Bảo vệ động vật hoang dã: "Chỉ cần chúng ta muốn là sẽ làm được"
(Sóng trẻ) - Đó là lập luận chung của hai khách mời là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và chị Hoàng Bích Thủy (Giám đốc tổ chức WCS chương trình Việt Nam) trong buổi giao lưu trực tuyến Báo chí với bảo vệ động vật hoang dã diễn ra tại B11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chiều nay.
Do sự cố kỹ thuật nên chương trình diễn ra muộn hơn so với dự kiến. BBT Sóng trẻ rất mong quý độc giả thông cảm.
Một số hình ảnh ấn tượng trong chương trình
14:30: Chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu. MC giới thiệu khách mời
14:40: Chuyển sang phần hỏi - đáp
Hai khách mời trong buổi giao lưu
Tôi được biết là anh vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày, anh có thể bật mí một chút cho khán giả đang theo dõi buổi giao lưu của chúng ta về chuyến đi vừa rồi không?
Tôi vừa mới trở về chuyến đi công tác 1 tháng, rất dài. Tôi tự lái xe đi hết 63 tỉnh thành tuy nhiên đi đến Tây Nguyên thì gia đình tôi có việc phải bay ra Hà Nội. Một trong những đề tài tôi làm là về động vật hoang dã Việt Nam, vấn đề tham nhũng...
Thưa chị Thủy, chị có thể giới thiệu vài nét về tổ chức WCS?
WCS là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học và giám sát bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp trên toàn thế giới. Chương trình Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2006. Chúng tôi tập trung vào tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã.
Vấn đề bảo vệ động vật hoang dã đang được quan tâm như thế nào đối với người dân, thưa chị? (Facebook Bảo Vân)
Về phía người dân, đặc biệt là các bạn trẻ giới 9x, 2000 trở đi đã và đang có những hoạt động thiết thực để bảo vệ động vật hoang dã. Từng người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Hồi tôi và bố tôi còn trẻ, người ta giết con hổ rồi cõng qua làng nhà tôi là chuyện bình thường. Bây giờ tình trạng trên ở Việt Nam chắc chắn không còn, nếu có thì hoàn toàn là lén lút. Bạn báo các cơ quan chức năng, hoặc tổ chức như WCS, họ sẽ vào bắt ngay. Có thể nói rằng, thực trạng sắn bắn trái phép động vật hoang dã đã giảm đi nhiều. Khi tôi đi dọc xứ sở quê hương đất nước Việt Nam mình, tôi thấy được bà con tha thiết với các vấn đề thiên nhiên lắm. Tình yêu ấy đã được đẩy lên và do đó chúng ta có quyền hy vọng vào một thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa với con người.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Thông tin gần đây cho thấy, trên thế giới còn lại 2 con tê giác trắng châu Phi (đều là cái), và cá thể báo phương Đông chính thức tuyệt chủng. Nguyên nhân chính của thực trạng trên theo chị? (Facebook Hằng Nguyễn)
Nếu nói là nguyên nhân chính thì đó là do con người. Có thể đã có nhiều nỗ lực bảo tồn nhưng do bản thân sức khỏe của bạn tê giác đực phương bắc cuối cùng đó cũng không thể đảm bảo cho sự tồn tại của giống loài. Có nhiều cách để giúp động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng, một số loài đã được nhân tạo để tạo ra giống mới, tuy nhiên không phải đối với loài nào và thời kỳ nào cũng thành công. Tôi lấy một ví dụ khác, như loài rùa Hoàn Kiếm chẳng hạn, công bố chỉ có 3 con trên toàn thế giới trong đó 2 bạn ở Trung Quốc và 1 bạn ở Đồng Mô, Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã tìm thêm được một bạn nữa ở hồ Xuân Khanh. Như vậy, công cuộc đi tìm và bảo tồn đã được con người thực hiệnCon người tàn phá thiên nhiên nhưng cũng chính con người sẽ bảo vệ và đấu tranh vì thiên nhiên.
Một câu hỏi nhỏ đến từ bạn có facebook Huyền Trang gửi đến chị Thủy: Thế nào là buôn bán hợp phép, bất hợp pháp động vật hoang dã?
Đối với hoạt động săn bắt, mỗi tỉnh ở Việt Nam đều có kế hoạch khai thác. Tuy nhiên, chưa có một UBND tỉnh nào phê duyệt kế hoạch đó cả. Vậy nên, bất cứ hành vi săn bắt nào không có giấy phép của cơ quan chuyên môn đều bị coi là bất hợp pháp. Hành vi sử dụng cũng vậy. Nhưng có những hộ dân lấy đó làm kế sinh nhai, họ chứng minh được động vật hoang dã đấy có nguồn gốc thì nó là hợp pháp, chứ không phải tất cả các sản phẩm trên thị trường đều là bất hợp pháp.
Sừng tê giác hay phần lớn sừng động vật được cấu tạo từ keratin, không khác gì móng chân móng tay, tóc của con người. Hiện nay nhiều người hiểu vấn đề trên. Tuy nhiên, số lượng động vật hoang dã bị giết để lấy sừng hay móng không có biểu hiện giảm. Theo anh Hoàng, còn có lý do nào giải thích cho tình trạng trên? ([email protected])
Có lẽ tất cả mọi giải thích đều quy về : Tiền. Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng được rất nhiều tiền. Người ta dùng tiền để thúc đẩy sự huyền diệu của sừng tê giác, khoảng hơn 50000 USD/sừng tê giác. Thế thì ai được lợi? Người đi săn được lợi, quan tham mở đường biên giới được lợi, người buôn bán nhỏ được lợi, ai cũng được lợi hết, chỉ có thiên nhiên là mất. Người ta tính 8 tiếng trôi qua có 1 con tê giác chết và liên tục như vậy. Đến giờ khoảng 5 năm rồi vẫn có báo cáo như vậy. Tôi đã đến những cánh rừng châu Phi, tê giác bị cắt sừng hết. Sừng tê giác chỉ như móng tay nhưng tại sao người Việt lại nghĩ là huyền diệu? Người Mỹ rất văn minh và xác định sừng tê không có tác dụng gì. Tôi thấy ở Việt Nam, có ý nghĩ như thế là do niềm tin. Thật xấu hổ.
Tôi lấy một ví dụ. Tổng thống của Venezuela chết vì ung thư. Ông ấy có thiếu tiền để mua một cái sừng tê giác không? Không. Ông ấy có thể viết một lá thư cho Tổng thống Nam Phi để xin 500 cái sừng cơ mà. Tôi kể một câu chuyện khác, đó là hàng chục năm trước, người dân mê muội đến mức sang Nam Phi để săn bắt tê giác lấy sừng và mang về như một chiến lợi phẩm. Tôi bảo, nếu nó chữa được bệnh ung thư thật, tôi sẽ mang 2 cái sừng tê giác ra bệnh viện để người dân có thể mài ra, như thế cứu được vạn người.
Thực tế, các mặt hàng được “cộp mác” chính hiệu là làm từ da cá sấu, ngà voi, sừng tê giác...đôi khi là hàng giả. Vậy, những sản phẩm thật đã đi đâu? (Facebook Nga Nguyễn)
Khán giả đang theo dõi livestream giao lưu trực tuyến
Các bạn lên mạng gõ “sừng tê giác giả” có rất nhiều. Xin thưa với các bạn có sừng trâu nhựa làm sừng tê giác. Da cá sấu dùng để xuất khẩu là bình thường, còn gấu thì người ta hiển nhiên khai thác một cách sai trái. Nhưng hiện tại người Việt Nam đã dùng ít mật gấu rồi. Cái gì có giá trị có đồ giả là điều bình thường, nhưng sự tàn nhẫn với thiên nhiên thì không thể được.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Các khung hình phạt nếu bị phát hiện có hành vi săn bắt, buôn bán, giết hại, sử dụng động vật hoang dã, thưa chị? (Câu hỏi từ SĐT 0167 573 3xxx)
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa vào hai điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) và 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm), tách riêng hai nhóm tội phạm về ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và nhóm ĐVHD khác, mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các loài ĐVHD trong Công ước CITES, mức phạt tiền và án phạt đều tăng mạnh. Cá nhân có thể bị xử phạt lên tới 2 tỉ đồng hoặc án phạt tối đa 15 năm tù – tăng hơn hai lần so với BLHS trước đó. Đối với pháp nhân, mức phạt có thể lên tới 15 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Theo thống kê của báo Cảnh sát toàn cầu năm 2016, thi thoảng người dân lại hả hê vì những kẻ buôn bán trái phép động vật hoang dã bị bắt và xử lý. Thế nhưng, số những kẻ bị bắt vẫn chỉ khoảng 10%, còn 90% số vụ đã lọt lưới. Nguyên nhân, theo anh? ([email protected])
Căn cứ vào đâu bạn biết 10% bị bắt giữ, tôi nghĩ là 1%. Ngay cả các bạn tìm bán cao hổ trên internet, facebook đi, vô cùng nhiều lời chào mua bán , công an chức năng có thể nói thông tin đó là giả. Bạn thử gọi điện đi, đi xem hàng thử đi. Tôi căn cứ theo facebook, đi xem hàng thật, thấy cả một con hổ, một con voọc thật bán trước mặt tôi. Sự kết nối giữa facebook và hàng thật nó không ảo như mọi người tưởng, bỏ tiền ra là được. Điều đó đặt ra một câu hỏi: Công an chức năng ở đâu, tại sao họ lại không bắt được?
