Thiêng liêng Tết Độc lập đối với thế hệ trẻ
(Sóng trẻ) - 78 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập nhưng niềm tự hào vẫn vẹn nguyên với mỗi thế hệ, đặc biệt là người trẻ.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù trong thời chiến hay thời bình, quá khứ hay hiện tại, cảm xúc thiêng liêng về ngày Tết độc lập từ thế hệ này sang thế hệ khác không bao giờ thay đổi. Trong đó, những người trẻ luôn một lòng hướng về Tổ quốc và nhận thức rõ ràng được trách nhiệm của mình trong việc kiến thiết đất nước.
Tự hào và biết ơn
“Cứ mỗi lần nhớ đến những năm tháng hào hùng của dân tộc, trong lòng mình lại trào dâng cảm xúc khó tả, biết ơn lớp người đi trước đã hiến dâng thanh xuân của mình để đất nước được bình yên”. Đó là chia sẻ của bạn Thiều Văn Khoa (Bí thư chi đoàn thôn 11, xã Trung Châu; Ủy viên BCH Liên chi hội khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa) khi bày tỏ cảm xúc về ngày Tết Độc lập 2/9.
Được sống trong thời bình, Khoa luôn trân trọng từng phút giây học tập, làm việc và được hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc mà bao thế hệ cha anh đã phải đổi bằng máu xương và nước mắt. Đó còn là sự tự hào về tinh thần đoàn kết chiến đấu, quyết tâm dành thắng lợi trước kẻ thù xâm lăng.
“Là một đoàn viên thanh niên, là thế hệ trẻ của đất nước, mình phải có trách nhiệm luôn học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức kĩ năng, rèn đức luyện tài, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và có trách nhiệm với quê hương, đất nước”, Khoa bộc bạch về trách nhiệm, tình yêu của mình dành cho Tổ quốc.
Cùng dòng cảm xúc giống Khoa, bạn Hà Dương (21 tuổi, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) xúc động: “Trong những ngày thiêng liêng của dân tộc, mình cũng như bao người con đất Việt khác đều mang một cảm giác bồi hồi, tự hào. Tự hào vì truyền thống vẻ vang và những chiến công oanh liệt của ông cha ta. Cùng với đó là cảm giác biết ơn đến những người lính Cụ Hồ đã ngã xuống vì Tổ Quốc, để mình có thể sống dưới bầu trời Việt Nam hoà bình như ngày hôm nay”.
Vào những ngày này, như thường lệ, Dương thường đi viếng Lăng Bác và tham quan các di tích lịch sử, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Theo chàng trai trẻ, không thể phủ nhận được rằng, đời sống hiện đại hơn khiến các bạn trẻ có suy nghĩ khác về Tết độc lập so với các thế hệ trước. Nhưng tinh thần yêu nước là một truyền thống, nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt. Vì vậy, Dương khẳng định, giới trẻ Việt Nam sẽ không bao giờ đánh mất đi niềm tự hào về lịch sử oai hùng của dân ta.
Viết tiếp trang sử vàng
Với những bạn trẻ như Khoa hay Dương, Tết Độc lập của dân tộc chính là một dịp ý nghĩa giúp thế hệ trẻ ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Vừa là một thủ lĩnh Đoàn, vừa là người học Tổ chức Sự kiện Văn hoá, Khoa luôn ý thức việc giữ gìn bảo tồn văn hoá, xây dựng đời sống tinh thần cho người dân cũng như tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để kiến thiết đất nước: “Tuổi trẻ dù ở bất cứ vị trí và hoàn cảnh nào cũng phải không ngừng phấn đấu và luôn tiến về phía trước. Là Bí thư Đoàn thôn 11, xã Trung Châu, mình luôn cố gắng để đưa ra nhiều sáng kiến, xây dựng mô hình hoạt động, định hướng cho đoàn viên thanh niên để phát triển địa phương”.
Còn với Dương, là người của lực lượng Công an nhân dân, Dương tự hào vì ngành được ví như một trong hai “thanh bảo kiếm” của Đảng, và chàng trai luôn nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc: “Mình luôn cố gắng học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, các cuộc thi và rèn luyện để trở thành người cán bộ công an vừa hồng vừa chuyên, phụng sự nhân dân”. Nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, chàng trai không về quê mà lựa chọn trực xuyên lễ, đảm bảo cho người dân có kì nghỉ vui vẻ, an toàn.
Cũng như 2 chàng trai, bạn Quỳnh Anh (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) luôn ý thức được vai trò của mình với đất nước, nguyện cống hiến sức trẻ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”: “Mình còn là sinh viên, chưa có đủ tài chính và nguồn lực để đóng góp những điều lớn lao nhưng vẫn đang cố gắng để xây dựng đất nước bằng việc tham gia công tác tình nguyện, giúp đỡ các hoạt động cho Đoàn Thanh niên nhà trường, địa phương và đi tình nguyện ở xa”. Là một sinh viên báo chí, cô gái hi vọng sẽ áp dụng ngành học của mình để tuyên truyền nhiều hơn nữa về tinh thần yêu nước cho các bạn trẻ, cung cấp thông tin chính xác phục vụ nhân dân và là một phần giúp góp sức cho quê hương, Tổ quốc.
Tuy không được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc nhưng qua những trang sách hay câu chuyện được kể lại, người trẻ hiểu hơn về những gì ông cha ta đã từng trải qua. Vì vậy, các bạn như Khoa, Dương, Quỳnh Anh và nhiều bạn trẻ khác luôn biết ơn, tự hào về chiến công oanh liệt mà các thế hệ trước giành được và cùng nhau viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.