“Sống tốt với nghề báo” và những bài học thú vị
(Sóng trẻ) - Những người làm báo có thể đọc rất nhiều kiến thức lý thuyết về nghề ở nhiều cuốn sách khác nhau nhưng trong cuốn “Sống tốt với nghề báo” của tác giả Benjamin Ngô là một luồng gió mới đem đến nhiều điều bổ ích.
Benjamin Ngô là bút danh của nhà báo Ngô Bá Nha, hoạt động báo chí từ năm 1997 tại các báo Người Lao Động, Phụ nữ, Sài Gòn Tiếp Thị, Thế Giới Văn Hóa,… Một số tác phẩm nổi bật của ông đó là Thị dân 3.0, Phóng vấn báo chí, Ngôn ngữ trái tim, Viết trên cát,… và tất nhiên không thể không kể đến “Sống tốt với nghề báo” của NXB Hồng Đức, 2016.
Những góc nhìn thú vị
Nếu chúng ta seach trên ogle “Nghề báo là…” thì sẽ có rất nhiều gợi ý rằng Nghề báo là nghề khắc nghiệt, nghề báo là nghề nặng nhọc và nguy hiểm, nghề báo là rủi ro và định kiến,… điều đó không hề sai nhưng nếu cứ nhìn nhận ở góc độ như vậy thì sẽ chẳng còn mấy ai theo nghề báo.
Chúng ta phải làm gì để tiếp tục công việc khó khăn vất vả ấy? Có lẽ câu trả lời nằm trong “Sống tốt với nghề báo”. Tác giả Benjamin Ngô đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm cá nhân để người đọc thấy được sự thú vị khi làm báo.
Cuốn sách được chia thành 4 phần: Được mất của nghề báo là gì?, Cái dũng của người làm báo, Nhà báo và…tiền, Những bài báo ưng ý. Trong đó cả 4 phần không hề có những kiến thức giáo điều mà thay vào đó là những trải nghiệm cá nhân, một số bí quyết để các bạn trẻ mới ra trường có thể sống tốt, sống vui với nghề báo và có điều kiện nuôi dưỡng khát vọng cùng ngòi bút.
Cuốn sách “Sống tốt với nghề báo” với nhiều bài học bổ ích
Trong phần đầu tiên tác giả đề cập đến những vấn đề rất gần gũi, chân thực của nghề báo. Đó là những cái được và mất của nghề để từ đó người đọc có cái nhìn toàn diện về công việc của một nhà báo. Cách tác giả xưng “tôi” khiến cho độc giả thấy như mình đang được nghe kể chuyện, những câu chuyện hết sức chân thực mà có thể chính họ cũng đã từng trải qua khi làm nghề.
Phần hai là “Cái dũng của người làm báo”. Đó là câu chuyện về những tình huống khó khăn, dở khóc dở cười, những lần sơ ý, những sai lầm mà người làm báo hay mắc phải. Phần ba là vấn đề có khá nhiều người né tránh đó là “ Nhà báo và tiền”. Tại đây tác giả đã không ngần ngại đưa ra những góc khuất của nghề trong đó có cả những trường hợp do chính tác giả chứng kiến. Cuối cùng phần kết thúc là “Những bài báo ưng ý”.
Bốn phần trong cuốn sách là bốn góc nhìn khác nhau được kể lại chân thực, hóm hỉnh và ý nghĩa.
Bài học ý nghĩa cho người làm báo
Trong cuốn sách, tác giả Benjamin Ngô đã không ngần ngại nhắc đến những vấn đề nhạy cảm như nhà báo và tiền, nhuận bút và phong bì, góc tối của nhà báo cho đến việc sinh tử nghề báo và cả cái dũng của người làm nghề. Rất nhiều màu sắc khác nhau, rất nhiều bài học thú vị bổ ích được tác giả mang đến.
Nếu đọc và suy ngẫm mỗi độc giả sẽ đều rút ra cho mình được những bài học quý giá. Đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn sinh viên mới ra trường có thể rút ra bài học để sống với nghề mà không bao giờ phải hổ thẹn vì bẻ cong ngòi bút, để lương tâm mình thanh thản, dù có nhiều biến cố, khó khăn trở ngại thì vẫn háo hức khi gặp nhân vật hay, nghe một câu chuyện thú vị và niềm vui khi thấy bài báo của mình nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Đặc biệt là không thấy không thấy phí hoài những năm tháng tuổi trẻ sống với nghề báo.
Dưới ngòi bút của tác giả Benjamin Ngô, những chủ đề trong cuốn sách này được diễn giải chân thực, thú vị dưới nhiều góc và gợi mở suy nghĩ cho người đọc về những bài học quý giá khi bước chân vào nghề báo.
Nguyễn Thị Kỳ Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận