Nhức nhối nạn phân biệt vùng miền trên nền tảng Tiktok
(Sóng Trẻ) - Những ngày gần đây, thực trạng phân biệt vùng miền xuất hiện tràn lan trên Tiktok. Đáng buồn hơn, “vấn nạn” này nhận được sự hưởng ứng của nhiều người và được sử dụng như một trào lưu mới.
Phân biệt vùng miền luôn là vấn đề nhức nhối, không ngừng bị xã hội lên án và đưa ra các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có thể coi “vấn nạn” này là một căn bệnh, bởi nó không biến mất hoàn toàn, mà âm thầm tồn tại và có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Những cuộc “xung đột” trên không gian mạng
Trước đây, phân biệt vùng miền chỉ thể hiện qua các hành động, lời nói, thái độ khi tiếp xúc với nhau ngoài cuộc sống, nhưng những năm gần đây, chúng xuất hiện cả trên các nền tảng mạng xã hội. Mới đây, trên nền tảng Tiktok, vấn đề này gần như là “trend” khi những comment “Parky” xuất hiện với tần suất cao và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.
Những video, hình ảnh có nội dung bày tỏ quan điểm hay lối sống khác biệt, hoặc đơn giản chỉ là nội dung về đời sống hằng ngày, cũng có thể trở thành nơi diễn ra tranh cãi.
Được biết, vụ việc này bắt nguồn từ một tài khoản Tiktok có tên là Vũ 21, người này đã đăng tải video so sánh môi trường làm việc ở miền Bắc và miền Nam, nhưng có sự khác biệt lớn. Nội dung video không khác nào một ngọn lửa “châm ngòi” cho “vấn nạn” phân biệt vùng miền. Hiện tại, Vũ 21 đã bị Tiktok xóa tài khoản.
Đây không phải là lần đầu tiên trên mạng xã hội xảy ra vụ việc như trên. Phân biệt vùng miền tồn tại ở khắp mọi nơi, nhiều người dựa vào giọng nói, dân tộc hay quê hương để thể hiện thái độ với nhau. Trước đó, đã nhiều lần cộng đồng mạng “dậy sóng” vì những trường hợp tương tự.
Cần sử dụng biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Phân biệt vùng miền không phải là một hiện tượng mới, đây là một vấn đề phổ biến trong xã hội cả trong nước và quốc tế. Hành động này gây ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc, có thể bị xử lý theo quy định của Pháp luật. Tại điều 5 trong Hiến pháp 2013 đã quy định rõ “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt vùng miền không có dấu hiệu suy giảm.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lưu Huyền Trang (giảng viên khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Nguồn gốc của hiện tượng này xuất phát từ chính bản chất của sự hình thành văn hóa, mỗi nền văn hóa dưới tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau thì luôn có sự khác biệt. Nhưng sự khác biệt đó không bao hàm sự cao thấp về trình độ phát triển, mà chỉ nói lên tính đặc thù.
Tuy nhiên, vì đây là một hiện tượng phổ biến và ăn sâu vào tư tưởng người dân Việt Nam từ lâu đời, nhất là lại có điểm tương đồng với tính tự trị, khép kín của cư dân nông nghiệp xưa đó, để khắc phục là một vấn đề không dễ”.
Bên cạnh đó, TS. Lưu Huyền Trang đã đưa ra một số giải pháp có thể thực hiện kiên trì để hạn chế “vấn nạn” phân biệt vùng miền như: đưa vào nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục tiểu học những bài học về sự bình đẳng, về giá trị của sự đa dạng trong cuộc sống.
Ngoài ra, TS. Lưu Huyền Trang nhấn mạnh cần thực hiện các hoạt động truyền thông về tấm gương người tốt, việc tốt, vượt khó hay điển hình từ nhiều vùng miền khác nhau để giảm dần sự phân biệt; giáo dục ứng xử trong gia đình, nhà trường về thái độ tôn trọng những người khác biệt, đối xử, xúc phạm cá nhân…