Người thợ tiện cuối cùng của “phố mộc”
(Sóng Trẻ) - Phố Tô Tịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trăm năm trước san sát những cửa hàng tiện gỗ, gắn liền với tiếng đục đẽo cưa bào vang khắp ngõ ngách. Thế nhưng, giờ đây “phố mộc” đã biến mất, nghề thợ tiện mai một dần. Duy chỉ còn ngôi nhà số 7 của anh Lê Đình Thắng vẫn cố gắng giữ nghề.
Trong căn phòng chật hẹp, đầy bụi và gỗ chỉ vẻn vẹn 20m2, anh Lê Đình Thắng (phố Tô Tịch, Hà Nội) hàng ngày vẫn miệt mài tỉ mỉ với những sản phẩm gỗ thủ công.
Theo ký ức của anh Lê Đình Thắng, từ thời cụ thân sinh ra anh, Tô Tịch vẫn được mệnh danh là “phố mộc” bởi nghề tiện nổi tiếng khắp đất kinh kỳ. Cửa hàng số 7 Tô Tịch hiện anh đang làm là cửa hàng “cha truyền con nối” của gia đình. Năm 1988, anh Thắng đi bộ đội về, bắt đầu theo học nghề từ bố. Anh Thắng cho biết, nghề tiện cần sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, ngay chính bản thân anh cũng phải mất gần một năm học nghề mới cho ra được những sản phẩm ưng ý nhất.
Ảnh 1 – Nghề thợ tiện cần sự khéo léo, tỉ mỉ và sự tập trung rất cao.
Gần 30 năm trong nghề, anh Thắng luôn cố giữ bằng được những nét riêng tỉ mỉ và đầy khéo léo cho dù những sản phẩm gỗ thủ công không còn thời thượng và được ưa chuộng nữa. Người thợ tiện tâm sự: “Ai cũng hỏi tại sao không chuyển nghề, không kinh doanh buôn bán để kiếm lời lãi cao hơn. Nhưng khó trả lời lắm. Một phần cũng vì lời hứa với ông cụ, nhưng nhiều khi cái nghề cũng là cái nghiệp, cái duyên. Mình làm nghề này, cũng coi như là làm đẹp cho đời.”
Hiện nay, anh Thắng ít làm hàng bán hàng loạt mà chỉ nhận gia công những mặt hàng đặc biệt theo yêu cầu của các vị khách hàng đơn lẻ. Giờ thời thế thay đổi, xã hội hiện đại, nghề tiện ít được ưa chuộng, anh Thắng trở thành người thợ tiện cuối cùng của “phố mộc” nổi tiếng xưa kia.
Cửa hàng của anh Thắng chủ yếu nhận làm chao đèn ngủ, khung rèm cửa, đồ thờ, con tiện cầu thang và một số vật dụng bằng gỗ khác.
Hai cô con gái của anh không mấy mặn mà với nghề cha ông, lại không tìm được học trò truyền nghề, người thợ chia sẻ: “Nghề thủ công nên vất vả lắm, có khi làm được một cái đĩa gỗ nhỏ để thờ cũng phải mất nửa ngày trời. Mấy năm gần đây tôi làm cũng chẳng được lời lãi bao nhiêu. Cố gắng giữ được nghề cha ông ngày nào hay ngày ấy thôi. Có lẽ mình cũng sắp đến lúc hết thời rồi…” - Có nhiều người nói về từ “hết thời” với đủ loại cảm xúc buồn bã, đau xót, tiếc nuối. Nhưng trong lời nói của người thợ lặng lẽ ấy, chỉ có chút buâng khuâng chứ không tiếc nuối.
Anh Lê Đình Thắng vẫn miệt mài, tỉ mỉ và yêu công việc của mình.
Vẫn với quan niệm “làm đẹp cho đời”, vẫn với đôi bàn tay khéo léo, đầy tỉ mỉ ấy, người thợ tiện của phố Tô Tịch hàng ngày vẫn cần mẫn làm ra những sản phẩm gỗ thủ công, nâng niu chúng, tựa như nâng niu trong lòng một chút gì đó còn sót lại về một Hà Nội xưa cũ, một Hà Nội cổ kính và nguyên sơ.
Hà Linh – Hiền Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận