Bình Liêu, Quảng Ninh: Thoát nghèo nhờ đặc sản miến dong
(Sóng trẻ) - Bình Liêu là một huyện biên giới phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, giáp Trung Quốc. Phần lớn diện tích ở đây là núi cao, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn là tỉnh có gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, nhưng những năm gần đây nhờ sản xuất đặc sản miến dong mà nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Tinh hoa từ miền biên giới
Miến dong Bình Liêu được làm từ củ dong trồng trực tiếp trên mảnh đất biên giới khô cằn với diện tích chủ yếu là đồi núi. Những củ dong sẽ được lựa chọn mang về làm sạch, sau đó nghiền thành bột. Thứ bột trắng ngần, mịn màng đó sẽ được nấu thành miến dong.
Khác với những loại miến bình thường có màu vàng hoặc trắng, miến dong Bình Liêu có màu xanh lục, hơi ngả xám, sợi dài, nhỏ, vị dai giòn rất đặc trưng. Kể cả khi để lâu hay nấu lại miến vẫn giữ được độ dai, dòn, không bị bở như các loại miến khác. Màu sắc và hương vị đặc trưng ấy có được là do người dân chỉ sử dụng duy nhất một loại nguyên liệu đầu vào là tinh bột củ dong riềng để làm miến, không sử dụng phụ gia và hóa chất.
Củ dong được làm sạch bằng một dây chuyền hiện đại
Mảnh đất vùng biên giới không có nhiều điều kiện thuận lợi về địa hình tự nhiên. Bình Liêu thuộc vùng núi cao, khí hậu lạnh, đất đai lại khô cằn. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy đã kết tinh thành củ dong có chất lượng tốt, ít xơ, nhiều bột.
Hành trình mang miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm hàng hóa
Miến dong Bình Liêu là một trong những những sản phẩm OCOP Quảng Ninh (chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) nổi tiếng nhất của huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, được đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu từ năm 2007 – 2008. Hiện nay, sản phẩm mang thương hiệu Miến dong Bình Liêu đã được bày bán trên khắp các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc như Big C, Megamart và Vinmart.
Tận dụng ưu thế, Bình Liêu đã mở rộng sản xuất nhằm thu lợi nhuận kinh tế cao. Tính đến năm 2018, trên toàn huyện có 345,1 ha diện tích đất trồng dong, riềng, bằng 115% so với kế hoạch, bằng 133,8% so với năm 2017 với năng suất trung bình là 50 tấn/ha. Sản lượng dong riềng ước tính vào khoảng 13.924,7 tấn, đạt 114,17% kế hoạch, bằng 167,6% năm 2017, giá trị hiện hành ước tính khoảng 34.812 triệu đồng. Năm 2018, dự kiến sản xuất được 600 tấn miến dong, đạt 133,33% KH, bằng 193,55% cùng kỳ. Thu nhập mỗi năm ước đạt hàng chục tỷ đồng trên mỗi cơ sở sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Bách - Giám đốc của một cơ sở sản xuất miến dong tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cho biết: "Những năm gần đây, tôi đã đầu tư rất nhiều máy móc, công nghệ hiện đại cho nhà máy sản xuất miến dong. Tổng chi phí đầu tư máy móc vào khoảng 20 tỷ, trong khi đó trung bình mỗi năm cơ sở chúng tôi lãi khoảng gần 50 tỷ".
Sản phẩm miến dong được đóng gói để phân phối đi các tỉnh, thành phố
"Sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo quy trình khép kín, không sử dụng hóa chất độc hại, tất cả đều được sản xuất từ củ dong thiên nhiên. Khác với những cơ sở khác là nhập bột dong để sản xuất miến, chúng tôi trực tiếp nghiền bột ra từ củ dong sau đó mới sản xuất. Như vậy hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Bách cho biết thêm.
Đẩy mạnh công cuộc đưa miến dong Bình Liêu trở thành thương hiệu đặc sản, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp đã thực hiện việc đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu cách, bắt mắt, trọng lượng phù hợp, tăng cường hoạt động marketing và nghiên cứu giảm giá thành hợp lý để thu hút thị trường.
Mẫu mã bắt mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường
Đẩy mạnh công cuộc đưa miến dong Bình Liêu trở thành thương hiệu đặc sản, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp đã thực hiện việc đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu cách, bắt mắt, trọng lượng phù hợp, tăng cường hoạt động marketing và nghiên cứu giảm giá thành hợp lý để thu hút thị trường.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất miến dong là một bước tiến mới trong quá trình đưa thương hiệu miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, đồng thời phát triển theo hướng bền vững, đẩy mạnh sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ông Dương Ngọc Khoa, chánh văn phòng huyện Bình Liêu cho biết: “Hiện tại, huyện Bình Liêu đã đăng ký, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu miến dong Bình Liêu. Hằng năm, huyện luôn tích cực trong công tác đầu tư khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất để thu mua sản phẩm củ dong cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2018, huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý nước thải, chất thải trong sản xuất, đầu tư hệ thống sấy sản phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đổi với sản phẩm. Thực hiện tham gia 6 cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó có thương hiệu Miến dong Bình Liêu) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ".
Ứng dụng máy móc trong quá trình sản xuất miếng dong
Ông Khoa cho biết thêm: “Trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân phát triển diện tích trồng dong riềng theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào chăm sóc, lựa chon giống. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất; đầu tư dây chuyển hiện đại. Dự kiến trong năm 2019, sẽ mở thêm 1 xưởng sản xuất miến dong tại thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại để nâng cao công suất chế biến".
Phát triển thương hiệu miến dong tạo việc làm cho người dân huyện Bình Liêu
Phát triển vùng sản xuất miến dong đặc sản, Bình Liêu còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số. Với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng, đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể trang trải và làm chủ cuộc sống của mình, vươn lên thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thương hiệu miến dong Bình Liêu, ông Trịnh Văn Duyệt - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết trong tương lai tới đây huyện sẽ đẩy mạnh việc trồng dong, trồng riềng, đẩy mạnh công nghệ sản xuất phân bón, công nghệ cắt rễ củ dong và công nghệ xát bột. Đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông hình ảnh sản phẩm miến dong Bình Liêu ra bên nài.
Câu chuyện của miến dong Bình Liêu từ một sản phẩm tự cung tự cấp cho đến khi trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường và giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân của huyện nhà đã trở thành một thành tích đáng kể của huyện ủy, đảng bộ và nhân dân huyện Bình Liêu. Thương hiệu miến dong Bình Liêu phát triển mạnh thực sự đã tạo bước đà cho sự vươn lên mạnh mẽ của mảnh đất khó khăn nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc.
PV