Triển lãm tranh Hàng Trống: “Những điều xưa cũ mới mẻ”
(Sóng trẻ) – Sáng ngày 10/1, tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra buổi triển lãm tranh Hàng Trống “Những điều xưa cũ mới mẻ” do nhóm S River – nhóm thực hiện dự án Họa Sắc Việt với sự sáng lập của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang tổ chức.
Với mục đích đưa tranh Hàng Trống đến gần hơn với giới trẻ, nhóm S River đã dùng những tâm huyết, những niềm tha thiết với nét đẹp dân gian để mở ra cuộc triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ” về tranh. Triển lãm là một trong những sự kiện nằm trong dự án “Họa Sắc Việt” của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang.
Trịnh Thu Trang – trưởng dự án cùng các thành viên trong nhóm S River.
Tranh dân gian hàng trống là một dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Việt xưa. Tuy nhiên với cuộc sống hiện đại như ngày nay thì những sản phẩm mang giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc ấy lại đang bị lùi dần vào quá khứ. Chúng ta chỉ có thể thấy các tác phẩm ấy trong bảo tàng hoặc trong các bộ sưu tập tranh hiếm hoi của một số nhà lưu giữu tranh truyền thống.
Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang là giảng viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Giảng viên RIO Class – Lớp học thiết kế dành cho Marketer. Chị đã bén duyên với tranh Hàng Trống và bắt đầu sưu tập vào năm 2013, sở hữu bộ sưu tập với gần 70 bức tranh Hàng Trống, đã tổ chức được hai triển lãm vào năm 2014 và 2015 với sự chỉ dẫn và bảo trợ chuyên môn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê.
Buổi triển lãm trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống tiêu biểu cho 4 đề tài: tranh Tết, tranh Thờ, tranh Truyện và tranh Thế sự. Bên cạnh đó triển lãm còn trưng bày các họa tiết sáng tạo ứng dụng trong các lĩnh vực thiết kế đương đại và một số sản phẩm có sử dụng họa tiết, màu sắc (cổ và sáng tạo) từ tranh Hàng Trống.
Sau đây là một vài hình ảnh của buổi triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ”:
Tam đa Phúc, Lộc, Thọ thuộc dòng Tranh Tết
Tranh mang ý nghĩa chúc tụng : trường thọ, lắm con nhiều cháu, làm quan nhiều bổng lộc. Truyền thuyết cho rằng: Quách Tử Nghi làm Tể tướng đời Đường, vợ chồng song toàn, sống lâu, con cháu đầy nhà đó là biểu tượng của Đa Phúc. Đông Phương Sóc, Tể tướng đời Hán, thọ 125 tuổi, vẫn yêu đời, lấy nhiều vợ, chủ trương lấy âm dưỡng dương để trường sinh bất tử, người đời còn gọi là Tiên Đông Phương Sóc, biểu tượng cho Đa Thọ. Đậu Từ Quân, Tể tướng đời nhà Tấn, tham lam ăn hối lộ bổng lộc nhiều biểu tượng cho Đa Lộc.
Cá chép trông trăng
Cá chép theo văn hóa dân gian là biểu tượng cho ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong thi cử, là ước nguyện trong chốn quan trường với mong muốn “Vượt vũ môn hóa rồng”. Trăng có hình tròn biểu tượng cho sự hoàn mỹ, viên mãn. Nài ra, con cá trong chữ Hán đọc là “ngư” đồng âm với chữ “dư” là dư thừa. Vẽ con cá là biểu trưng cho sự dư thừa về của cải, tuổi thọ.
Bộ Hương Chủ
Tranh Hương Chủ mô tả khung cảnh bàn thờ tổ tiên trong gia đình.
Ngũ Hổ
Quan lớn năm dinh, hay còn gọi nôm na là Ngũ Hổ Thần tướng, tức là các sơn thần trấn giữu 5 phương và bảo hộ thần linh, dân chúng trong khắp các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương.
Tố nữ
Bộ tranh ca ngợi vẻ đẹp thanh cao và vi diệu của nghệ thuật âm nhạc trong hình tượng của bốn cô gái đẹp – tố nữ, đang diễn tấu các loại nhạc cụ: đàn nguyệt, sáo trúc, điểm phách và múa quạt. Không chỉ vậy bộ tranh còn là lời chúc Tết các nghệ nhân muốn gửi tới mọi nhà: “Chúc cho năm mới nhà ai cũng sẽ tràn đầy tiếng vui”.
Cá Chép Vượt Vũ Môn
Cá chép sau khi vượt qua ba đợt sóng cao, sóng dữ của vũ môn, sẽ hóa thành rồng, thường được tượng trưng cho việc thi cử của học trò sau khi thi ba đợt thi khó khăn là thi Hương, Hội, Đình sẽ đỗ đại khoa: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và các tiến sĩ.
Tứ bình: Mai –Sen – Cúc – Tùng
Bốn linh vật trong bốn bức tranh tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Hoa mai tượng trưng cho mùa xuân với sức sống mãnh liệt, một tâm hồn tinh khiết vượt qua mọi khó khăn. Mùa hạ với hoa sen với ý nghĩa thi cử khoa đạt, giành vị trí đứng đầu. Hoa cúc là biểu tượng mùa thu đem lại ý nghĩa tốt lành. Cuối cùng là mùa đông với cây tùng tượng trưng sức sống bền bỉ, trường thọ.
Chợ Quê
Bức tranh tái hiện không khí ồn ào, náo nhiệt của một phiên chợ quê: đám trong quán, đám nài sân, đàn ông, đàn bà, người ăn mày, kẻ móc túi, đám cờ gian bạc lậu, người mua vịt xem vịt béo hay gầy,…
Phật Bà Quan Âm
Phật Bà có pháp lực thần thông, khi chúng ta gặp khó khăn hãy tụng danh hiệu của Ngài để Phật Bà ôm ấp, che chở giúp ta vượt qua khó khăn.
PGS Nguyễn Xuân Thành
Tham dự buổi triển lãm,Thầy Nguyễn Xuân Thành (PGS, nguyên trưởng khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) vui mừng nói: “Khi biết tin ở đây có buổi triển lãm tôi phải đến ngay bởi vì nó gắn với những kỉ niệm tuổi thơ. Cách đây khoảng 60 năm về trước, mỗi dịp tết đến, tôi đều theo mẹ ra chợ và dứt khoát phải có một cái tranh tết mang về nhà treo, nhất là tranh Hàng Trống. Phải nói là dòng tranh này rất quý. Vì vậy, việc các bạn trẻ có những ý tưởng để bảo lưu dòng tranh này phải nói là tuyệt vời. Bởi vì nó cũng như là của quý, nhưng không hợp thời lắm, nên không có những người như các bạn thì dòng tranh nó cứ mai một đi. Và có khi là để đến mất đi rồi, để đến những thế hệ sau mới đi lục lọi, phục hồi lại thì nó đã bị thất truyền... Hơn nữa, ý tưởng của các bạn không những chỉ là phục chế, lưu giữ lại những vốn cổ của tranh Hàng Trống, mà các bạn trẻ còn biết phát huy, vận dụng cái truyền thống của mình để trở thành một nguyên liệu mới cho nghệ thuật đương đại. Đây là một hướng đi rất tốt, cần phát huy”.
Chu Linh -Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận