(Sóng trẻ) - “Hiểm họa lơ lửng” là chủ đề triển lãm điêu khắc – sắp đặt của nhà Điêu khắc Nguyễn Thăng Long, với không gian sắp đặt thú vị từ bông và ánh sáng.
Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (17 Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội). Toàn bộ tác phẩm trưng bày ở đây đều được tạo thành từ hai vật liệu “bông gòn” và “ánh sáng đèn LED”.
Chủ đề của triển lãm hướng đến việc nhân loại đang đánh đổi sức khỏe của Đất Mẹ, của môi trường để lấy sự tiện nghi cho chính mình; và liệu dịch Covid-19 có phải là một sự phản ứng từ thiên nhiên trước các tác động tiêu cực của con người.
Nhà Điêu khắc Nguyễn Thăng Long - Ảnh: FB
Loạt tác phẩm mang tên: “Hiểm họa lơ lửng” chỉ là những bắt đầu và thử nghiệm từ khoảng ba năm trở lại đây của nhà điêu khắc Nguyễn Thăng Long. Điểm đặc biệt của những tác phẩm này chính là việc dùng một vật liệu siêu nhẹ là bông, đối trọng với kỹ thuật điêu khắc vốn thường thể hiện trên các vật liệu, chất liệu có độ cứng cao.
Lý giải về sự lựa chọn chất liệu bông, nhà điêu khắc Nguyễn Thăng Long cho biết: “Trong nghệ thuật Hiện đại và Đương đại, việc tìm kiếm và khai thác chất liệu là điều các nghệ sỹ thường trăn trở. Bông là một vật liệu rất ít khi được sử dụng trong lĩnh vực điêu khắc do nó không hề có các đặc tính thông thường của những vật liệu điêu khắc truyền thống như đồng, gỗ, đá, thủy tinh... đòi hỏi sự cứng chắc, bền vững, ổn định cao. Tuy nhiên khi đến với vật liệu bông, tôi thấy bông cũng có hiệu quả về tạo hình đặc biệt mà các vật liệu khác không có, độ trong thấu của bông cùng kết cấu mang lại cho vật liệu này một vẻ đẹp tự thân rất riêng, không có ở bất cứ vật liệu nào khác”.
Một số tác phẩm được trưng bày ở triển lãm:
Cách Nguyễn Thăng Long khai thác tối đa vẻ đẹp là sử dụng ánh sáng vào ngôn ngữ tạo hình. Có thể thấy rõ ý đồ của người nghệ sĩ khi chủ động khai thác tối đa thế mạnh bản thân là hình khối trong ngôn ngữ điêu khắc, khi đưa ánh sáng vào điêu khắc từ bông, vẻ tạo hình được biến đổi đầy ảo diệu. - Ảnh: Vy Anh. Lối bố cục ánh sáng từ trong tác phẩm, tận dụng sự thấu quang của bông, đã tạo nên hiệu ứng hình khối, khơi gợi tối đa trí tưởng tượng, với lung linh, dữ dội, có cả dịu êm, lãng mạn, cùng những day dứt, cuộn trào với tầng tầng, lớp lớp sâu thẳm trên mỗi tác phẩm. - Ảnh: Vy Anh. Loạt tác phẩm “Hiểm họa lơ lửng”, được Nguyễn Thăng Long “nhốt” vào những khung kính thiết kế riêng, tạo nên hiệu ứng phản chiếu, va đập của ánh sáng, tôn lên đường nét, hình khối, màu sắc của từng tác phẩm. - Ảnh: Vy Anh. Trong khối nét, sắc màu tác phẩm, có sự cuộn sôi của chuyển động, dữ dội, bạo liệt và gần như không có khái niệm kết thúc. Khung kính, tạo giới hạn, ở khía cạnh đề tài, con người tưởng chừng như kiểm soát được những hoạt động của mình nhưng không hẳn vậy - “ Hiểm họa lơ lửng” là có thật và nó nhắc nhớ con người về cái lồng của mình. - Ảnh: Vy Anh. Quan sát, chiêm nghiệm trong các điêu khắc từ bông và ánh sáng của Nguyễn Thăng Long, những khái niệm có hình - không hình không còn ranh giới cụ thể. - Ảnh: Vy Anh. Mỗi tác phẩm, đều “có hình”, là con Covid, là nước mắt cá sấu, là liên minh ma quỷ, tiếng thét… nhưng trong cái “có hình” ấy, lại là cái không hình với những phô diễn của nét, khối, ánh sáng, sắc màu… đầy ảo diệu và đậm đặc phong cách trừu tượng. - Ảnh: Vy Anh. “Chất liệu bông khi nhận ánh sáng bên trong, sẽ cho hiệu ứng thị giác khác, nhưng khi nhận ánh sáng bên ngoài, sẽ lại là những hiệu ứng kỳ diệu hơn nữa, vẻ đẹp ấy không dễ tìm ở các chất liệu tạo hình khác”, họa sĩ chia sẻ. - Ảnh: Vy Anh.“Về tạo hình, tôi đã nghiên cứu việc xây dựng cốt hình khung thép, giúp cho việc hoàn toàn chủ động với bất kỳ hình khối nào mà tôi có thể nghĩ ra” - Ảnh: Vy Anh. Những hình hài thoạt nhìn, dễ gợi cho người xem liên tưởng về con người, muông thú, ác quỷ, vũ trụ… được thể hiện qua kỹ thuật điêu khắc trên chất liệu đầy bất ngờ, siêu mềm, ấy là bông. Tìm tòi, khám phá chất liệu mới trong sáng tác điêu khắc là một đam mê được nghệ sĩ Nguyễn Thăng Long miệt mài kiếm tìm, loạt điêu khắc trên bông bằng kỹ thuật tạo hình và điêu khắc ánh sáng, biểu đạt các vấn đề xã hội người nghệ sĩ trăn trở, là một ví dụ.- Ảnh: Vy Anh.“Triển lãm này với tôi là một sự kiếm tìm, thể nghiệm trên một vật liệu mới, tạo ra không gian sắp đặt, tương tác với người xem, đồng thời gửi gắm ở đó thông điệp rằng con người đừng quên HIỂM HỌA LƠ LỬNG mà hãy tìm cách hành động”, thông điệp tác giả triển lãm muốn đưa tới cho người xem. - Ảnh: Vy Anh. “Triển lãm này với tôi là một sự kiếm tìm, thể nghiệm trên một vật liệu mới, tạo ra không gian sắp đặt, tương tác với người xem, đồng thời gửi gắm ở đó thông điệp rằng con người đừng quên HIỂM HỌA LƠ LỬNG mà hãy tìm cách hành động”, thông điệp tác giả triển lãm muốn đưa tới cho người xem. - Ảnh: Vy Anh.
Triển lãm mở cửa từ 9h – 17h hàng ngày, đến hết 22-12-2021 tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (17 Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.