Gen Z ngẫm về chữ "hiếu" trong mùa Vu Lan
(Sóng trẻ) - Vu Lan là dịp để GenZ chúng ta nghĩ nhiều hơn về chữ “hiếu”, và với họ, chữ "hiếu" được hiểu và thực hiện theo nhiều cách khác nhau.
Quan trọng là tấm lòng
Suy ngẫm về chữ “hiếu”, bạn Hoàng Phương Thảo (Đại học Đại Nam) cho biết: “Một người con có hiếu cần hiểu tâm tư của cha mẹ, cần biết cha mẹ mong muốn nhất điều gì ở mình để phấn đấu vươn tới. Người con sống tự tin, hạnh phúc, có ích là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn”.
Bạn Phạm Thị Linh Chi (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) quan niệm có hiếu nghĩa là biết nghe lời và giúp đỡ bố mẹ. Hơn nữa, bản thân phải biết tu chí làm ăn để sau này quay về nuôi bố mẹ, không khiến bố mẹ phải bận tâm, lo lắng về mình.
Ngày trước, chữ “hiếu” thường được hiểu là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Tuy nhiên, hiện nay, người trẻ có chính kiến hơn, nghĩa là bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên tham khảo nhưng không còn giữ vai trò quyết định cuộc đời con cái.
Trước thực trạng nhiều người trẻ mang “tiếng xấu” là vô tâm với gia đình, Linh Chi bộc bạch: “Bây giờ cuộc sống mưu sinh ngày càng vất vả, nhiều người trẻ phải vươn ra môi trường lớn để phát triển bản thân, không thể dành nhiều thời gian bên người thân. Điều đó không chứng tỏ chúng mình bất hiếu hay không. Bởi lẽ, mỗi người có cách thể hiện lòng hiếu thảo khác nhau, quan trọng nhất ở tấm lòng”.
Áp lực chữ “hiếu”
Xưa nay, chữ “hiếu” đã có sức nặng và là thước đo giá trị con người. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh đang vịn vào nó để cho mình quyền can thiệp sự riêng tư và tự do phát triển của con cái.
Bàn về gánh nặng của chữ “hiếu”, bạn Mỹ Linh (Đắk Lắk) tâm sự: “Mình tự cảm thấy may mắn khi có cả bố mẹ luôn ủng hộ và đồng hành trên chặng đường trưởng thành. Chưa bao giờ gia đình áp đặt suy nghĩ mà chỉ đưa ra lời khuyên để mình tham khảo”.
Còn với Linh Chi, cô nàng thú thật rằng, bố mẹ chưa được tâm lý và đôi khi tỏ ra lạnh lùng, nhưng họ vẫn tin tưởng những gì con mình lựa chọn. “Bố thường bảo: ‘Thích thì làm thôi, không hối hận là được’, nên mình không thấy áp lực một chút nào”.
Là người con lớn trong gia đình, Phương Thảo càng bận tâm hơn về câu hỏi: Liệu bản thân đang làm tốt bổn phận của một người con hiếu thảo hay chưa? “Đôi lúc mình khiến bố mẹ buồn vì chưa đủ bình tĩnh để thấu hiểu nỗi lòng bố mẹ. Nhưng rồi mỗi khi ngoảnh lại, mình vẫn thấy bố mẹ phía sau làm hậu phương vững chắc cho mình tiến bước”.
“Con đừng sợ điều gì cả, con thành công là điều bố mẹ rất đỗi tự hào, nhưng nếu con thất bại, mái nhà, bố mẹ và các em sẽ luôn dang tay ôm con vào lòng”, là những lời từ mẹ khiến Phương Thảo luôn xúc động khi nhớ về.
Ngày nào cũng là lễ Vu Lan
Dịp lễ Vu Lan năm nay nhằm ngày 30/8 Dương lịch (tức thứ 4) nên người trẻ vẫn đi học, đi làm bình thường. “Mình nghĩ lễ này không quá đặc biệt vì đối với mình. Ngày nào cũng là dịp để chúng ta làm tròn chữ hiếu. Nhưng mình cũng lên kế hoạch cùng em gái làm bánh bông lan kèm lời chúc yêu thương gửi đến ông bà, bố mẹ”, Linh Chi chia sẻ.
May mắn được sống gần bố mẹ, Phương Thảo dự định tự tay nấu một bữa cơm đơn giản cho gia đình. “Còn điều gì hạnh phúc hơn việc cả gia đình ấm áp quây quần bên nhau, cùng trò chuyện sẻ chia đủ mọi thứ trên đời”.
Về phần Mỹ Linh, cô nàng đành bỏ dở những dự tính ban đầu vì quê ở ĐăkLăk xa xôi. Nhưng bạn cũng kịp chuẩn bị một vài món quà nhỏ xinh gửi về tặng bố mẹ và không thể thiếu một cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe trao gửi lời yêu thương.
Các bạn trẻ trên đều đồng tình rằng, ngày lễ năm nay chứa đựng quá nhiều cảm xúc, bởi càng tự lập càng thêm thấm thía nỗi vất vả của bố mẹ và chữ “hiếu” lại thêm sức nặng. Giờ đây, Phương Thảo, Linh Chi và Mỹ Linh chỉ mong tốc độ trưởng thành của bản thân nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ.
Cuộc trò chuyện khép lại với đôi lời tâm tình của Phương Thảo: “Cảm ơn bố mẹ đã xuất hiện trong đời con. Thật may mắn vì trong mỗi khoảnh khắc yếu lòng, con luôn có bố mẹ kề bên; giúp con từ cô gái bé nhỏ năm nào sợ bóng tối, sợ đi xe đạp, không dám đi bộ qua đường, hay khóc nhè… đã có thể tự làm được nhiều điều trong cuộc sống”...
Lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung. Ngày này nhắc nhở mỗi người phải biết trân trọng những gì mình đang có, không quên bổn phận làm con, ghi nhớ công ơn sinh dưỡng của cha mẹ và làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. |