Túi nilon: Tiện nhưng không lợi
Túi nilon từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống người dân Việt Nam. Với sự tiện lợi, giá thành rẻ, chúng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, lợi ích trước mắt của túi nilon lại đi kèm những hệ lụy to lớn cho môi trường.
Thói quen khó bỏ
Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ bao bì nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 – 7 bao bì nilon/ngày. Đa phần các túi nilon đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải.
Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
“Có hai loại túi nilon, loại thứ nhất được sản xuất từ dầu mỏ nguyên chất, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ, loại thứ hai, cũng là loại đang được sử dụng phổ biến hiện nay là túi nilon tái chế, tái chế 1 hoặc nhiều lần. Loại này thường có chi phí rẻ nên được nhiều người buôn bán lựa chọn”, Tiến sĩ Lê Quang Dũng (chuyên gia về Môi trường và Biển) chia sẻ.
Dạo quanh các khu chợ dân sinh, các trung tâm thương mại dễ dàng thấy túi nilon xuất hiện rất nhiều, theo tìm hiểu từ phóng viên, các loại túi nilon tái chế được bán ra thị trường với giá 35 000 - 40 000/kg, tần suất sử dụng tuỳ thuộc vào lượng khách hàng, trung bình một ngày ở tạp hoá, các hàng nhỏ lẻ sử dụng khoảng 3kg túi nilon.
Ngay tại trong các hộ gia đình cũng có thói quen tích trữ túi nilon, túi để đựng rác, túi để đựng thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh. Rất nhiều chủng loại từ to đến bé, bạn Nguyễn Thu Huyền (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về thói quen này:
“Nhà mình từ lâu đã có thói quen tích trữ túi nilon trong nhà để đựng thức ăn, hoa quả và một số đồ dùng khác. Mình biết ảnh hưởng của túi nilon tái chế đến môi trường, sức khoẻ con người là rất lớn nên mình và bố mẹ đang hạn chế dần dần bằng cách sử dụng hộp thuỷ tinh, mang túi vải to khi đi siêu thị. Sử dụng túi nilon đã thành một thói quen từ lâu nên nếu phải ngưng sử dụng ngay sẽ rất khó”.
Hiểm hoạ từ túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ
Việc sử dụng sản phẩm nhựa đã thành thói quen khó bỏ bởi sự tiện lợi, song người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến tác hại của nó. Phải mất đến 1000 năm, túi nilon mới có thể phân huỷ, nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường như tàn phá hệ sinh thái, gây mất mĩ quan đường phố mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
Túi nilon tái chế được làm từ những hoá chất tạo dẻo, hoá chất bền hữu cơ, do đó chúng có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mà không bị phân hủy hoàn toàn. Khi phân huỷ, chúng không tan ra mà phân huỷ thành từng mảnh nhỏ gọi là hạt vi nhựa. Đặc biệt, hiện nay, hệ sinh thái biển đang bị ảnh hưởng nhiều từ túi nilon, ảnh hưởng đến nhiều sinh vật, động vật dưới biển.
“Khi túi nilon xả bừa bãi xuống biển, các con vật sẽ tưởng thức ăn mà ăn phải, Ví dụ như rùa biển, loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ, chúng thấy túi nilon giống với con sứa biển - thức ăn yêu thích của chúng, khi sẽ ăn phải gây khó tiêu hoá, không phân huỷ được trong dạ dày khiến dạ dày bị đầy, khiến chúng no giả, không có khả năng tiếp nhận thức ăn dinh dưỡng, dẫn đến suy kiệt và chết”, ông Dũng cho biết.
Đối với sức khoẻ con người, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, túi nilon sẽ giải phóng ra các chất độc hại như dioxin, furan, formaldehyde,...Các chất này có thể ngấm vào thực phẩm, nước uống và xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Đặc biệt, các túi ni lông nhuộm màu xanh, đỏ, vàng...đang dùng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc hại cho thực phẩm do chứa kim loại như chì, cadimi. Đây là những chất gây hại cho não và là nguyên nhân chính gây ung thư.
“Túi nilon tái chế có một lượng hoá chất bền, hữu cơ, hạt vi nhựa, khi sử dụng sẽ ngấm vào thức ăn sau đó hấp thụ vào đến cơ thể người qua quá trình sử dụng. Nó làm thay đổi hóc-môn, ảnh hưởng đến giới tính, hoạt động sinh học của con người như thay đổi nội tiết tố, biến đổi gen, các chất trong nilon có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch ở trẻ em, gây rồi loạn hành vi và nhận thức....”, ông Dũng chia sẻ. Tuy nhiên, ông Lê Quang Dũng cho biết thêm, túi nilon cũng có những lợi ích nhất định nếu sử dụng đúng cách, đúng mục đích như làm rau tươi lâu hơn, thịt không bị khô….Khi đựng thực phẩm, phải dùng các túi nilon, màng bọc, các loại hộp nhựa đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc và chứng nhận an toàn.
Hiện nay, nhà nước đã có nhiều biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon như đặt mục tiêu siêu thị không sử dụng túi nilon, phân loại rác thải, đánh thuế cao khi sử dụng nhiều túi nilon nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra, để thay đổi cần có thời gian dài bởi thói quen này đã đi sâu vào cuộc sống của người dân.