Hãi hùng cảnh sống chung với nghĩa địa
(Sóng trẻ) - Hình ảnh mà đa phần người dân tại con ngõ 68 đường Cầu Giấy đều biết đến đó là khu nghĩa địa nằm lọt giữa khu dân cư với các nhà cao tầng hiện đại. Việc chung sống dường như không có khoảng cách giữa khu dân cư với nghĩa trang như thế này khiến những ai biết đến đều không tránh khỏi bàng hoàng.
“Mở cửa là thấy nghĩa địa”
Khu dân cư nằm sâu trong ngõ 68, đường Cầu Giấy thuộc phường Quan Hoa. Việc hàng ngày người dân khu vực gần nghĩa trang dễ bắt gặp nhất đó là “mở cửa là thấy nghĩa địa”. Khi được hỏi từ đầu ngõ về khu nghĩa địa này thì đa phần người dân, sinh viên đều biết và chỉ đường một cách chính xác đến địa điểm được hỏi. Để thấy rằng, khu nghĩa địa này đã tồn tại từ lâu cùng với cuộc sống con người nơi đây.
Theo chị Tâm, một chủ nhà cao tầng tại khu vực nghĩa trang cho biết, khu nghĩa trang này tồn tại từ đây đã rất lâu và chuyện chung sống giữa khu vực người sống và mồ mả người chết sát nhau thế này đã trở thành một chuyện không lấy làm lạ!
Tập hợp hơn gần 200 ngôi mộ, có những ngôi mộ thuộc địa phận làng quan hoa, cũng có những phần mộ ở tận Từ Liêm (nơi cách xa làng Quan Hoa hàng chục km) được chôn cất tại đây. Các khu mộ được xếp đặt không theo một trật tự nào, nằm lộn xộn và san sát nhau, có những khu mô nằm “tựa”vào tường của nhà dân đang sinh sống. Có những khu mộ còn nằm tràn ra cả khu vực đi lại. Hơn nữa, đến đây, sẽ không khó bắt gặp cảnh đường đi của người dân nằm bao quanh hai bên là hai phần mồ mả.
Nằm lọt giữa khu dân cư, tại đây có hơn 200 ngôi mộ được thờ cúng
Đối với những người lần đầu tới đây thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sợ sệt, bạn Hưng, sinh viên Học viện Báo chí chia sẻ cảm xúc khi lần đầu đặt chân tới khu nghĩa trang này: “Cảm giác rợn ngợp, sợ hãi là cảm xúc ban đầu của tôi, tôi đang nghĩ đến việc qua khu nghĩa địa này vào buổi tối sẽ còn sợ hãi hơn nữa...”
Thế nhưng, với những người dân nơi đây lại thấy điều này dường như đã quá đỗi quen thuộc và xem như không có vấn đề gì kì lạ đang diễn ra xung quanh họ. Vẫn có khá đông khu nhà trọ được dựng lên đối diện với khu nghĩa địa, và tại đây, không khó để bắt gặp những sinh viên, những công nhân đang thuê trọ để hàng ngày “mở cửa là thấy nghĩa địa...”
Qua cuộc trò chuyện với một công nhân đang ở khu trọ gần đó, được biết: tại khu vực ngay sát nghĩa địa này có rất nhiều phòng cho thuê, giá sinh viên từ khoảng 1,2 triệu đến 1,4 triệu đồng mỗi tháng.
Khi được hỏi, tại sao lại chọn nơi đây để ở, người phụ nữ trẻ trả lời: “Thấy chỗ này gần chỗ làm, tiện cho đi lại và hai nữa, bản thân mình cũng không sợ sệt gì khi ở chung với nghĩa địa như hiện tại...”
Những biển hiệu treo cho thuê phòng trọ vẫn được treo trước cửa phòng
Những hê lụy về sức khỏe, tâm lí đáng báo động
Theo quy chuẩn mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định thì, khoảng cách tối thiểu giữa khu dân cư và nghĩa trang là 1,5 km đối với nghĩa trang hung táng; 5 km đối với nghĩa trang chôn một lần. Với khoảng cách này sẽ đảm bảo về sức khỏe cho nhân dân, vấn đề tâm lí và mĩ quan đô thị.
Thế nhưng, với khu nghĩa trang Quan Hoa này lại hoàn toàn trái ngược, khoảng cách giữa khu dân cư sinh sống với nghĩa địa được tính bằng mét. Theo quan sát kĩ lưỡng thì khoảng cách giữa khu nghĩa trang và khu dân cư là 1,5 đến 2m. Còn nếu nhìn sâu vào trong góc khu nghĩa trang thì giữa nhà dân và phần mồ mả được tính bằng centimet mỏng manh.
Khoảng cách giữa khu dân cư với nghĩa địa từ khoảng 1,5m - 2m
Việc người dân nơi đây bình thản với cách sống này mà lãng quên đi những hệ lụy về sức khỏe, tâm sinh lí là một điều đáng báo động.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thu Hà, hiện đang công tác tại trung tâm Phát triển Y tế cộng đồng, cho biết: "Việc nghĩa trang nằm trong khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là nguồn nước và không khí. Khu nghĩa trang thuộc đối tượng cách ly đặc biệt, bởi nó mang rất nhiều các mầm bệnh nguy hiểm có thể lây lan bất cứ lúc nào, nhất là bệnh về hô hấp của trẻ nhỏ và người già”.
Biểu hiện của các căn bệnh này không rõ rệt vào ngày một, ngày hai mà dàn trải trong thời gian dài, đến khi phát hiện ra bệnh thì thường đã rất nặng.
Người dân phơi đồ áo ngay trước khu nghĩa địa
Một vấn đề nữa cũng được bác sĩ Hà đề cập đến, đó là, việc sống chung với nghĩa địa sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lí của trẻ nhỏ, khi nhìn thấy những khu mộ sẽ ít hay nhiều làm cho các trẻ sợ sệt, lo lắng thậm chí còn bị chấn động tâm lí vì quá sợ sệt...
Việc sống chung với nghĩa địa tại Phường Quan Hoa đã từ lâu với người dân khu vực này trở nên quá đỗi bình thường, hàng ngày họ vẫn mở cửa ra là thấy nghĩa địa, cứ ra ngõ là thấy nghĩa địa. Thế nhưng, theo cái cách mà người dân nơi đây sinh sống lại cho thấy rằng, họ đang quá chủ quan sống trên những hệ lụy về sức khỏe, tâm lí khi phần đất người sống và người đã khuất không còn sự tách bạch.
Bài và ảnh: Đoàn Bổng
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận