Loạn… giấy khe
(Sóng trẻ) – Một lớp học có 40 em, nhưng có tới 38 em được nhận giấy khen. Thậm chí có những trẻ học lực trung bình, cô giáo vẫn tặng giấy khen để… động viên học sinh.
Thời điểm kết thúc năm học là thời gian cả phụ huynh và học sinh đều háo hức với “danh hiệu” mà con đạt được. Để con nỗ lực trong học tập, không ít phụ huynh đã treo giải lớn.
Tuy nhiên, trong thời “loạn giấy khen”, nhiều phụ huynh lo lắng liệu những danh hiệu đó có đánh giá đúng năng lực học tập của con. Chị Lê Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Thời xưa, phải học hành chăm chỉ lắm mới đạt được tấm giấy khen. Cả lớp có 50 học sinh thì chỉ có 2,3 bạn học sinh đứng đầu, học lực nổi trội mới được nhận. Giấy khen bấy giờ đáng trân trọng và tự hào lắm!
Thế nhưng hiện tại, có những học sinh như con của đồng nghiệp tôi, học lớp 4 rồi nhưng tính toán cộng trừ nhân chia vẫn chưa thuần thục. Vậy mà cuối năm vẫn được nhận giấy khen của trường. Thế mới biết giấy khen bây giờ mất giá trị quá!”
Bên cạnh những tấm giấy khen về thành tích học tập, phụ huynh còn chóng mặt với những loại giấy khen danh hiệu như “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, “Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học” hay “Có tinh thần tương thân tương ái”... Thậm chí phụ huynh còn tỏ ra bức xúc với những tờ giấy khen chung chung “Hoàn thành tốt các môn học” vì hoang mang không biết con hoàn thành tốt môn gì, đạt ở mức độ nào?
Các loại giấy khen
Chị Hoàng Huyền (Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 4 bức xúc: “Giấy khen chỉ mang tính hình thức như hiện nay khiến tôi không thể biết con mình mạnh điểm nào, yếu điểm nào, có những năng lực gì. Giá trị của giấy khen quá nhẹ”.
Tình trạng phần lớn học sinh trong lớp nhận giấy khen, một số em thậm chí nhận vài loại giấy khen không còn hiếm kể từ khi việc xếp loại xuất sắc, giỏi, khá. Trước tình trạng giấy khen, danh hiệu khen thưởng tràn lan, nhiều người nhận định, hiện tại, giấy khen dùng để phát chứ không phải trao tặng.
Câu chuyện loạn giấy khen cũng gây ra không ít tình huống dở khóc dở cười. Một số phụ huynh chỉ căn cứ danh hiệu con nhận được mà không bỏ thời gian tìm hiểu lực học thực sự của con. Thấy giáo viên nhận xét “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “giỏi toàn diện”, phụ huynh mặc định là con đã tốt và vô tư đi khoe với bạn bè. Tuy nhiên, trong thực tế, lực học của con lại không được như trên tấm giấy chứng nhận.
Hiện nay, để học sinh có giấy khen là điều vô cùng dễ dàng. Bởi lẽ, điều 16 của Thông tư 30 quy định về khen thưởng thể hiện quan điểm khuyến khích giáo viên khen học sinh. Thông tư có ghi rõ: “Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung như phẩm chất, năng lực và thành tích sau đó lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen”.
Điều đó giải thích vì sao lớp học có 35 em thì có tới 33 em có giấy khen. Và nếu đúng tinh thần của Thông tư 30 thì “tội gì” mà không khen khi nhận giấy khen học sinh vui, giáo viên vui và phụ huynh cũng vui.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận