Tò he – một nét văn hóa dân gia
(Sóng Trẻ) – Không biết chính xác có từ bao giờ và ai là người đầu tiên làm ra nhưng tò he vốn được biết đến là một loại đồ chơi dân gian quen thuộc của trẻ em Việt Nam khi xưa. Ngày nay, giữa nhiều hình thức vui chơi, giải trí hiện đại thì tò he trở nên kém hấp dẫn với trẻ.
Ai ham tìm hiểu tra “tò he” trong từ điển, chắc sẽ không có được một sự giải thích thỏa đáng, tỉ mỉ và chi tiết bởi lẽ chỉ những nghệ nhân già có tâm giữ nghề mới có câu trả lời chuẩn xác nhất.
Chợt bắt gặp trên đường gánh tò he của nghệ nhân Nguyễn Văn Định (70 tuổi), PV chúng tôi theo ông về làng nghề khởi nguồn tò he truyền thống.
Người làm nghề tò he rải rác ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng và tập trung nhất là làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội).
Xuân La - làng tò he (xã Phượng Dực) được định vị qua bản đồ vệ tinh.
Theo người dân trong làng, ngày xưa, mọi người gọi tò he đơn giản là đồ chơi con giống. Sản phẩm thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, đầu kèn có dính kẹo mạch nha, nguyên liệu làm bằng bột gạo hấp chín và màu sắc tươi tắn. Kèn có thể phát ra một thứ âm thanh “tò… te…”. Vì thế, người dân gọi là “tò te”, sau này nói chệch thành “tò he”.
Ông Nguyễn Văn Định vừa nghỉ ngơi vừa kể về nguồn gốc của tò he.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Định đã từng có kinh nghiệm 50 năm làm tò he.
Ba phẩm vật của Tết Trung Thu được trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh trung thu, con giống bột và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Hiện nay, Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) vẫn còn lưu giữ ảnh chụp một số con giống đồ chơi nho nhỏ bằng đất nung hay gốm sứ từ thiên niên kỉ trước.
Nghệ nhân Định nói: “Tôi đã từng sang Nhật Bản tham dự giao lưu văn hóa, họ cũng có nặn con giống. Nhưng chỉ có Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi cho trẻ em vào dịp Tết Trung thu. Vào Rằm tháng Tám những năm về trước, các con giống nặn bằng bột được bầy bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam.”
Nghệ nhân Nguyễn Văn Định trong chuyến giao lưu văn hóa tại Nhật Bản năm 2010.
Ban đầu, tò he được nặn bằng đất. Về sau, người dân đổi sang nặn bằng bột để sáng tạo được nhiều hình thù đầy màu sắc. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ có trộn ít nếp. Ông Định chuẩn bị đồ làm nhanh thoăn thoắt như một thói quen đã gắn bó hàng chục năm.
Ông trộn đều bột, ngâm nước, nhào nhanh tay rồi luộc chín. Sau đó, ông nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen và xanh. Trước đây, người nặn sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ củ nghệ, màu đỏ từ rau dền đỏ, màu đen thì dùng cây nhọ nồi và màu xanh lấy từ lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Hiện nay, màu thực phẩm công nghiệp được ưu tiên sử dụng vì thuận tiện.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Định nặn tò he.
Có thể thấy, ẩn chứa bên trong thứ đồ chơi mộc mạc và chân thật ấy là lịch sử, trí tuệ dân gian và văn hóa cổ truyền của cả một dân tộc.
Người dân trong làng Xuân La cho biết, cứ tưởng cuộc sống đổi mới, đồ làm kiếm được dễ hơn thì nghề tò he cũng sẽ phát triển nhưng đã từng có thời gian nghề này bị mai một và gần như không có thế hệ trẻ kế cận tiếp nối. Lí do đưa ra là vì gạo còn không có ăn mà lại đem đi nặn và nếu theo nghề này thì sẽ không đủ thu nhập chi trả cuộc sống hàng ngày.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Định chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi người nặn phải kiên trì và khéo léo. Không có cách nào dễ dàng hay thuận tiện để có thể sản xuất hàng loạt những chiếc tò he. Tôi luôn khuyến khích con cháu học làm tò he. Không theo làm nghề chính nhưng có thể làm nghề phụ. Vừa để tìm hiểu văn hóa vừa để lưu giữ nét truyền thống dân tộc.”
Ông Định nói thêm: “Hàng ngày, tôi vẫn gánh quầy rong ruổi khắp phố phường Hà Nội với tâm trạng đau đáu phải làm sao để hồi sinh món đồ chơi truyền thống mà các cụ đã để lại”.
Rời xa sự yên bình làng quê, cảnh nhộn nhịp của Hà Nội phồn hoa xuất hiện. Các phố phường tràn ngập đồ chơi hiện đại đủ loại mẫu mã, kích thước rất bắt mắt nhưng hầu như ít thấy sự hiện diện đồ chơi truyền thống Việt Nam. Quầy hàng tò he của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu (30 tuổi) nằm khiêm tốn ở cuối phố Hàng Mã. Mọi người tấp nập đi mua đồ chơi nhưng lại chẳng ai đoái hoài đến thứ đồ chơi đã có tuổi đời hàng trăm năm này.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu từng đạt giải Nhất trong cuộc thi “Nghệ thuật tài năng trẻ” của TP Hà Nội năm 2017.
Nói về thách thức mà đồ chơi tò he và những người làm ra nó phải đối mặt, anh Hậu cho rằng, đồ chơi truyền thống đang phải cạnh tranh với đồ chơi hiện đại. Tuy nhiên, lợi thế của đồ chơi truyền thống là mang tính văn hóa dân gian. Một bộ phận phụ huynh ngày nay cũng đã quan tâm đến văn hóa truyền thống và có xu hướng cho trẻ con tìm hiểu những trò chơi dân gian. Nó lành mạnh và mang tính giáo dục hơn.
Anh Hậu cũng như bao nghệ nhân luôn băn khoăn và cố tìm hướng thay đổi để tò he thích nghi với bối cảnh hiện nay.
“Bản thân tôi nài nặn những con vật thì đã nặn những hình tượng phù hợp với sở thích của trẻ con trong các bộ phim hoạt hình như công chúa Elsa, siêu nhân, người nhện,… Bên cạnh đó, tôi và những nghệ nhân ở làng Xuân La đang khôi phục lại văn hóa cổ đã thất truyền nhiều năm để mọi người biết về văn hóa xưa, các tích truyện đã được áp dụng như thế nào trong các trò chơi”, anh Hậu nói.
Phụ huynh Nguyễn Phương Lan (Long Biên, Hà Nội) cùng con xem tò he tại quầy của nghệ nhân Văn Hậu chia sẻ: “Tò he là một sản phẩm truyền thống tôi rất thích. Tôi luôn khuyến khích trẻ con nhà mình thích và chơi trò chơi dân gian, bởi vì những sản phẩm này rất ý nghĩa và thân thiện với môi trường. Nó chứa đựng văn hóa Việt và tôi mong con tôi sẽ học được những điều tốt đẹp từ đó.”
Giữa những thăng trầm của cuộc sống hối hả hiện đại, những người làm với hi vọng lưu giữ và phục hồi một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, vẫn bình lặng tạo ra các tác phẩm ấn tượng và thổi hồn vào trong mỗi con giống tò he.
Cũng như câu đồng dao cổ:
Liệu rằng tò he sẽ được hồi sinh hay chỉ nằm trong kí ức của một số người?
Vũ Thị Hồng Vân – Trương Bảo Ngọc
Cùng chuyên mục
Bình luận