Khi tri thức dần trở thành món hàng đa cấp
(Sóng trẻ)- Nếu trước đây các công ty đa cấp chủ yếu sử dụng các sản phẩm tiêu dùng như lô hội, máy lọc nước, các mặt hàng mỹ phẩm,… để kiếm “gà công nghiệp” thì giờ các loại hình đa cấp biến tướng tinh vi hơn, lợi dụng kiến thức và xem nó như là công cụ để “câu mồi”.
Kinh doanh đa cấp
Kinh doanh đa cấp (tiếng Anh: Multi-level Marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (Network Marketing), còn được gọi là bán hàng đa cấp: là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm đòi hỏi sự khôn khéo của người tham gia lôi kéo nhiều người vào mạng lưới và chấp nhận bỏ tiền sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, từ đó đem lại lợi nhuận cho người kinh doanh đa cấp. Đây là hoạt động bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.
Hiện nay ở nước ta, một số công ty đa cấp sử dụng phương thức kinh doanh kiểu này tiêu biểu như: Công ty TNHH Thương mại Lô Hội kinh doanh các sản phẩm chế biến từ cây nha đam (lô hội), Công ty TNHH Thường Xuân kinh doanh mỹ phẩm, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh các thiết bị gia dụng (máy lọc nước, máy rửa hoa quả…), Công ty TNHH Amway Vietnam bán các sản phẩm tiêu dùng (nước tẩy rửa, bột giặt,…).
Trong các công ty đa cấp tiêu biểu kể vừa kể trên, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là công ty được nhiều người biết đến và tai tiếng nhất với bài thơ bất hủ:
“Nếu chẳng may trên đường đời tấp nập
Ta bất thần lại gặp Thiên Ngọc Minh Uy
Thì đừng bỏ chạy hay ngại ngùng chi
Hãy ngẩng cao đầu, ném cái thùng phuy vào mặt”
Một chi nhánh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy
Ở nước ta hiện nay, các chi nhánh của công ty kinh doanh đa cấp xuất hiện nhiều hơn với nhiều hình thức kinh doanh biến tướng phức tạp hơn trước, trong đó việc sử dụng chất xám- một loại hàng hóa đặc biệt vào thị trường kinh doanh đa cấp theo dạng hình tháp ảo ngày càng phổ biến
Biến tướng hình tháp ảo
Hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp, trong đó, lợi nhuận không xuất phát từ việc giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới. Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng là sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền. Khi đó, các công ty hình tháp ảo, sử dụng thuật ngữ “đa cấp” ám chỉ việc những người khởi xướng và phát động hệ thống (nằm ở đỉnh tam giác- kim tự tháp) lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).
Dựa vào phương thức kinh doanh theo hình tháp ảo, các công ty kinh doanh tri thức, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tri Thức Cộng Đồng Việt- VICKO hoạt động dưới hình thức mua bán các khóa học Tiếng Anh và kỹ năng mềm
Kiếm “gà đi tìm tri thức”
Các hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp chung quy lại chủ yếu hướng vào đối tượng là sinh viên- những người trẻ tuổi, năng động, luôn muốn trau dồi kiến thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng, hoặc muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống, muốn làm giàu nhanh chóng... Với phương thức kinh doanh hình tháp ảo, lợi dụng việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều do thiếu kiến thức nền tảng, đó là Tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, đàm phán, thỏa thuận, kỹ năng xử lý tình huống,… không ít công ty kinh doanh trí thức đã dùng những môn học đó đánh vào tâm lý sinh viên, coi đó như là một phương tiện để tuyển tuyến dưới vào mạng lưới thành viên của mình.
Thông thường những khóa học kỹ năng, kiến thức đa cấp luôn có một giá “cắt cổ”, cao hơn giá thị trường gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí chất lượng những buổi học đó không thể xứng tầm với giá tiền mà ta bỏ ra.
“Gà” bị “cáo già” tha vì đâu?
Rất nhiều bạn sinh viên “có duyên” với đa cấp, tuy đã hiểu bản chất của kinh doanh đa cấp nhưng vẫn không thoát khỏi vòng vây của mạng lưới đa cấp giăng mắc mọi nơi.
Nhiều người sau khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cho rằng: bán hàng đa cấp là bán anh em, bán bạn bè, bán họ hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bán hàng đa cấp là bán đi niềm tin của mọi người dành cho chính mình. Khi sản phẩm đa cấp được bán ra với giá thành cao hơn giá thị trường mà chất lượng không đảm bảo, những khóa học giá “cao ngất trời” mà đội ngũ thầy cô giáo giảng dạy lại không đáp ứng được yêu cầu của người học, chất lượng không cao… thì người giới thiệu sẽ đánh mất uy tín của bản thân, đánh mất niềm tin từ mọi người mà bao lâu nay họ xây dựng được.
Việc dính phải đa cấp cũng vì thế do niềm tin mà sinh ra. Tin tưởng mù quáng có thể sẽ dẫn tới sai lầm. Niềm tin đặt lầm chỗ là nguyên nhân của tình trạng nhiều sinh viên “sa cơ lỡ bước” vào mạng lưới đa cấp. Tin tưởng những người thân là tốt, nhưng khi họ đã sống trong môi trường đa cấp thì hãy xem xét lại niềm tin đó vì họ đã bị những khái niệm viển vông: tiền tỷ, nhà tỷ, … bủa vây, u mê và thiếu tỉnh táo…
Tư tưởng muốn làm giàu chỉ dựa vào mối quan hệ của bản thân mà không dựa vào năng lực của bản thân cũng khiến một bộ phận người tham gia bị ngộ nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói để giành chính quyền thì: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Muốn làm giàu chân chính cũng vậy, bản thân cần phải nỗ lực, phải từng bước tiến hành, tránh nôn nóng, một bước lên mây, “giục tốc thì bất đạt”. Đó cũng là do nhận thức yếu kém và lệch lạc của nhiều bạn trẻ về những quy luật khách quan của thế giới duy vật biện chứng.
Cuối cùng và trên hết, do bản thân chính thiếu quyết đoán, thiếu bản lĩnh vững vàng nền không tránh được sức cám dỗ, mê hoặc của những lời “mật ngọt rót tai” của những “cao thủ bắn nước bọt”.
Tuy nhiên, suy cho cùng, mọi lý do đều xuất phát từ bản thân có muốn hay không mà ra. Chẳng ai có thể ép buộc chúng ta phải làm những điều chúng ta không muốn!
Phương Thu Hường
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận