Tình nguyện viên “hội máu”: “Phần thưởng lớn nhất là kinh nghiệm”
(Sóng Trẻ) - “Hội máu” là cái tên thân mật mà các bạn sinh viên tình nguyện của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội thường dùng để nói đến Chi hội của mình. Ai đó có thể nghĩ rằng, công việc họ đang làm là quá lặng lẽ, âm thầm, mất sức, mất thời gian. Có lẽ, chỉ những bạn trẻ gắn bó và tận tâm cùng hoạt động hiến máu nhân đạo mới thấm thía được giá trị, ý nghĩa mà mỗi chương trình mang lại cho chính bản thân họ.
Hội máu - hội "những người cô đơn"
“Đã xác định vào hội máu là sẽ vào hội FA” (Forever Alone – Mãi mãi cô đơn – PV), bạn Thế Dương của đội Người Việt Trẻ hài hước chia sẻ khi đưa chúng tôi vào thăm gian trại của đội tại Lễ hội Xuân Hồng 2013. Nài điểm chung là các sinh viên năng động, có tấm lòng, gắn bó với hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, các bạn trong đội còn chia sẻ một nét chung đặc biệt khác: hầu hết tất cả còn độc thân!
Trước sự băn khoăn, áy náy của phóng viên, một TNV khác của Người Việt Trẻ là Ngọc Anh ngậm ngùi tâm sự: “Chẳng có chàng trai nào lại thích các cô gái suốt ngày chạy hết sự kiện này đến sự kiện nọ, bận rộn, chẳng có thời giờ cho người yêu. Đã thế, khi đi hoạt động thì cần thoải mái, tự do, vui vẻ; khó tránh được những lúc anh em bạn bè thân mật, vồn vã, bá cổ bá vai. Người yêu nào “chịu” được !?”.
Vì chưa thể cân bằng giữa việc công với việc tư, không ít TNV đã chọn giải pháp tình thế: “Thà mãi mãi cô đơn, còn hơn xa hội máu”. Bù lại, những buổi cùng anh em tới từng Kí túc xá các trường đại học, nhẫn nại đứng tại các bến xe bus để gặp gỡ, vận động thanh niên… đã giúp mỗi TNV thêm gần gũi, gắn bó với bạn bè, với “hội máu” của mình hơn. Cảm giác đơn độc, lẻ loi cuối cùng cũng trôi qua thật nhanh, nhường chân cho không khí sôi nổi khi bàn bạc về kế hoạch tuyên truyền cho tháng tới.
Hoạt động liên tục và thiết thực giúp mỗi TNV thêm gần gũi, gắn bó với bạn bè, với “hội máu” của mình
May mắn hơn Ngọc Anh, cô bạn Võ Thị Thơ (Đại học Điện lực) lại nhận được sự ủng hộ, thông cảm của bạn trai dù hai người đang ở cách xa nhau hàng nghìn cây số. Thơ nói với chúng tôi: “Tất nhiên ai cũng luôn hy vọng “nửa kia” của mình sẽ dần dần thấu hiểu được ý nghĩa, mối thân tình của “hội máu” với TNV, đặc biệt là giá trị to lớn của từng giọt máu được sẻ chia cho người bệnh. May cho mình là anh ấy đã hiểu được điều đó và thoải mái ủng hộ”.
“Phần thưởng lớn nhất là kinh nghiệm”
Nếu có thể dành một ngày theo chân các TNV của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tới KTX và bến xe bus tuyên truyền, vận động cho Lễ hội Xuân Hồng 2013, chắc hẳn có người sẽ thắc mắc: Tại sao lại phải mất nhiều thời gian, tâm sức cho một hoạt động âm thầm, lặng lẽ, chẳng được ai biết tới; một công việc không có tiền lương, phần thưởng; không phải ai làm cũng sẽ được vinh danh ? - Câu hỏi này không chỉ tồn tại trong sự băn khoăn của “người nài”, mà có lẽ đôi khi còn nhen lên trong chính những TNV nữa.
Không một phút do dự, Thế Dương thẳng thắn trả lời chúng tôi: “Với mình, phần thưởng lớn nhất là kinh nghiệm. Tất nhiên, cũng có những chương trình mà TNV được cấp giấy chứng nhận tham gia, nhưng đó không phải điều quan trọng nhất. Quyền lợi mà mình cần/có được chính là những kinh nghiệm thu được trong quá trình tham gia”.
Thế Dương tranh thủ tuyên truyền ngay trên đường phố
Những lần đi tuyên truyền, vận động đã “dạy” cho Dương cũng như các bạn của mình cách nói chuyện, giao tiếp tự tin. Sau hơn 1 năm tham gia “Hội máu”, cậu sinh viên năm II Cao đẳng Dược đã biết cách “trông mặt mà bắt hình dong” – tùy từng người mà có cách tiếp cận, giới thiệu khác nhau; thay đổi tốc độ đi và nói để câu chuyện giữa những người xa lạ có thể trở nên dễ tiếp thu, thân mật nhất. Chỉ trong vòng 30 phút, Dương đã tiếp cận được với hơn 10 bạn trẻ và thuyết phục 2/3 trong số họ đến với Xuân Hồng 2013.
Còn những cô gái như Ngọc Anh hay Thơ lại nhận được sự khéo léo, mạnh dạn trước đám đông, đặc biệt là bản lĩnh trước những lời trêu chọc của nam giới. “Không thể quá cứng nhắc, bất lịch sự; nhưng cũng không được để họ làm lỡ dở công việc của mình” – Ngọc Anh tự tin khẳng định. Những kỹ năng này đều là phẩm chất thiết thực cho các bạn thanh niên trong công việc, cuộc sống; và tất cả đều đến từ quá trình tham gia hoạt động một cách cởi mở, nhiệt tình, kiên trì nhất; không phải sách vở nào dễ dàng dạy được.
TNV Võ Thị Thơ đang giải thích các lợi ích của việc hiến máu
cho 2 nữ sinh tại điểm xe bus lưu động miễn phí của Lễ hội Xuân Hồng 2013
Khi chia tay các TNV của Xuân Hồng 2013 để họ có thể dành thời gian tập trung cho nhiệm vụ đón đưa, chăm sóc người hiến máu, chúng tôi còn được nghe thêm những câu chuyện về cậu sinh viên Hội máu vừa say mê hoạt động, mà ở trường vẫn đạt điểm “4 chấm” tối đa; chuyện một bạn sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông đã hiến máu 9 lần trong 4 năm, bởi vì “mỗi lần hiến máu là một lần họp mặt bạn cũ, cả lũ cùng rủ nhau hiến máu để giúp người và cũng để mình thêm khỏe”.
Hơn ai hết, các TNV cũng như người nhà bệnh nhân và bác sĩ – đã và đang là những người tận mắt chứng kiến kho máu của các bệnh viện, viện huyết học cạn kiệt từng phút, từng giờ...; cảm nhận được cái chết vô hình đang treo trên mỗi đầu giường bệnh… Sẽ quý giá biết bao nếu cảm xúc, tình thương, trách nhiệm ấy cũng lan tỏa được đến mọi người!
Ngọc Bích
Báo mạng điện tử K.29
Cùng chuyên mục
Bình luận