Tôi vào nhà hàng có những con nhím rừng bị làm thịt, tại sao kiểm lâm không bắt được? Đến tôi còn thực hiện được cơ mà. Nếu chúng ta có những cái chế tài nghiêm ngặt thì sẽ không thể có buôn bán trái phép, cái tiêu cực nó nằm ở chỗ ấy. Nếu tôi có quyền bắt thì tôi sẽ bắt hết. Ở Sơn La, Điện Biên có những livestream trực tiếp xem bắt hổ, bắt gấu... chúng tôi đã đi gặp các đối tượng và chứng kiến nhưng không thể bắt.
Clip nói về thực trạng động vật hoang dã bị săn bắt và tiêu thụ kinh hoàng tại Việt Nam
Cảm xúc của anh chị khi xem xong clip trên là như thế nào?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Khi xem xong clip, tôi rất ấn tượng với câu nói: “Không còn người mua, không còn kẻ giết”. Khi mà xem những clip liên quan đến vấn đề bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam, có một loạt những hình ảnh voi, hổ bị giết hại rất kinh khủng và tôi không hiểu tại sao có những hành động dã man như vậy. Không biết là trong quá trình đấu tranh bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức WCS có những hành động và câu chuyện như thế nào muốn chia sẻ không ?
Chị Hoàng Bích Thủy: WCS cũng có những hoạt động liên quan đến tăng cường thực thi pháp luật, và chúng tôi cũng hướng tới mục tiêu giảm cầu về động vật hoang dã. Chúng ta đều biết rằng xã hội phát triển nhờ các mối quan hệ cung và cầu, khi mà không có cầu thì cung sẽ tự giảm, đó chính là câu mà trong clip có nói “Không còn người mua, không còn kẻ giết”. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn ở góc cạnh “cầu”, khi chúng ta làm việc với bất kể ai, ngay cả cơ quan pháp luật, chúng ta phải cân nhắc người ta thay đổi hành vi như thế nào? Người ta chỉ nói như vậy nhưng người ta có thay đổi hay không?
Ví dụ khi đi đến một quán ăn mà bạn được mời đến ăn thịt cầy, liệu bạn có biết là từ tự nhiên hay từ gây nuôi không? Như vậy thì bạn có ăn không? Bạn là người quan trọng nên mới được mời, bạn có ăn thịt cầy không?
Tôi là người đã từng được mời như vậy, những người mời chúng tôi đó là những đồng nghiệp của tôi, những người làm ở cơ quan thực thi pháp luật, những người nói là bảo vệ động vật hoang dã. Một mặt mình mong đợi mọi người không sử dụng động vật hoang dã nữa để tiến tới có thiên nhiên đa dạng và tươi đẹp, nhưng bản thân chúng ta lại hành động ngược lại tất cả những gì chúng ta được mong đợi. Vì vậy, WCS mong muốn rằng thay đổi hành vi phải bắt đầu từ chính mỗi cá nhân và có thể được duy trì bền vững.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Ví dụ voi rừng ở Việt Nam còn vài chục con voi. Thủ phủ đàn voi ở Đắc Lắc, chính phủ có lệnh bảo tồn nhưng người ta vẫn bán sản phẩm ngà voi, thắt lưng da voi...ở ngay tại sân bay, ngay tại khách sạn sang trọng nhất, ngay tại thủ phủ của voi. Vậy ai là người tôn vinh voi, ai muốn bảo tồn voi? Ai là người đồng ý cho việc sát hại? Cho nên voi ở Tây Nguyên bị lấy ngà, bị giết, bị vặt lông...
