"Biệt đội" Hà Nội Xanh: Vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp
(Sóng trẻ) - Dù phải tiếp xúc trực tiếp với những khối rác, nước thải sinh hoạt có mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nhưng nhóm tình nguyện Hà Nội Xanh vẫn quyết tâm “hồi sinh” những con sông đen ở Hà Nội.
"Biệt đội" là tên gọi gần gũi của nhóm bạn trẻ Hà Nội Xanh được cộng đồng mạng biết đến với "nhiệm vụ đặc biệt" - giải cứu các con kênh bị "bức thở" bởi rác.
Khởi đầu bằng một bước chân
Hà Nội xanh được thành lập vào năm 2021, là dự án được hai bạn trẻ Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu thành lập. Là người đang sống ở Hà Nội, chứng kiến những khu vực sông ngày một ô nhiễm nghiêm trọng hơn nên 2 chàng trai quyết định thành lập nên nhóm dọn rác.
Chỉ hơn 2 tháng thành lập, nhóm đã có gần 200 thành viên đăng ký tham gia với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Tất cả thành viên của nhóm đều chung một mục đích là giúp cho môi trường trở nên xanh – sạch – đẹp hơn.
"Mình là một người rất yêu môi trường, trước trong thời gian còn là sinh viên cũng tham gia rất nhiều các buổi tình nguyện. Ở Hà Nội được 7-8 năm rồi nên mình có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất Hà Nội và không thích hành động xả rác. Không biết sau này mình có bám trụ ở đây không nhưng hiện tại mình muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho Hà Nội" - Bạn Lê Minh Hiếu chia sẻ.
Trong quá trình hoạt động, Minh Hiếu cho biết nhóm cũng gặp không ít trở ngại khác. Trở ngại đầu tiên đó là về nhân lực. Hà Nội Xanh ban đầu chỉ có hai thành viên nên việc dọn sạch rác thải ở các con sông gần như là không xuể.
Đến nay, tuy nhóm đã có gần 200 thành viên nhưng với hàng tấn rác bị thải ra môi trường mỗi ngày, số lượng này vẫn không đáp ứng đủ. Trở ngại tiếp theo mà nhóm gặp phải là do chưa liên hệ và nhận được sự giúp đỡ của các bên xử lý rác thải sau thu gom.
"Bên mình hiện tại chưa nhận được hỗ trợ từ các bên liên quan. Chủ yếu là phải đi thuê xe từ bên ngoài để di chuyển rác. Một phần nữa là việc đảm bảo sức khỏe của các bạn thành viên tham gia. Do khó khăn về kinh phí nên mình chỉ có thể mua được một số đồ bảo hộ cơ bản như là gang tay, quần áo chống nước, khẩu trang…" - Minh Hiếu chia sẻ.
Hiệu ứng lan tỏa và kết nối
Chỉ với những trang bị như găng tay, ủng, bao tải do tình nguyện viên tự chuẩn bị, các nhóm thuộc 2 đội tình nguyện đã dọn dẹp được hàng trăm tấn rác thải tại vô số các con kênh, mương bị ô nhiễm nặng nề trên địa bàn trong thời gian vừa qua.
Minh Hiếu chia sẻ chỉ sau hơn 2 tháng thành lập, nhóm đã tổ chức được nhiều buổi đi vớt rác trên khắp các khu vực sông, kênh, mương ở Hà Nội như sông Tô Lịch, kênh La Khê, sông Nhuệ…
Lê Minh Hiếu cho hay, thời gian đầu có một số ý kiến trái chiều, thậm chí có những lời xúc phạm đến các thành viên trong nhóm, nhưng với quyết tâm vì cộng đồng nên mọi người đều bỏ ngoài tai, vẫn chung tay thực hiện "trend biến hình" cho kênh, rạch.
Dần dần, hành động đẹp của các bạn được nhiều người biết đến hơn. Họ theo dõi qua các trang mạng xã hội, dành những lời động viên và tiếp sức mạnh tinh thần hoặc trở thành thành viên của Hà Nội Xanh sau khi được truyền lửa.
Thời gian tới, Hà Nội Xanh mong muốn sẽ khơi thông lại những khu vực sông hồ đang bị ô nhiễm tại Thủ đô và mở rộng ra các vùng ô nhiễm khác. Mục tiêu của nhóm là kết nối các tình nguyện viên của các tỉnh thành khác, không chỉ có Hà Nội Xanh hay Sài Gòn Xanh mà sẽ là toàn bộ Việt Nam Xanh.
Với phương châm hoạt động vì môi trường của thành phố nói riêng và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới cộng đồng nói chung, những dự án ý nghĩa sẽ “nhân giống” việc tốt, lan tỏa và truyền cảm hứng đến nhiều người vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Hà Nội Xanh đang có 200 người. Mục tiêu sắp tới là nhóm phát triển lên 1.000 người. Dự án đặt thùng rác bên bờ sông và tuyên truyền người dân vứt rác đúng chỗ sẽ sớm được triển khai. Tuy nhiên, tài chính eo hẹp khiến nhóm gặp khó khăn trong nâng cấp, duy trì thiết bị, dụng cụ, quần áo chuyên dụng dọn rác, hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho các thành viên. |