Trái tim nhân ái của y tá thô



(Sóng trẻ)  - Trong chiến tranh, họ là những người trực tiếp giành giật lại sự sống cho các chiến sĩ bị thương bởi bom đạn. Khi trở về quê hương, họ lại tiếp tục đem trí tuệ và sức lực của mình để giúp đỡ mọi người. Đó là, cựu chiến binh Bùi Duy Liên, ở thôn 1, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nguyên chiến sĩ quân y Đại đội Quân y Trung đoàn 95, Sư đoàn 325.

663ddfe70_ong_lien1.jpg

Y tá Bùi Duy Liên

Tận tâm với đồng đội

Khoảng 19 giờ tối, một ngày đầu tháng 11, tôi đến gặp ông Liên, trong khi hai vợ chồng bắt đầu nhóm bếp nấu cơm. Hơi muộn vì cả ngày, ông bận đi thăm khám cho các bệnh nhân trong làng, còn vợ thì phải lo việc đồng áng. Ngôi nhà mới vừa được sửa sang hoàn chỉnh nhưng không được phủ sơn nên nhìn hơi cũ kỹ. Trong ánh điện lúc mờ, lúc tỏ, bác kể về cuộc đời và công việc cứu người cũng có lúc vui, lúc buồn của mình. 
Suốt 42 năm, chiến sĩ quân y Bùi Văn Liên ngày ấy vẫn thầm lặng làm một y tá làng để cứu giúp bà con hàng xóm thoát khỏi bệnh tật, vượt qua lưỡi hái tử thần. Ông được mọi người kính nể bởi tấm lòng nhân ái, thương người như thể thương thân và không tính toán thiệt hơn.

Quê ông nằm sâu trong dãy núi Thần Đỳ, cuộc sống bà con lam lũ trông chờ vào cây lúa, con gà, con lợn nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vấn đề sức khỏe mọi người cũng ít quan tâm, đến khi không thể lao động được nữa mới đến bệnh viện thì lúc đó bệnh tình đã trầm trọng. Chứng kiến cảnh tượng đó, cựu chiến binh Bùi Văn Liên đã tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để thăm khám cho mọi người. 

Nói về “duyên” với nghề y, ông kể, năm 1970, ông được cử đi học tại Trường Trung cấp y sỹ Lào Cai để trở về địa phương công tác. Đầu năm 1971, khi gần hoàn thành khóa học, trong lúc chuẩn bị đi thực tập thì nghe tin tuyển quân ra chiến trường. Mặc dù, ông là con một và có mẹ là cán bộ lão thành cách mạng trong kháng chiến chống Pháp nhưng ông cùng nhiều bạn bè trong xóm đã viết đơn xung phong nhập ngũ. Vào quân ngũ, ông tiếp tục được cử đi học tại Trường đào tạo y tá của Sư đoàn 305 (Đại Mỗ - Từ Liêm), sau đó được biên chế về Đại đội Quân y, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. 

Sau 10 ngày ở đơn vị, ông được lệnh vào chiến trường Quảng Trị. 81 ngày đêm, quân ta chiến đấu nan cường bảo vệ thành cổ thì cũng chừng ấy ngày, ông cùng đội ngũ y bác sĩ của Đại đội Quân y Trung đoàn 95 cũng phải chạy đua với thời gian để cấp cứu chiến sĩ bị thương. Đại đội có nhiệm vụ làm công tác sơ cứu tuyến đầu rồi mới chuyển về tuyến sau điều trị nên công việc cần phải cẩn thận, tỉ mỉ. Nhiều trường hợp bị thương nặng cần phải khẩn trương mổ cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Ca phẫu thuật mà ông Liên nhớ nhất là ca một chiến sĩ của đơn vị bị thương nặng ổ bụng do trúng pháo kích lúc gần tối. Ông tiến hành vô trùng các dụng cụ y tế, tiếp dụng cụ cho bác sĩ Thành thực hiện ca mổ. Ca mổ rất căng thẳng, gần hai giờ mới phẫu thuật xong Trong lúc chuẩn bị khâu chỉ, ông Liên kiểm đếm lại dụng cụ thì phát hiện thiếu một chiếc kìm kẹp. Ngay lập tức, ông báo với kíp mổ để kịp thời lấy chiếc kìm ra khỏi bụng bệnh nhân. Ca mổ thành công đã cứu sống được bệnh nhân. 
Đội ngũ y, bác sĩ của Đại đội Quân y làm việc hết sức mình nhưng cuộc chiến khốc liệt đã khiến cho nhiều chiến sĩ ra đi mãi mãi vì thuốc men thiếu thốn. Trong 81 ngày đêm ấy, khi nước sông Thạch Hãn lên cao, việc chi viện lương thực, thuốc men lại càng khó khăn, ông phải dùng nước sông để chưng cất, truyền cho bệnh nhân. 