Việc tuyên truyền luật pháp và thực thi luật pháp, ý thức mỗi người, chúng ta cần phải được lan tỏa trong ý thức của mỗi người. Ví dụ người bạn của tôi, không thể ăn thịt chim sẻ, vì đó là thịt chim hoang dã. Bạn ý chỉ ăn những con gà để nuôi để giết thịt nhưng chim hoang dã thì bạn ý không ăn. Họ thật thà với chính họ, họ thật thà với nhân cách của chính họ. Họ là những người đáng được trân trọng.
Có một câu hỏi đặt ra là ai là người thực thi việc sát hại? Ai là người mua? Đó là những người có chức có quyền. Điều xấu hổ ở đây và chúng ta phải ngăn chặn điều đó.
Mặc dù các điều luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam đã được đề ra và thực thi, tuy nhiên tại rất nhiều nơi, nhất là tại khu du lịch, các quán ăn bán sản phẩm chế biến từ động vật rừng vẫn tồn tại và phát triển. Theo anh, báo chí đứng ở đâu trong câu chuyện này? ([email protected])
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Báo chí đã bị chia ra một số giai đoạn liên quan đến việc tham gia vào chống lại nạn săn bắt, giết hại, buôn bán sử dụng động vật hoang dã. Trong giai đoạn đầu mà chúng tôi làm, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ đầu tiên về điều tra và thấy việc buôn bán rất công khai. Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh như thế, tôi từng mở ra những tay gấu chất đầy trong tủ lạnh ở các nhà hàng gần Vườn Quốc gia, những con vật phong phú ở dạng thi thể.
Báo chí lúc đầu chỉ nhìn ở thực trạng, nhưng giờ đã đến tầng sâu hơn. Vậy thì, ai đứng đằng sau? Ai tiếp tay, những cơ quan đứng đằng sau, cơ quan thực thi luật pháp có thực thi hết trách nhiệm của mình không? Chúng tôi đánh thẳng vào những cơ quan tha hoá, cán bộ tha hoá, hải quan tha hoá...
Cá nhân tôi được mời sang Châu Phi để nói, để chứng kiến sự tàn sát động vật hoang dã ở Châu Phi và kể với Việt Nam. Các bạn châu Phi nói với tôi “Tôi rất trân trọng người như anh. Tôi mời chúng anh sang đây vì chúng tôi biết rằng thị trường cuối cùng những động vật hoang dã bị giết ở châu Phi là ở nước các anh. Mời các anh sang để cho các anh chứng kiến và về nói với công chúng báo chí là nó rất khủng khiếp và đừng giết động vật nữa.”
Chúng tôi đã đi đến tận gốc sự sát hại động vật hoang dã và sau đó mang về Việt Nam như thế nào. Và chúng tôi còn dự định đi đến mốc cao hơn là khảo sát tất cả các đường biên, các cửa khẩu ở tất cả các quốc gia xung quanh Việt Nam xem họ làm thế nào để họ nhận ra được và thậm chí chúng tôi sẽ điều tra chính các lực lượng thực thi pháp luật. Nếu như họ sai phạm thì chúng tôi cố gắng sẽ ngăn chặn.
Ví dụ như chúng tôi nhận được thông báo giam giữ một con hổ, chúng tôi thông báo với kiểm lâm và xem họ có hành động không. Điều tra họ xem họ có sai phạm không.
Chúng ta phải đi đến nơi sâu nhất của vấn đề trong chừng mực có thể để ngăn chặn.
Vấn đề thực thi pháp luật: Có rất nhiều vụ buôn bán và bắt giữ, nhưng xử lý hình sự thì rất ít. Vấn đề giám định: họ bắt giữ được nhưng lại di chuyển một quãng đường rất xa để giám định. Vấn đề vận chuyển: Bên kiểm lâm khi bắt được những đối tượng, nhưng lại không thể giữ được hàng. Tất cả những khó khăn trên làm cho nạn buôn bán cứ tiếp tục như vậy. Em muốn hỏi rằng báo chí và các tổ chức bảo tồn đang làm những gì để giảm thiểu tình trạng này? Việc chăn nuôi thương mại của những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, quan điểm của anh chị như thế nào ạ? Thứ 3 là việc săn động vật ở châu Phi để lấy tiền, theo các tổ chức phi chính phủ nói rằng săn để lấy tiền để chặn những chương trình bảo tồn của họ, ví dụ sư tử, tê giác đen... Ý kiến của anh chị như thế nào? (Cao Minh Châu, Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
Chị Hoàng Bích Thủy: Về số lượng bắt giữ và số lượng xử lý hình sự, ở Bộ luật Hình sự cũ, xử lý hình sự được một vụ buôn bán về động vật hoang dã không hề dễ dàng một chút nào. Thứ nhất, phải xác định được loài đó có thuộc Phụ lục của CITES – Công ước Quốc tế về phòng chống buôn bán động vật hoang dã hay không, hay là có nằm trong danh mục của Nghị định của Chính Phủ hay không (ví dụ là Nghị định 160), để xử lý hình sự, cơ quan thực thi pháp luật phải nêu được loài đó thuộc danh mục nào.
Và vì một số cá nhân có thiên hướng làm giảm nhẹ hình phạt cho nên có hiện tượng lách luật để chuyển từ hình sự sang hành chính. Rất nhiều các cơ quan thực thi pháp luật làm việc không nghiêm minh – kẻ phạm tội có thể chạy để mua giảm nhẹ tội hoặc chuyển tội từ hình sự sang phạt hành chính.
Một mặt nữa là do kĩ năng về giám định loài của cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật, người ta không giám định được đó là loài thuộc danh mục nào để quy vào khung phạt hình sự hay xử phạt hành chính. Chính sự lỏng lẻo trong khung pháp luật, có thể có trường hợp cùng một loài nhưng người ta lại nhìn danh mục khác nhau và sẽ có xử lý khác nhau. Và dĩ nhiên xử lý hành chính sẽ mang nhiều lợi ích hơn cho người cầm quyền xử lý.
Về giám định, có 4 cơ quan khoa học có chức năng giám định loài các loài động vật hoang dã nhưng nếu việc bắt giữ là cơ quan kiểm lâm, cảnh sát môi trường hoặc quản lý thị trường/hải quan, việc giám định vẫn rất khó khăn. Khi nào có thể lấy mẫu giám định? Quy trình lấy mẫu và giám định kéo dài. Vậy thì ai là người nuôi các động vật sống bị thu giữ, các cán bộ thực thi pháp luật không có kỹ năng và được đào tạo để nuôi loài động vật này. Vì thế việc làm biên bản giám định các động vật hoang dã phải rất nhanh để có thể gửi các động vật sang trung tâm cứu hộ chăm sóc nuôi giữ.
Về nhân nuôi, “rửa” các loài động vật -- nếu nhân nuôi các loài động vật không nằm trong phụ lục của CITES thì được phép và kiểm lâm của các tỉnh sẽ là người cung cấp giấy phép gây nuôi. Nhưng những loài sắp tuyệt chủng thì không thể nhân nuôi thương mại. Ví dụ như là rắn hổ mang chúa. Rắn hổ mang chúa chỉ được nuôi cho mục đích nghiên cứu khoa học và có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý CITES. Vì thế sẽ không có sự nhân nuôi thương mại các loài động vật tuyệt chủng.
Tình trạng “rửa” động vật hoang dã chắc chắn có. Ví dụ như cầy hương rừng và nhà. Sự khác nhau ở cái giấy phép. Nhưng làm thế nào để biết là bắt từ rừng hay là nuôi? Điều đó phụ thuộc vào sự minh bạch của các chủ trang trại và thực hiện thể chế.
Cao Minh Châu (SV Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đặt câu hỏi cho khách mời
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vấn đề giám định khiến rất nhiều người phải đau đầu. Vụ 10000 con rùa biển ở Nha Trang nhưng đến tận bây giờ người ta vẫn còn tranh luận xử án ra sao. Giám định đến nay là 3 năm. Người ta vẫn đem từng con rùa biển ra giám định. Giám định là quan trọng để người ta tìm ra bằng chứng để xử lý và kết luận đối tượng đang buôn bán. Việc người ta câu giờ như vậy là bất thường, đó là sự bao che, bảo kê hay là tham nhũng. Tôi theo dõi 4 năm, tôi ra tận biển, chắc chắn đó là rùa biển. Tôi phải dùng từ “cứng nhắc”, "phiến diện". Chúng ta cần khoa học hơn. Chúng tôi có thể giám định bằng cách lấy 4 góc của kho rùa biển đó.
Việc các cơ quan kiểm lâm thì họ bảo quản thế nào?
Công an huyện Da Viễn ở Ninh Bình bắt được 2 con hổ 500kg trị giá hơn 1 tỷ đồng để giám định 6 tháng, đi mua tủ đông để giám định mà thời gian đợi giám định rất lâu nên họ rất ngại bắt. Động vật hoang dã là siêu hiện vật, có thể ví ngang với buôn ma tuý, buôn người, buôn vũ khí. Tôi sợ nhất điều tra động vật hoang dã vì họ rất giàu, quyền lực và xuyên quốc gia. Câu chuyện về hợp thức hoá động vật hoang dã, bắt từ Việt Nam hoặc thẩm lậu từ nước nài vào Việt Nam. Họ không có giấy phép, chứng từ cho món hàng.
Có rất nhiều đơn vị được cấp phép lập trang trại có quyền bán hàng, người ta có thể nhờ đó mà bắt động vật hoang dã để buôn bán. Những loài được nhận nuôi được cấp giấy tờ, đó chỉ là chiêu bài để hợp thức hoá bắt những con vật ở Việt Nam và nước khác. Điều đó mang lại lợi cho những người cán bộ được kiểm tra, kiểm lâm... người ta chia nhau từ việc lợi dụng, đục khoét thiên nhiên.
Thưa anh, làm thế nào để có thể khai thác được những khía cạnh khuất lấp mà đôi khi chúng ta không nhìn thấy được? Và đối với một tác phẩm phóng sự về động vật hoang dã, thì điều gì làm nên hồn cốt và thu hút người đọc? (Câu hỏi từ SĐT 0947 232 xxx)
Chúng ta phải làm thế nào để khai quật về những tầng khuất lấp của vấn đề, để tìm ra những cái công chúng, cơ quan chức năng chưa biết. Nếu bây giờ các bạn viết “Ôi họ nấu cao nhiều lắm, giết động vật nhiều lắm” thì tôi sẽ không đọc. Vì tôi đã biết hết những điều đó. Nếu các bạn có tiền, chúng ta có thể nấu chung cao hổ và có thể gọi công an đến ngay lúc đó. Nó công khai như vậy nhưng bắt nó là không dễ, có rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Sự thật là nó vẫn lẩn ở xung quanh chúng ta. Các bạn viết gì về thực trạng đó, các bạn cần phải viết lên một cái tầm mà cơ quan chức năng chưa biết hoặc dư luận đang quan tâm.
Ví dụ như câu chuyện thẩm lậu qua biên giới, qua hợp thức hoá động vật hoang dã ở những trang trại, đến giờ câu chuyện ấy vẫn đang hot. Và có thể ông kiểm lâm nào đó đang bắt tay với chủ trang trại nào đó về gia tăng đàn với tốc độ khủng khiếp. Những chuyện này không dễ gì để biết.
Những bạn làm báo nên tiếp cận với những tầng sâu đấy để nó tác động đến xã hội. Các bạn nên lật ra những tầng sâu hơn để tác động đến hiện thực. Báo chí nài việc phản ánh, nó còn hướng dẫn dư luận và đưa đến những sự thật cho cơ quan chức năng căn cứ vào đó mà xử lý.
Điều tra về động vật hoang dã rất khó. Thứ nhất là địa bàn hoạt động rất rộng , các đường dây hầu hết là xuyên quốc gia. Những ai không có điều kiện thì không thể di chuyển tiện lợi, rất nhiều tiền đổ vào đó. Chúng tôi đã đến những nhà hàng có món “Thịt hổ” công khai, đến những nơi có buôn bán 30 con hổ,...
