Chuyện tình hơn nửa thế kỷ của cặp vợ loà, chồng điếc
(Sóng trẻ) - Chồng điếc, vợ lòa là câu chuyện tình éo leo, ngặt nghèo của ông Thành cùng vợ - người mà ông “nhặt” được giữa những năm đói kém, cơ cực. Cùng nhau họ đã sống những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời tại nơi bãi giữa sông Hồng.
Chuyện tình Tràng và thị
Vốn là những người sống phiêu bạt, nay đây mai đó, sống nhờ nghề nhặt ve chai, ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (87 tuổi) đã nên duyên và nương tựa nào nhau hơn nửa đời người. Chuyện tình yêu của ông bà nơi bãi giữa sông Hồng được nhiều người ngưỡng mộ và tấm tắc ví von như câu chuyện “Vợ nhặt” ngoài đời thực.
Nhớ lại mối cơ duyên nên vợ nên chồng với ông Thành, bà Thủy cười khà khà: “Tôi với ông ấy đi nhặt rác, quen nhau, thế là về ở cùng nhau. Ghè đầu, cốp cái thế là xong, chả có cưới xin gì…”. Câu chuyện dọn về ở cùng nhau vô lý đến lạ, nó tình cờ đến mức ông Thành ngỡ tưởng “nhặt được vợ”.
Ngày 26/9/1969 là khoảnh khắc định mệnh mà có lẽ cả đời ông Thành chẳng bao giờ muốn quên. Đó là lần đầu mà hai ông bà gặp nhau tại ga Hàng Cỏ. Đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời, ông Thành đã xăm dãy số: “26.9.1969” lên cánh tay trái của mình. "Lúc đó, chúng tôi đều không có gì, cả hai đều mặc bộ quần áo rách. Thấy bà đang quét gạo rơi để nấu ăn phía sau nhà ga, tôi đến hỏi thăm. Sau một lúc suy nghĩ, tôi đã mời bà về ở chung với mình. Khi ốm đau có người chăm sóc, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo".
Sau ít phút suy nghĩ, bà Thuỷ đã cụng đầu đồng ý với người cùng khổ. "Ban đầu khi nghe ông ấy nói như vậy, tôi cũng có phần ngần ngại, không biết ông ấy có nói thật lòng hay không. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt, tôi cảm thấy sự chân thành và quyết định tin tưởng. Và rồi 'hai đứa' cùng nhau về nhà, thổi lửa và nấu cơm chung", bà Thủy kể.
“Nhặt được vợ” giữa những năm tháng vất vả, cơ cực nhất nhưng ông Thành vẫn hết mực yêu thương và chăm sóc bà Thủy. Điều bất ngờ hơn, ông còn làm tới cả trăm bài thơ đủ các thể: lục bát, ngũ ngôn, Đường luật… để ghi lại cuộc đời của hai vợ chồng. Trong số đó, ông Thành có nhiều bài thơ ông viết để tặng bà Thủy:
“Xưa kia tôi mới gặp bà
Tuổi đời còn trẻ tóc là còn xanh
Gọi nhau bằng tiếng em anh
Tỉ tê tâm sự trở thành tình yêu”.
Tháng ngày bình yên không được bao lâu, khi hai ông bà bước sang tuổi xế chiều cũng chính là lúc sóng gió mới thực sự ập đến. 6 năm trở lại đây, mắt bà Thủy mờ dần rồi loà hẳn khiến bà không thể nhìn thấy nữa. Cùng lúc đó, tai ông Thành điếc hẳn. Không có tiếng cãi vã nhưng những cuộc trò chuyện thường ngày của ông bà nhiều khi cả xóm cũng nghe thấy.
Khi thị lực không còn, bà Thủy không thể tự mình làm những công việc thường ngày. Mọi công việc trong nhà, từ kéo thuyền, mua sắm, giặt giũ, nấu nướng đến rửa bát, đều do một tay ông Thành lo toan. Ông tình nguyện trở thành đôi mắt của người vợ mù. Nhiều lúc bà Thủy thử lòng người chung gối với mình: “Ông đi lấy vợ đi, về nó lo cho…”.
Một túp lều tranh, hai trái tim vàng
Lênh đênh trên sóng nước sông Hồng, bao năm qua đôi vợ chồng già vẫn lủi thủi trong ngôi nhà bè nhỏ. Với ông Thành, ngôi nhà bè là tài sản quý giá nhất, không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là mái ấm duy nhất của hai ông bà. Ngôi nhà được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bởi công việc nhặt rác chỉ giúp họ kiếm “mớ rau, bát cháo” sống qua ngày, nên ý niệm xây dựng một mái nhà riêng chưa từng một lần xuất hiện trong suy nghĩ của hai ông bà.
Cả căn nhà có tổng chi phí xây dựng hơn 30 triệu đồng và chỉ rộng khoảng 15m2. Để tối ưu hoá diện tích của căn phòng, mọi đồ đạc đều được ông Thành sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Các vật dụng trong nhà không có nhiều chỉ có chiếc xe đạp được tặng cất gọn ở cửa bếp. Cái đài FM, cuốn vở ghi thơ được xếp ngăn nắp ở đầu giường. Cái móc treo quần áo lọt thỏm trong góc nhà, bình gas xin được cũng được đặt trong xó bếp.
Đó là tất cả tài sản của hai ông bà. Bởi cuộc sống sông nước với ông bà là cuộc sống “ba không” gồm không điện - không nước - không tiền.
Điện lưới là thứ xa xỉ đối với mọi căn nhà bè và nhà ông Thành cũng không ngoại lệ. Trước đây, nhà ông được thắp sáng bằng đèn dầu. Nhưng những năm trở lại đây, pin năng lượng mặt trời trở thành vị “cứu tinh” trong căn nhà nhỏ của 2 vợ chồng, vì chúng không chỉ cung cấp ánh sáng cho đèn điện, mà còn có thể tích điện vào ắc quy để sạc quạt, sạc đài…
Không chỉ điện mà nước sạch ở bên bờ sông Hồng cũng trở nên rất khan hiếm. Vợ chồng ông Thành chỉ dám dùng nước máy cho hoạt động ăn uống. Mọi sinh hoạt khác như: rửa bát, rửa tay chân, giặt đồ… đều phải sử dụng nước sông Hồng. Thậm chí, theo bà Thủy, có những thời điểm nhà ông bà phải dùng cả nước sông Hồng đề ăn uống.
Chiếc xe đạp là 'cần câu cơm' duy nhất của gia đình ông Thành. Trước đây, ông Thành thường đạp xe vào thành phố để nhặt rác đến gần sáng mới về, nhưng tiền công chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của hai vợ chồng già.
Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm gian nan hơn mỗi khi ông Thành trở bệnh, ốm đau. Bà Thủy chia sẻ: “Ông ấy mà ốm là khổ lắm. Mắt tôi thì thế này, ông ốm không ai đun nước cho mà uống. Có lần ông ốm nhưng vẫn gắng dậy để đun nước. Vừa đun ông vừa rên, nghĩ mà xót nhưng cũng không giúp được gì…”. Xót xa hơn khi có lúc ông Thành ốm, cả hai vợ chồng đành phải nhịn đói cả ngày vì không ai có thể nấu cơm nấu cơm.
Dòng dã hơn 50 năm cơ cực, cặp vợ chồng già vẫn luôn nương tựa vào nhau mà vượt qua gian nan, vất vả. Ông là đôi mắt của bà, còn bà là đôi tai của ông. Họ cùng nhau nhớ lại những khó khăn đã trải qua, vừa cười vui vẻ, vừa hút điếu thuốc lào. Tình yêu của họ như tia sáng le lói giữa những cơ cực nơi bãi giữa sông Hồng. Sự lạc quan của họ khiến cho cuộc sống vốn đầy lo toan, nặng nề bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng hơn. Hiện, ông Thành, bà Thủy đã được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội (Đồng Dầu, Đông Anh) để “sống” chứ không đơn giản là tồn tại như trước kia.