Sau khi đơn vị rút khỏi thành cổ Quảng Trị, ông tiếp tục hành quân khắp chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Đầu năm 1975, Trung đoàn 95 được lệnh đánh chiếm cửa ngõ Dầu Dây, Xuân Lộc, Đồng Nai để tạo bàn đạp vào giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn bộ hành quân đi trước và bị lạc vào ổ phục kích của đơn vị Thiết Giáp ngụy. Nằm trong đội hình bị phục kích, đại đội quân y đã cùng các đơn vị bạn dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù. Bình thường các y, bác sĩ chỉ cầm dao, kéo nhưng khi có tình huống, các anh cũng như những người lính bộ binh sử dụng thành thạo vũ khí, anh dũng chiến đấu cho đến khi đơn vị phía sau kịp thời ứng cứu. Cuộc chiến không cân sức, nhiều chiến sĩ bị thương, đại đội vừa tiến hành cấp cứu thương binh vừa cầm súng chiến đấu. 

Vào một đêm, sau khi hoàn thành ca mổ, ông Liên vừa bước ra khỏi hầm tiểu phẫu thì một quả đạn cối rơi trúng hầm. Các y bác sĩ trong hầm hy sinh, đại đội còn lại 32 người, công việc lại càng đè nặng lên đôi vai của người chiến sĩ quân y cho đến ngày đất nước thống nhất.

Nhận oán trách để cứu người

Chiến tranh kết thúc, năm 1976, ông Liên xuất ngũ trở về địa phương. Những năm đầu hòa bình, cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, điều kiện y tế, thuốc men chưa bảo đảm. Ông đã đi bộ đến từng gia đình có người ốm trong thôn để thăm khám. Những dụng cụ đơn sơ như ống nghe nhịp tim, dụng cụ đo huyết áp, chiếc phanh kìm máu đã gắn liền với ông từ khi còn ở chiến trường nay được sử dụng để khám, tư vấn sức khỏe cho bà con. Nhìn đôi chân của ông bước đi nhanh nhẹn, trên khuôn mặt lúc nào cũng rạng ngời nụ cười nhưng ít ai biết rằng nỗi đau chất độc da cam đang hành hạ từng ngày. Ông lấy công việc làm niềm vui, luôn lạc quan, yêu đời để khỏa lấp đi nỗi đau thân thể.

Một lòng tận tâm với bà con đã giúp ông có được vị trí đặc biệt trong trái tim của mỗi người dân xã Hà Ngọc. Bà Hòa (thôn 1) bị bệnh viêm phổi được con gái tiêm thuốc kháng sinh nhưng do không thử phản ứng nên bị sốc phản vệ. Nghe tin, bác Liên đã có mặt kịp thời để cấp cứu. Trước đó mấy ngày, gia đình bà Hòa đã có xích mích dùng dao chém con bò của gia đình ông Liên bị thương. Nếu trong tâm ông Liên có sự hằn thù cá nhân mà không giúp đỡ bà Hòa thì có lẽ bà sẽ nguy hiểm tới tính mạng thậm chí là tử vong. 

Bác Liên tâm sự: “Bản thân mình hành nghề y mà không có tấm lòng khoan dung, độ lượng thì trái với đạo đức nghề nghiệp. Ra sức cứu người không chỉ làm phúc cho người khác mà còn là niềm hạnh phúc của gia đình mình”. Chính điều đó đã khiến ông miệt mài với công việc. Không kể ngày hay đêm, mưa hay bão, khi có người bệnh là ông sẵn sàng giúp đỡ. Nhớ lại trường hợp ông Nghinh ở thôn 1, 66 tuổi, có tiền sử bệnh tim. Vào giữa tháng 10/2017, khoảng 2 giờ sáng nhận được tin ông bị lên cơn đau tim sau đó chết lâm sàng, ông Liên tức tốc đạp xe tới nhà cụ trong khi thời tiết đang bão lớn, mưa như trút nước. “Khi đến nơi, tôi dùng thuốc adrenalin tiêm trực tiếp vào tim và tiến hành hô hấp nhân tạo để kích thích tim hoạt động trở lại. Sau 5 phút, tôi đã sơ cứu thành công, đồng thời hỗ trợ gia đình đưa cụ lên xe đi cấp cứu ở bệnh viện”, ông Liên kể. 

Tuy được người dân tin tưởng nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi những hiểu lầm. Ông Hùng thôn 2 chia sẻ: “Tôi bị bệnh sốt rét đang lên cơn co giật thì được ông Liên trực tiếp tiêm thuốc để cắt cơn co giật. Khi tiêm thuốc vào, tôi chưa có dấu hiệu cắt cơn nên người nhà nghĩ ông ấy đã tiêm nhầm thuốc và bắt đi cùng gia đình đưa tôi lên viện cấp cứu. Khi tới viện, được các bác sĩ giải thích thì người nhà mới biết bản thân chưa hiểu về trạng thái của bệnh và đồng thời xin lỗi ông Liên”. Sáng mồng một tết Mậu tuất 2018, khi gia đình đang chuẩn bị cơm và đón khách tới mừng năm mới thì có người tức tối đến tận nhà ông la mắng chỉ vì điện thoại không gọi được. Tuy vậy, ông vẫn ôn tồn hỏi thăm thì biết được nguyên do là có người nhà bị lên cơn sốt mà điện thoại của ông lại không liên lạc được. Nghe vậy, ông đã nhanh chóng đến thăm khám cho người bệnh mà không một lời oán trách.

Trong việc khám chữa bệnh, ông Liên không lấy tiền công mà nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được ông bỏ tiền túi mua thuốc điều trị miễn phí cho bệnh nhân. Thấu hiểu được nỗi đau của người bệnh nên lúc nào ông Liên cũng nhẹ nhàng, ân cần thăm hỏi. Ông tâm sự: “Để bệnh nhân vượt qua được nỗi đau bệnh tật thì nài điều trị bằng thuốc còn phải kết hợp về mặt tinh thần. Do vậy khi gặp bệnh nhân, mình phải vui vẻ trò chuyện để tinh thần bệnh nhân giảm bớt căng thẳng, lo âu”. 

Nói về người Cựu chiến binh tận tụy vì sức khỏe bà con, ông Hoàng Ngọc Minh, Trưởng thôn 1, xã Hà Ngọc cho biết: “Bác Liên là người rất có tâm trong công việc. Nài những người trong thôn, bác còn khám và điều trị cho nhiều người trong xã. Được học tập, rèn luyện trong môi trường quân ngũ nên bác Liên không những vững về chuyên môn mà y đức luôn sáng ngời. Hàng năm, Trung tâm y tế huyện Hà Trung đều kiểm tra kỹ năng của các y tá tuyến dưới, bác luôn là người được cấp trên đánh giá cao”.

Cứu người là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng y tá Liên vẫn không bao giờ lùi bước. Trong thâm tâm, bác mong muốn mình luôn đủ sức khỏe để tiếp tục theo nghề. 
Biện Cường - Kỳ Nam
Lớp k37b - HVCT


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN