Người Hà Nội trải nghiệm Trung thu xưa
(Sóng trẻ) - Đến với chương trình “Sắc màu trung thu” năm nay tại bảo tàng Dân tộc học, các em nhỏ có cơ hội tự tay làm những món đồ chơi truyền thống hay tham gia các trò chơi dân gian bổ ích, vui nhộn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, trung thu nay cũng mất dần đi những nét đẹp truyền thống. Không còn những chiếc đèn lồng, đèn ông sao mà bố mẹ tự tay làm cho con, thay vào đó là những món đồ chơi Trung Quốc đắt tiền, hào nhoáng. Các em chỉ còn biết tới trung thu xưa qua lời kể của ông bà, cha mẹ; và người lớn chỉ còn hoài niệm về trung thu xưa trong ký ức.
Bởi thế, cứ vào mỗi dịp rằm Tháng tám, bảo tàng Dân tộc học lại tổ chức chương trình “Sắc màu trung thu” giúp các em hiểu hơn về nét đẹp truyền thống của ngày Trung thu, cũng như gợi lại trong lòng mỗi người lớn về một Trung thu xưa cũ. Không gian ấy được vẽ lên qua những màn múa lân, múa sư tử đặc sắc, mâm cỗ đầy ắp trái ngọt hoa thơm và cả những món đồ chơi truyền thống lấp lánh sắc màu.
Năm nay với chủ đề “Sắc màu văn hóa Bạc Liêu”, Ban tổ chức đã mang đến một không gian văn hóa đậm chất miền sông nước với điểm nhấn là màn trình diễn Lân sư rồng – Bạc Liêu và đờn ca tài tử. Nài ra, khách tham quan còn được thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng của vùng đất phương Nam như bánh tằm, mắm cá rô rút xương,…
Những tràng vỗ tay không ngớt của các bậc phụ huynh cùng các em nhỏ dành cho màn biểu diễn múa lân.
Chương trình đã rất thành công khi tái hiện lại được một không gian trung thu cổ truyền với tiếng trống cái, trống bỏi rộn ràng, những điệu múa lân đặc sắc,… tạo ra niềm vui cho các em cũng như là cơ hội để người lớn được trở về với tuổi thơ.
Bên cạnh những màn trình diễn nghệ thuật, các bậc phụ huynh và các em còn được tự tay làm ra những món đồ chơi truyền thống như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cù, nặn tò he, tiến sĩ giấy… Các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ gánh, nhảy dây, mèo đuổi chuột,… cũng được các em nhỏ hào hứng tham gia. Trong khu nhà Tày nơi tổ chức trò chơi ô ăn quan, một số các em nhỏ thích thú khi được bố mẹ dạy cách chơi, còn một số em lại đăm chiêu suy nghĩ nước đi của mình.
Em Nhật Anh, học sinh lớp 7, trường THCS Ngô Sĩ Liên kể: “Em được mẹ dạy chơi ô ăn quan khi học lớp 3. Em thấy trò này khá thú vị và phải suy nghĩ tính toán để ăn được nhiều nhất, em cũng thường xuyên chơi với em trai ở nhà”.
Em Nhật Anh (bên phải) cùng bàn “chiến thuật” với bạn
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, các em cũng đã có thể tự tay hoàn thiện chiếc đèn ông sao, đèn cù hay đèn con bướm của mình. Chị Ngọc Mai, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Bình thường không có điều kiện để làm nên tôi đưa các cháu đến đây để các cháu có cơ hội được tiếp xúc và tự tay làm ra đồ chơi truyền thống, biết thêm về văn hóa dân tộc, về sự tích Trung thu”. Món đồ chơi được yêu thích nhất là mặt nạ giấy bồi bởi các em có thể thỏa sức sáng tạo, tô vẽ hình các con vật hoặc các nhân vật dân gian như Bờm, chú Tễu,…
Các họa sĩ “nhí” tô điểm cho chiếc mặt nạ của mình
Chương trình Trung thu là cơ hội để các em nhỏ cũng như các bạn trẻ hiểu hơn về nét đẹp truyền thống, qua đó khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thu hút đông đảo công chúng tham gia và trải nghiệm nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc, đồng thời cũng góp phần khích lệ ý thức giữ gìn các giá trị di sản văn hóa về một Trung thu của những giá trị truyền thống khó phai mờ trong ký ức mỗi con người.
Người Hà Nội trải nghiệm trung thu xưa:
Nguyễn Trương Tiểu Phương
Lớp Báo chí đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận