Người nghèo có cần tự trọng?
(Sóng trẻ) - Liệu rằng, làm từ thiện chỉ đơn giản là cho những mảnh đời khốn khó được thêm một miếng ăn, có thêm một chỗ ngủ mà bỏ qua danh dự và lòng tự trọng của họ hay không?
Hiện nay, thực trạng "núp bóng từ thiện" để lừa gạt người nghèo, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng từ thiện để câu view, đánh bóng tên tuổi,... tràn lan trên mạng xã hội. Những ngày gần đây, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc với trường hợp làm từ thiện của Tiktoker Nờ Ô Nô với câu nói phản cảm "Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn". Dù đã bị lên án, thậm chí bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng Nờ Ô Nô vẫn tiếp tục lên clip từ thiện ở Thái Lan và nói lại câu nói cũ.
Câu chuyện của Nờ Ô Nô chỉ là một trong rất nhiều những cá nhân bất chấp mọi thứ, sẵn sàng chà đạp lên số phận của người nghèo để có thể đạt được những mục đích riêng tư. Điều đáng nói ở đây, khi chúng ta cho đi, không quan trọng chúng ta cho bao nhiêu, mà cách cho mới là điều đáng chú ý nhất.
Bên cạnh những sự việc gây bức xúc trên mạng xã hội, còn tồn tại rất nhiều những trường hợp làm từ thiện thiếu tính nhân văn. Nói đơn giản, trong các buổi trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường học, giáo viên đọc to rõ ràng họ tên của các em kèm theo mác “học sinh nghèo”. Liệu rằng, trước bao nhiêu ánh mắt của thầy cô, bạn bè đồng trang lứa, các em nhỏ có thật sự thấy vui khi nhận món quà đó hay không?
Thực tế, người nghèo đói cần đến sự trợ giúp của xã hội. Đó không phải là cần bạn quẳng cho họ một mẩu bánh mì, một chai nước suối; cái họ cần là sự chia sẻ, sự cảm thông từ tấm lòng bao dung, nhân ái của mọi người.
Tôi cảm thấy vô cùng xúc động trước những bữa cơm với giá 1000đ, 2000đ. Đó là những hành động mang tính nhân văn cao cả. Khi ấy, họ không đến để xin ăn, họ không cần chứng minh hoàn cảnh mình nghèo khó. Ngược lại, nếu như cần hỗ trợ mà phải đưa ra những giấy tờ chứng minh, có phải ai cũng có thể làm được điều đó hay không?
Chính vì vậy, khi cho đi, ta không nên nghĩ rằng mình là một tầng lớp cao quý hơn, chúng ta đang cứu giúp những người khốn khổ mà bỏ quên danh dự của người nhận. Hãy làm từ thiện sao cho người nghèo không cảm thấy xấu hổ, không cảm thấy mình đang mất đi danh dự của bản thân. Chỉ khi ấy, việc làm từ thiện mới thật sự có ý nghĩa.
Không thể nói “nghèo đói phải chấp nhận”. Họ cần vật chất để tồn tại qua ngày nhưng họ cũng cần tự trọng, danh dự để sống tiếp.