Triển lãm " Mùa trong vườn" của: Trang Thanh Hiền, Nguyễn Mỹ Ngọc
(Sóng trẻ) - Triển lãm mở cửa tự do từ nay đến hết ngày 12/1 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội, với gần 80 bức tranh đồ họa đem đến nhiều bất ngờ và suy tư cho người xem.
Có thể nói, chính nhờ sự đa dạng trong các kỹ thuật của đồ họa tranh in hiện đại đã tạo điều kiện cho người nghệ sỹ có thể thỏa sức sáng tạo và biểu đạt để đi những con đường ngược xuôi, khuôn lựa theo cá tính.
Nguyễn Mỹ Ngọc là một giảng viên, một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đồ họa tranh in chuyên nghiệp. Chị theo đuổi đồ họa từ khi còn là sinh viên mỹ thuật cho tới khi thành nghề. Hành trình tưởng như bằng phẳng, thế nhưng, người biết chị thì lại thấy có điều gì vật lộn, trăn trở trong đời sống người phụ nữ này, hình ảnh đó luôn hiện diện cùng với những bản khắc.
Trong triển lãm này của họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc là hành trình đi từ cương đến nhu, từ sự gồng mình sắc lẹm của người phụ nữ hiện đại quay trở về bản chất yếu mềm phóng khoáng thơ mộng. Nhưng có sao, khi chính sự mềm yếu đó mới phù hợp với thể tạng nghệ thuật và con người chị.
Nguyễn Mỹ Ngọc đi sâu vào nghệ thuật khắc gỗ và khắc kẽm với kỹ thuật in truyền thống trong một khoảng thời gian dài. 3 năm trở lại đây, chị chuyển hướng và tìm thấy nhiều cảm xúc với thể loại tranh khắc cao su kết hợp in độc bản.
Tranh khắc kẽm và cao su với 2 tính chất trái ngược nhau đã đem đến cho họa sĩ những khám phá về nội tâm trong thực hành nghệ thuật. Tranh khắc kẽm được thưc hiện với phương pháp in lõm - 1 trong 5 phương pháp in của tranh đồ họa: In nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên và in độc bản. Tranh khắc kẽm đặc trưng với các nét dao khắc sắc lẹm trên kẽm cứng. Trong khi, khắc cao su thực hiện với phương pháp in nổi - các phần tử in nằm nổi cao hơn phần không cần in. Cao su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành tranh in ngẫu hứng.
Trong khi đó, Trang Thanh Hiền là giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Nhiều năm song hành với nghiên cứu mỹ thuật cổ, chị sáng tác tranh trên chất liệu mực nho và giấy dó. Cái nền tảng nghiên cứu cho chị một sự lý trí nhất định trong thực hành nghệ thuật. Nhưng đổi lại, những kiến thức và năng lượng dồi dào bồi đắp cho nghệ thuật của chị những lớp lang và phá cách thú vị.
Trang Thanh Hiền có phần không theo trình tự cơ bản. Các tác phẩm của chị đã nảy sinh những cách thức sáng tạo khác như in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa, mang tính gợi mở cho thực hành nghệ thuật tranh in vượt qua những lối mòn quy tắc.
Những biểu đạt trong các tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền đa dạng và biến hóa với nhiều motif tạo hình đặc trưng. Trong đó nhiều motif được xây dựng từ các sáng tác mực nho và giấy dó trước đây của chị như: Motif hình người rỗng trong tư thế ngồi của Đức Phật cùng hình cánh hoa phía dưới như bàn như trong các thế thủ ấn; motif đầu người phụ nữ với phần tóc là những loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo như hoa cúc, hoa mẫu đơn, hay motif hoa sen và Đức Phật.
Khi cảm xúc được làm mới, các loài hoa cỏ của đời sống được thêm vào lồng trong bóng dáng các hình tượng cũ. Bằng cách chế bản âm, những hình tượng hiện đó lên xao xác hư ảo như một không gian đồng hiện giữa cũ và mới, giữa chất tâm linh và đời thực. Bên cạnh âm bản, các tác phẩm monoprint, monotype với một tone màu của hoa lá, các hiệu ứng chồng màu, nối bản, thủ ấn… đem đến hiệu ứng của những ảo ảnh mang tính pop art.
Họa sĩ NGUYỄN MỸ NGỌC Sinh năm 1982 2008 Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam 2011 Thạc sĩ Đồ họa tranh in Chất liệu sáng tác chủ yếu: khắc kẽm, khắc cao su, in độc bản Họa sĩ TRANG THANH HIỀN Sinh năm 1974 1997 Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 2002 Thạc sĩ văn hóa học 2013 Tiến sĩ văn hóa học 2017 PGS văn hóa nghệ thuật |