Nhiều người trẻ lựa chọn đi làm vào dịp lễ Quốc khánh
(Sóng trẻ) - Dịp nghỉ lễ, không nghỉ ngơi, về quê hay đi du lịch, nhiều người trẻ chọn đi làm để tăng thêm thu nhập hay đơn giản là vì trách nhiệm.
Quốc khánh 2/9 là một trong những ngày lễ lớn ở nước ta, đây không chỉ là dấu mốc quan trọng về lịch sử mà còn là cơ hội cho mọi người thư giãn, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cùng gia đình, bạn bè. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ chấp nhận bỏ ngày nghỉ để tiếp tục “cày cuốc” công việc.
Lương gấp 3 lần: Tranh thủ kiếm thêm
Vừa đỗ đại học, với khoản học phí cao cùng nhiều chi phí phát sinh, Thanh Tùng (18 tuổi) quyết định xin đi làm sale ở một công ty để đỡ một khoản tiền cho bố mẹ. Cách nhà gần 20 cây số, Thanh Tùng (18 tuổi) vẫn đều đặn lên văn phòng từ sớm để làm việc kể cả ngày nghỉ lễ. “Do đặc thù công việc nên nếu nghỉ làm, mình sẽ mất khách hoặc không đủ doanh số. Vì vậy mình vẫn cố gắng làm để có thu nhập ổn định”.
Từ lúc đi làm, chàng trai trẻ ít có thời gian dành cho gia đình, bạn bè hơn. Khi chia sẻ về lý do không nghỉ để đi chơi, Tùng tin tưởng vào quyết định của mình, chấp nhận từ chối các buổi hẹn với bạn vì làm vào những ngày này, mức lương cao gấp ba so với bình thường giúp bạn tích luỹ được số tiền lớn hơn trong khoảng thời gian ngắn.
Cũng giống như Tùng, Quyết Thắng (20 tuổi, nhân viên cửa hàng tiện lợi) quyết định ở lại Thủ đô làm việc để nhận gấp 3 lần lương ngày thường. Chia sẻ với phóng viên, Thắng cảm thấy áp lực khi mỗi lần về bị nhiều người hỏi chuyện lương tháng. “Dù hơi tủi vì thấy bạn bè đồng trang lứa đi chơi vui vẻ bên người thân còn mình thì vẫn cặm cụi bán hàng, nhưng mình quyết tâm làm để kiếm thêm thu nhập cũng như phục vụ cho mục tiêu đổi điện thoại của mình sắp tới”, chàng trai cho biết thêm.
Có thể thấy, kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cũng như không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ là tâm lý của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Với họ, những người như Tùng hay Thắng, ngày lễ này là khoảng thời gian cần tận dụng làm việc giúp tranh thủ nhận “món hời”.
Làm việc vì trách nhiệm
Bên cạnh những ngành nghề, công việc được hưởng trọn vẹn ngày nghỉ lễ, không ít người lao động trẻ vẫn âm thầm với công việc vốn có của mình. Bạn Phạm Như Hùng (26 tuổi, làm điều dưỡng) đã quen với việc ngày lễ không được nghỉ: “Mấy năm đầu, nhìn các gia đình khác, hội bạn bè đi chơi với nhau còn bản thân lại phải dậy sớm đi làm, mình đã từng rất buồn. Còn bây giờ, khi trải qua nhiều rồi, thay vỉ tủi thân, mình cảm thấy đây là trách nhiệm phải làm để chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Vào những ngày thiêng liêng của đất nước, Tết Độc lập 2/9, dù không được nghỉ ngơi nhưng chàng trai trẻ tự hào với công việc điều dưỡng và vui vì được đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng đất nước. “Người dân có thể nghỉ nhưng nếu đội ngũ y, bác sĩ cũng vậy, sẽ không ai lo cho mọi người vào những trường hợp khẩn cấp. Do đó, mình chấp nhận làm để phục vụ nhân dân và sẽ cố gắng hết sức vì sức khỏe cộng đồng”, Hùng bày tỏ tình yêu với đất nước và công việc.
Gác lại những nỗi niềm riêng, mỗi người lao động đều đang cố gắng không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn vì trách nhiệm với doanh nghiệp, với xã hội. Có lẽ, chuyện đi làm hay nghỉ lễ cũng không còn là điều quá bận tâm, khi ngày thường người ta vẫn có thể nghỉ và ngày lễ có công việc vẫn phải làm. Quan trọng, những người trẻ như Tùng, Thắng hay Hùng cảm thấy vui và yêu thích với công việc cũng như tin tưởng vào lựa chọn của bản thân.