Khi vào những hang ổ đó các bạn sẽ kể những câu chuyện hấp dẫn, những định hướng cho cơ quan chức năng không chỉ ở Việt Nam. Và khi các bạn viết báo, hay các bạn làm ở WCS, các tổ chức quốc tế, các bạn sẽ có những tài liệu triển khai ra thì sẽ có những tác phẩm hướng tới giá trị lớn, thiết thực hơn cho cộng đồng và cung cấp tài liệu cho các cơ quan điều tra. Chúng ta điều tra xong có thể thúc giục cơ quan chức năng hành động.
Câu hỏi từ SĐT 088823xxx: “Nài những hoạt động về pháp luật, WCS Viet Nam đã có những hành động gì để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã và nâng cao nhận thức của người dân? WCS có tuyển cộng tác viên không? Nếu muốn ứng tuyển thì cần những tiêu chí gì thưa chị?”
Tôi nghĩ rằng nài những bài viết của nhà báo thì chúng tôi cũng có những thông tin khác thông qua các câu lạc bộ của các bạn. Chúng tôi thấy việc nhận thức là không đủ mà phải kèm theo hành động.WCS có những hội thảo để hướng tới các nhà chính sách để tạo ra áp lực, họ sẽ có các hành động để bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi luôn cố gắng đưa vào các hội thảo, tập huấn, các cơ quan thực thi pháp luật về các trang thiết bị bảo vệ động vật hoang dã.
WCS có tuyển CTV không? Câu trả lời là có. Nhưng họ phải yêu động vật hoang dã và nói được tiếng Việt. CTV phải nói và làm là một. CTV của WCS là những người thu thập chứng cứ về đường dây tội phạm, chúng tôi nghĩ là những người đó nên có kỹ năng, chúng tôi có cả những nhà báo làm CTV, những người thường trực ở các điểm nóng nhà hàng để điều tra, thông tin về vi phạm.
Chị Hoàng Bích Thủy tại buổi giao lưu
“Trong rừng thẳm châu Phi: Mắt có thấy thì lòng mới đau?”. Anh đã nhìn thấy gì mà lòng đau? ([email protected])
Tôi rất thích câu “yêu tha thiết, căm thù mãnh liệt” của Xuân Diệu. Bạn yêu tha thiết cái gì, thì bạn căm ghét những điều chống lại nó. Tôi sinh ra ở nơi rất đẹp. Tôi đã đi rất nhiều nơi và đã cảm nhận được sự sum vầy của thiên nhiên. Tôi đã từng ăn cơm trước những đàn voi, những cô báo hoa, những chàng sư tử nhìn chúng tôi bằng tất cả sự thi vị. Thật sự thiên nhiên rất đẹp và hùng vĩ. Thế mà người ta lại giết sư tử, lọc xương sư tử,...Chúng tôi đi Lào thấy những tay gấu chất đầy. Tôi đến Đồng Tháp thấy những đoàn chim cũng bị vặt, bị giết bằng những chiếc đèn khò... Những hình ảnh thật man rợ và kinh khủng. “Mắt có thấy thì lòng mới đau”. Mắt thấy thiên nhiên đẹp thì lòng đau khi không còn nhân ái nữa, thiên nhiên bị tàn phá dày xéo ác thì lòng thấy đau.
Nếu bạn tàn ác với một con chim hay một con thú thì dễ hiểu nếu bạn tàn ác với con người. Nhân cách của con người hình thành một phần quan trọng là do thiên nhiên, do cuộc sống. Thiên nhiên dạy chúng ta rất nhiều lý lẽ. Người của nhân loại tiến bộ họ nói rằng: Rừng là bà mẹ thiên nhiên, là tay nôi bảo vệ loài người. Tôi nghĩ rằng chống lại tội phạm thiên nhiên là một hoạt động nhân ái và hầu hết những người làm lĩnh vực đó họ mang tình nhân ái rất lớn.
Với nghề báo- nghề điều tra anh có lời khuyên gì? ([email protected])
Nghề của bọn tôi như trinh sát hình sự - luôn phải giấu mình, nó giống như lái ô tô, xe máy trên đường. Nguyên tắc của bọn tôi, luôn rất sợ, sợ bị kiện, có thể ngay trong chiều nay. Bạn tôi ở báo tuổi trẻ đã bị khởi tố vì điều tra quá sâu, và bạn tôi bị - do đưa hối lộ để chứng minh hành vi nhận hối lộ.
Việc giấu mặt, cần phải có nhóm, không thể tự bản thân tôi đi vào các hang ổ đó, tôi cần một bạn phóng viên trẻ, khi cần một người già đóng giả để đi theo dõi đối tượng , vượt qua rất nhiều bậc cấp để hoàn thành nghiệp vụ. Cái các bạn muốn hướng tới, đó là các giá trị đầy vinh quang. Chúng tôi có loạt phóng sự, chúng tôi đăng tới đâu thì các cơ quan hình sự bắt tới đó. Nếu các bạn làm được cái khó thì cái dễ búng ngón tay là xong. Chỉ cần các bạn hướng tới những việc vinh quang đó, con đường sự nghiệp thênh thang. Trong nghề này, nếu các bạn tiếp tục đi làm các lĩnh vực sâu thì trình độ các bạn sẽ lên nhanh, không làm báo thì làm nghề gì cũng giỏi. Mỗi một ngày chúng tôi học rất nhiều thứ, Vatican, 800 dân, tôi bỗng nhiên trở thành chuyên gia của đất nước đó luôn. Để viết được 1 bài báo, tôi phải đọc rất nhiều, nghe rất nhiều, bóc băng, tự nhiên các bạn sẽ giàu có về tâm hồn, giàu có về tri thức.
Nếu phát hiện trường hợp săn bắt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép thì báo với ai? Chị hãy cung cấp đường dây nóng khi cần thiết? (Facebook Đỗ Ngọc Hiệp)
Các bạn có thể liên lạc với tổ chức ENV 18001522, hoặc các bạn có thể vào email: [email protected] hoặc là nhắn tin vào Facebook của WCS.
Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm điều tra, thưa anh? (Câu hỏi từ SĐT 0163 964 6xxx)
Điều tra là một lĩnh vực khó nhất trong lĩnh vực của tôi. Đấy là một thể loại được đầu tư nhiều nhất và trả nhuận bút nhiều nhất. Điều đó chứng minh nó rất nguy hiểm. Tôi luôn phải giấu mình, nghề của chúng tôi giống như trinh sát hình sự và luôn phải thắng cuộc. Nó giống như là lái xe máy trên đường, không ai nói trước được điều gì. Tôi rất sợ. Đạo đức thì trong sáng. Muốn chứng minh cái gì đó phải có bằng chứng. Tôi có những lần bị lộ nhưng luôn phải khéo léo vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi khuyên những bạn nào muốn làm là hãy hướng tới những giá trị đẹp để cống hiến. Sau những vụ làm điều tra thì các bạn sẽ lên tầng cấp mới. Làm nghề này sẽ giúp được trình độ và nhân cách của mình lên rất nhanh bởi vì những kinh nghiệm luôn được đúc kết.
15:25: Hai khách mời gửi lời chào tới khán giả.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi thấy buổi giao lưu này ý nghĩa nhất đó là góp phần truyền cảm hứng cho các bạn tăng thêm tình yêu với thiên nhiên và tăng thêm các hoạt động bảo vệ thiên nhiên cho chúng ta.
Các bạn sinh viên báo chí cần phải quyết liệt, tìm cho mình một con đường và hết lòng vì nó. Đam mê thật sự thì sẽ mang lại cho các bạn tất cả. Bạn cần có đam mê và chân thành với đam mê đó. Chúng ta hành nghề giống như cầu thủ bóng đá vậy: cần phải đá hay.
Chị Hoàng Bích Thuỷ: Nếu các bạn sử dụng những sân chơi này để làm về động vật hoang dã nói chung thì tôi thực sự rất khuyến khích. Tôi tin rằng có những nội dung được chia sẻ trong 2 tiếng vừa qua có thể được đưa vào tài liệu để sử dụng trong báo chí.
15:30: Kết thúc chương trình.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận