, nhiệt tình chia sẻ mọi thông tin của tòa soạn cho chúng tôi. Chuyển đến cơ quan từ khi báo có trụ sở mới, đến nay đã 15 năm, chú dường như là người chứng kiến cả quá trình phát triển của tòa soạn báo Lao động và Xã hội.

Qua lời kể của chú, khi tòa soạn mới ra đời, mọi việc đều bắt đầu thật  khó khăn. Ý tưởng lập ra báo Lao động và xã hội nảy sinh trong đầu Bộ trưởng Trần Đình Hoan, mong muốn ra đời một tờ báo của ngành để tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách và tiếp thu phản hồi thực tiễn cuộc sống.

Việc tìm ra ý tưởng cho tờ báo và những người đầu tiên cho đội ngũ cán bộ tòa soạn khó khăn đến nỗi ông phải đích thân khuyến khích mọi người lên ý tưởng với tinh thần: Nếu ai trình Đề án thành lâp tờ báo của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội được Bộ phê chuẩn thì sẽ được giao làm Tổng biên tập.

Vị phó tổng biên tập đầu tiên của báo sau đó là nhà báo Nguyễn Ngọc Niên. Với ý chí quyết tâm, đam mê và khát khao chinh phục lĩnh vực mới đầy tự tin, ông đã trình bày xuất sắc ý tưởng và những nghiên cứu, chuẩn bị đầy tâm huyết của mình trước lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Nhưng do còn quá trẻ, cộng thêm chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm trong chuyên ngành này nên ông Nguyễn Ngọc Niên được chỉ định làm Phó tổng biên tập để thực thi đề án. Những vị trí quan trọng khác trong tòa soạn sau đó đều do những nhà báo nổi tiếng từng công tác tại báo khác hoặc cán bộ trong ngành, khác ngành nhưng có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt huyết, bỏ cả công việc tốt, điều kiện tốt vốn có của họ để đảm nhận.

4a63e20da_anh_5.jpg

Báo Lao động, Xã hội là cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội


Là một tờ báo hoạt động dưới sự lãnh đạo và kiểm soát của nhà nước, báo Lao động và Xã hội luôn chọn cho mình những bước đi thận trọng, chậm mà chắc. Thu nhập của tòa soạn dựa trên hai nguồn chính là bán sản phẩm và quảng cáo. Mức thu nhập ổn định và không quá cao như những báo hướng tới đối tượng công chúng trẻ tuổi, năng động, hiện đại khác. Thế nhưng mỗi cán bộ phóng viên và biên tập viên ở đây như đều ý thức được ý nghĩa lướn lao của công việc mà họ đang làm, luôn nuôi trong mình một tình yêu với nghề cháy bỏng.

Từ những ngày đầu ra đời đến nay, tòa soạn vẫn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ  là cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sử dụng ngòi bút của mình để góp phần xây dựng nên  một xã hội công bằng, văn minh, người thương người. Giải quyết vấn đề đặt ra của Bộ Lao đông – Thương binh và Xã hội, đó là thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi chính sách từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường, cải cách tiền lương và thúc đẩy thực hiện chính sách cho những người có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ... 

Hai mươi năm xây dựng và phát triển, báo Lao động và Xã hội đã tự mình cho thấy vị trí và tiếng nói của báo chí trong xã hội. Điều đó đâu phải một ai cũng làm được nếu như không có lòng nhiệt huyết và sẵn sàng hy sinh.

Chúng tôi ra về trong lòng phấn khởi với những thông tin quý báu thu thập được cho bài báo cáo của mình, với riêng tôi, ấn tượng về chuyến thực tế này còn là suy ngẫm, liệu mình có thực sự đủ tâm huyết với nghề, mình có đủ sức để đối mặt  với những chông gai còn đang chờ phía trước để theo đuổi công việc mà mình yêu quý đến tận cuối đời? Tôi tự nhận ra khoảng cách giữa tôi và họ - những nhà báo tôi từng gặp ở tòa soạn đó, còn xa lắm, khoảng cách đó không chỉ là tài năng, kinh nghiệm, mà còn lả cả sự cố gắng và hy sinh...  Đó quả thực là những điều không hề đơn giản.

Rồi những sản phẩm mới ra của tòa soạn mà chúng tôi vừa ghé thăm sẽ lại được chuyển đến bạn đọc trên khắp mọi vùng miền của tổ quốc, trong đó có cả vùng núi Tây Bắc xanh gió đại ngàn của tôi nữa, và ông nội tôi cũng sẽ lại có một tờ báo mới như vậy mỗi lần ghé qua Ủy ban nhân dân xã để nhận tiền lương hưu.

Trong đầu tôi lại hiện lên những mong mỏi một thời: quê hương đại ngàn nơi đã sinh ra tôi, những bản làng nghèo khó của tôi, cuộc sống của họ cũng sẽ đổi thay  nếu có những người hy sinh như họ chứ?

Vàng Thị Ly
Phát Thanh K.31

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Tin nổi bật20 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm ”Cây Quân Tử” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ Hoàng Thiện Phúc lấy cảm hứng từ những nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương - làng chài ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận.

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Tin nổi bật21 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm “Ngày rộng” không đơn thuần là nơi trưng bày về nghệ thuật mà là không gian để giới trẻ tìm về những khoảnh khắc yên bình, thoát khỏi cuộc sống hối hả và suy ngẫm về chính mình.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa chỉ mới ở quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024 và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN