Tiếng Việt đang dần bị “trẻ hóa”
(Sóng trẻ)- Ngôn ngữ teen hay nói cách khác là ngôn ngữ thời @ đang bị lạm dụng và được sử dụng mọi lúc, mọi nơi trong giới trẻ. Bên cạnh việc nói lóng, nói tục, chửi thề thì tình trạng “trẻ hóa” ngôn ngữ đang ngày càng gia tăng
Vốn ngôn ngữ “tự chế”
Thứ tiếng nửa tây nửa ta đang ngày càng phổ biến, được sử dụng rộng rãi trên Internet, trong đời sống và thậm chí trong cả lớp học. Nhiều bạn ùa theo trào lưu và nếu như bạn nào vô tình không biết và không bắt kịp được xu thế chung đó thì bị coi là quê mùa, là “gà công nghiệp”.
Thay vì nói đủ dấu, đủ từ thì tình trạng viết tắt đang ngày càng phổ biến. Nếu tất cả các ký tự trong câu đều được viết tắt, đều được “chuẩn hóa” theo cách riêng, thì bạn khó lòng có thể hiểu được người viết muốn nói gì. “Hum n4j c h3m zja di ch0 w m3 dc 0y, c f4j o l4j h0c fu d4o, m3 hk pun nka” tạm dịch là (Hôm nay con không về đi chợ với mẹ được rồi, con phải ở lại học phụ đạo, mẹ không buồn nha). Hay như : “tuj wen^ rọi di3n cho4 yOu mờ yOu zận d3n 1 tu4n l3. Ne3 h3m thyk chOj zOj tuj nữ4 thuj” ( Tôi quên gọi điện cho bạn mà bạn giận đến một tuần lễ. Nếu không thích chơi với tôi thì thôi). Lang thang trên các diễn đàn của giới trẻ, các Chat room sẽ không khó để bạn bắt gặp những ngôn ngữ “khác người” kiểu như thế này.
Bên cạnh đó, có rất nhiều bạn trẻ, tiếng Anh cũng chỉ ở mức bập bõm biết vài câu, nhưng khi đang trò chuyện bằng tiếng Việt đã không ngần ngại chêm vào mấy câu tiếng Anh cho bằng bạn, bằng bè, như: “Know die now” (biết chết liền), “Like is afternoon” (thích thì chiều), “Ugly tiger” (xấu hổ)…
Mà tệ hại hơn, đáng báo động hơn là lối nói nửa tây, nửa ta anh không ra anh mà Việt cũng chẳng ra Việt. “Maybe mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên perfect như thế” (Có lẽ mình không nên đòi hỏi mọi thứ phải trở nên hoàn hảo như thế)
Nài ra, việc sử dụng ký hiệu cũng đang bị lạm dụng trong giới trẻ. Khi bạn vui đã có biểu tượng ^^ thay cho cảm xúc. Khi bạn buồn đã có T_T hai chữ T thay cho khuôn mặt buồn, với hai dòng nước mắt. Còn trạng thái tức giận được biểu hiện qua khuôn mặt >.< trông rất ngộ nghĩnh… các ký hiệu trên bàn phím máy tính và trên điện thoại di động đã được “tận dụng” một cách triệt để. Nhiều bạn khi làm bài kiểm tra đã không ngần ngại cho các biểu tượng cảm xúc này vào.
Không lạm dụng quá mức
Có thể khẳng định rằng đây là kết quả của quá trình lây lan tâm lý. Những cái mới, cái lạ khi đã được hình thành trong giới trẻ sẽ nhanh chóng tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Bởi xét cho cùng, bất kỳ một hiện tượng xã hội nào dù tốt hay xấu giới trẻ cũng là tầng lớp tiếp thu nhanh nhất.
Bạn Anh-Sinh viên ĐH Điện lực chia sẻ: “Mình thấy việc sử dụng ngôn ngữ như vậy là bình thường, phù hợp với xu hướng của giới trẻ và không có gì phải đáng lo ngại cả. Tuổi trẻ mà, nên bắt kịp với xu hướng mới”
Theo PGS. TS Phạm Văn Tình-Viện Ngôn ngữ và Từ điển học (khi trả lời trên Đài Tiếng nói Việt Nam) ông cho rằng: “Hãy coi đó là sản phẩm một thời kì tương đối dài của một bộ phận. Nó tồn tại nài luồng và được nói trong giao tiếp bình thường. Nhưng đưa vào văn viết thì cần phải xem lại”
Suy cho cùng không thể ngăn cấm giới trẻ tìm kiếm cái mới, cái lạ, không thể cấm giới trẻ thể hiện “cái tôi” của riêng mình. Sự bùng nổ của Internet và xu thế toàn cầu hóa buộc chúng ta phải thay đổi, và thay đổi là một điều tất yếu. Nhưng, sẽ thế nào nếu ngôn ngữ của giới trẻ được chuẩn hóa bằng ký hiệu, bằng các từ ngữ viết tắt? Sẽ thế nào nếu như hằng ngày giới trẻ vẫn trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ nửa tây nửa ta, và sử dụng cả trong văn viết? Bản sắc chính là cái mà một bộ phận giới trẻ đang vô tình đánh mất, đang vô tình hủy hoại bởi vốn ngôn ngữ “tự chế” của mình.
Tiếp thu và chọn lọc cái mới cũng chính là các bạn đang góp phần làm phong phú thêm tiếng mẹ đẻ của mình. Người khôn sẽ sử dụng cái mới đúng lúc và biết dừng đúng lúc để khi nhìn vào người ta vẫn có thể nhận biết được: Bạn đang sử dụng Tiếng Việt!
Nguyễn Thị Huyền
Lớp: Phát thanh k31
(Ảnh: Nguồn Internet)