XE ÔM TRUYỀN THỐNG THỜI CÔNG NGHỆ SỐ: KHÔNG XẤU SAO MÀ SỐNG?
(Sóng Trẻ)- Grab và Uber không còn là những cái tên quá xa lạ nữa. Xe ôm công nghệ cao giờ đây đã phủ sóng rộng khắp bởi giá cả hợp lý, tốc độ nhanh nhạy và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Chính vì vậy, những người lái xe ôm truyền thống phải tiếp tục duy trì công việc của mình, bất chấp sử dụng cả những hành vi không đẹp mắt.
Những người hay đi xe khách sẽ không còn lạ lẫm với hình ảnh vừa bước chân xuống xe khách thì ngay lập tức bị vây quanh bởi những người lái xe ôm. Miệng hỏi “Đi về chỗ nào?”, tay đã “đỡ hộ” hành lý của khách kể cả khi họ chưa gật đầu đồng ý. Nhiều hành khách chỉ lờ đi, nhưng cũng có người khó chịu ra mặt. Vừa đi cả quãng đường xa xong đã bị chèo kéo liên tục, đối với họ đó là những hành động “xấu xí”, thiếu văn minh.
Phóng viên ST đã làm một thí nghiệm nhỏ, đó là quay lén đoạn hành trình đi từ bến thả khách ra đến cổng của Bến xe khách Mỹ Đình, Hà Nội. Số lượng người đi xe ôm “mời gọi” hành khách có thể khiến bạn giật mình.
“Không phải chúng tôi muốn vậy đâu nhưng không thế thì ai lo cơm áo gạo tiền cho gia đình?” – chia sẻ của một người lái xe ôm chèo kéo khách ngay bên trong bến xe Mỹ Đình. Quả nhiên, những người kiếm sống bằng chiếc xe máy ấy, họ thực sự không có nhiều lựa chọn.
Phải đến tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy “địa bàn hoạt động” của họ giờ đã bị thu hẹp đến mức tối đa. Công nghệ số giúp cho con người không cần nhìn thấy tài xế và vẫn bắt được xe. App điện thoại thông minh Grab và Uber cho phép người dùng biết được có bao nhiêu xe của hãng đang ở gần mình.
Sau khi nhập địa chỉ đến, ứng dụng lập tức hiện lên giá tiền cần thanh toán, và không ai phải lo lắng về chuyện bị chặt chém và mặc cả thiệt hơn nữa. Chưa kể các công ty này còn thường xuyên có các mã khuyến mại, giảm giá trực tiếp cho các chuyến đi. Có khi khách đi đến 10-15 cây số mà chỉ hết có 5 nghìn đồng! Được lợi nhiều như vậy, cớ gì mà người dân lại không sử dụng?
Dễ dàng bắt gặp màu áo đồng phục Grab xung quanh bến xe Mỹ Đình
Nếu như trước đây, những người đi xe ôm truyền thống thường đỗ xe tại cổng bến để đợi khách ra, thì gờ đây, vị trí đó cũng không dành cho họ nữa. Các hãng xe ôm tư nhân thầu hết các bị trí lối ra, dàn một hàng xe dài và dày đặc. Chả có vị “thượng đế” nào phải đi hết con đường mà không kiếm được cho mình một chiếc xe ôm cả.
Xe ôm tư nhân cũng có đồng phục áo, mũ và kính chắn đồng bộ
Vậy thì những tài xế hai bánh truyền thống, họ đứng ở đâu? Từ cổng ra, bạn sẽ phải đi hết phần vỉa hè, qua bên đường mới có thể bắt gặp những người xe ôm “không có đồng phục” đỗ trên vỉa hè và dọc bờ tường. Một vị trí không những khuất mà còn xa. Nếu ngồi một chỗ chờ đợi thì đành chấp nhận ít khách, bằng không, họ sẽ phải tự tới gần hơn với khách hàng của mình, tức là vào tận trong bến đề chèo kéo.
Xe ôm truyền thống hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề cùng lúc
Phóng viên ST đã gặp khá nhiều khó khăn để có thể quay được những hình ảnh trên. Những người xe ôm tỏ ra rất đề phòng và không muốn bị lên hình. Tiếp cận với một bác lái xe trung niên, phóng viên rất mừng vì bác đồng ý chia sẻ, song bác lại nhất quyết không tiết lộ thân phận. “Thú thực là tôi giấu vợ con lên đây làm ăn. Tôi làm cái nghề này cũng có ai biết đâu. Tôi không muốn con gái nhìn thấy mình như thế này” – người xe ôm giải thích khi nhìn thấy chiếc máy ảnh. Cuối cùng bác chấp nhận hình thức ghi âm.
Ít ai có thể lường trước được chuyện gì có thể xảy ra trong thời kỳ Cách mạng công nghệ lần thứ Tư. Nhưng những thuật toán thông minh hẳn sẽ dần dần thay thế con người và một tương lai thất nghiệp trên diện rộng đã được dự báo trước. Không chỉ những người xe ôm này, mà còn biết bao công nhân, nhân viên từ các ngành nghề khác, khi cơ hội việc làm không mở ra cho họ nữa, họ sẽ sẵn sàng làm điều gì?
Thảo Ly
Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận