Inflame 2025: Sáng tạo “sắc gấm” qua những âm hưởng văn hóa nghệ thuật
Sóng trẻ - Tối 24/2, tại Đại học FPT Hà Nội, sự kiện thời trang “INFLAME 2025: Âm Sắc Gấm” chính thức diễn ra. Chương trình mang tới một không gian đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật, cùng với các xu hướng thời trang hiện đại và đầy sức hút.
INFLAME là một sự kiện thường niên do Branche - FPTU Fashion and Model Club tổ chức cùng với sự hợp tác và giúp đỡ từ “Phòng hợp tác quốc tế và phát triển cá nhân ICPDP”. Không chỉ dừng lại với việc tạo ra sàn diễn runway chuyên nghiệp cho những người mẫu trẻ tài năng, INFLAME còn là nơi các nhà thiết kế quảng bá các thiết kế của mình cũng như rèn luyện các kỹ năng làm việc trong sự kiện thời trang chuyên nghiệp.
Sau 2 mùa tổ chức, INFLAME 2025 trở lại với chủ đề “Âm sắc gấm” mang ý nghĩa sự kết hợp tinh tế các yếu tố “âm”, “sắc” và “gấm”. Với chủ đề mang hơi hướng cung đình thời Nguyễn, INFLAME 2025 mang tới một không gian thời trang kết hợp giữa nghệ thuật phi vật thể truyền thống và phong cách dân gian đương đại.

Tại đây, sự kiện, INFLAME 2025 có sự góp mặt của bà Nguyễn Hà Thành - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Tổ chức giáo dục FPT, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Phát triển Cá nhân ICPDP Trường Đại học FPT Hà Nội; bà Phạm Tuyết Hạnh Hà - Trưởng ban Công tác học đường tổ chức giáo dục FPT, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học FPT FPT Hà Nội; thầy Lưu Văn Hùng - Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất Trường Đại học FPT Hà Nội, cùng với sự tham gia và góp mặt của các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật và thời trang.
Phát biểu tại sự kiện, Vũ Khánh Linh - Trưởng ban Tổ chức INFLAME 2025 cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào: “Tôi, cũng như toàn bộ đội ngũ thành viên ban Tổ chức, đều luôn cố gắng hết sức mình cho sự kiện INFLAME 2025. Đồng thời, chúng tôi mong muốn INFLAME không chỉ là một sân chơi nuôi dưỡng niềm đam mê của các bạn sinh viên với thời trang mà còn làm tăng thêm tình yêu của các bạn trẻ đối với nghệ thuật văn hóa dân tộc”.

Buổi biểu diễn bao gồm 3 hồi: Ngút ngàn - Lúng liếng - Mộng mị. Mỗi phần trình diễn lại mang tới các màu sắc khác nhau, kết hợp cùng với không gian nghệ thuật truyền thống đặc sắc, mang tới những khoảnh khắc mãn nhãn.
Mở màn chương trình là Hồi 1: “Ngút ngàn”. đem tới một hành trình tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên cùng với sự hội tụ của những thanh âm văn hóa. Các thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên rừng núi, kết hợp cùng với chất liệu, đường nét độc đáo đã khắc họa lên bản sắc dân tộc rõ nét qua từng đường kim mũi chỉ.


Không chỉ mang lại một không gian hòa hợp giữa nét đẹp tự nhiên và văn hóa truyền thống, Hồi 2: “Lúng liếng” lại là nơi tô điểm cho sự duyên dáng, tài hoa của người phụ nữ Việt qua các bộ sưu tập mang đậm dấu ấn dân tộc. Những bộ trang phục xưa được khéo léo điểm thêm những đường nét đương đại, tạo nên một không gian đầy xưa cũ hòa quyện cùng “hơi thở” hiện đại.

Cuối cùng, tại Hồi 3: “Mộng mị”, khán giả được thưởng thức phần biểu diễn mang nét đẹp huyền bí, khi diễn xướng chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” lại được kết hợp với các thiết kế thời trang. Điều này đã trở thành một sự kết hợp mới lạ giữa thời trang và văn hóa tâm linh, tạo nên một sàn runway ấn tượng và độc đáo.


Sự kiện là sự giao thoa giữa âm thanh của những làn điệu dân ca, những sắc màu của các tiết mục nghệ thuật, với thời trang qua lăng kính đương đại. Tất cả đều được gắn kết với sự tinh tế và sang trọng của “gấm”, biểu tượng cho sự quý phái và di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời, sự kiện cũng cho thấy được tài năng và sự sáng tạo của các bạn trẻ với văn hóa dân tộc.