Tết Nguyên đán ở Mỹ của du học sinh Việt
(Sóng trẻ) - Với các du học sinh xa xứ, Tết Nguyên đán là một ngày bình thường như bao ngày khác, họ vẫn phải đến trường trong nỗi nhớ da diết về quê nhà.
Tết Nguyên đán là dịp để mỗi người Việt Nam tạm thời gác bỏ lại những bộn bề, áp lực, lo toan của cuộc sống trở về đoàn tụ bên gia đình, người thân cùng nồi bánh chưng xanh, mâm cơm ngày Tết. Nhưng đối với các du học sinh Việt, Tết Nguyên đán họ vẫn đi học, đi làm như bao ngày khác. Nhân dịp năm mới cận kề, mỗi du học sinh Việt đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau về cuộc sống ở Mỹ.
Bạn Nguyễn Thị Hương Giang, 20 tuổi, du học sinh tại Mỹ chia sẻ: "Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, mình đều tranh thủ gọi điện về cho gia đình để xem nhà mình chuẩn bị những gì, thay đổi như thế nào? Bởi mình nhớ cái Tết ở Việt Nam đầm ấm lắm, mọi người sẽ dành thời gian ở bên gia đình còn bên Mỹ, nhà nhà thường đi ra nài đường hơn là ở nhà”.
Quen thêm những người bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà của các du học sinh Việt
Bạn Đặng Thị Mai Khuê, 20 tuổi, du học sinh tại Mỹ lại có một cảm xúc khác: “Vì không đón Tết Nguyên đán nên với bản thân mình, mình cảm thấy ngày này cũng bình thường như bao ngày khác. Có lẽ vì bài tập trên lớp, đi làm thêm mỗi ngày cũng khiến mình vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng mình nghĩ không phải du học sinh nào cũng có cuộc sống và cảm xúc giống nhau. Với mình, 2 kỳ học đầu tiên mình sang đây chỉ thân với những người bạn Việt Nam thôi, phần lớn vẫn dành thời gian cho bản thân. Phải sang đến kỳ thứ 3 mới bắt đầu cởi mở hơn, có cả những người bạn bản xứ và nước nài nữa. Bây giờ nhìn lại, mình luôn cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì những gì đã trải nghiệm được tại nơi đây”.
Cuộc sống tại nơi xa xứ đã giúp cho các du học sinh khám phá được thêm nhiều điều mới, nhiều người bạn mới và hoàn thiện bản thân mình hơn
Các du học sinh đón Tết ở Mỹ theo dương lịch. Vào đêm giao mùa 31/12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đếm giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ, rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne” rồi tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà chung vui bên những người thân của mình suốt cả ngày như để bù đắp lại những tháng ngày bận rộn và mong chờ một năm mới đông đầy yêu thương hơn bên gia đình.
Tết Việt Nam đến, các du học sinh chẳng có hoa mai, cành đào hay bao lì xì mừng tuổi đầu năm. Nhưng những ký ức về hình ảnh Tết truyền thống của gia đình Việt vẫn còn in đậm mãi trong lòng của mỗi người con xa xứ. Họ vẫn dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng xanh, gọi điện về cho gia đình, cùng nhau làm các món ăn truyền thống, tổ chức buổi họp mặt nho nhỏ tổng kết năm cũ và đón năm mới.
Những điều tưởng chừng như đơn giản và nhỏ bé ấy cũng giúp cho cái Tết của du học sinh Việt trở nên ấm áp hơn, gần gũi hơn và ý nghĩa hơn trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Thùy Dương
Cùng chuyên mục
Bình luận