Tinh hoa nghề mộc Thượng Mạo
(Sóng trẻ) – Cách trung tâm Hà Nội 16km, làng Thượng Mạo, Phú Lương, Hà Đông nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Ra đời từ thời nhà Nguyễn nhưng đến nay, làng mộc Thượng Mạo vẫn phát triển và là nơi cung cấp các sản phẩm làm từ gỗ cho cả nước.
Phát triển nghề truyền thống ông cha để lại
Nhắc đến Thượng Mạo, dân gian xưa có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” để nói về sự khéo léo, giỏi giang của người thợ làm mộc. Ở Thượng Mạo nhà nào cũng làm nghề mộc, bởi đây là nghề nuôi sống gia đình do ông cha để lại. Trải qua hàng trăm năm, nhưng đến nay làng vẫn giữ được những giá trị xưa cũ và phát triển trước nhiều đổi thay của xã hội. Rất nhiều sản phẩm đa dạng từ đồ mỹ nghệ, cầu thang, cửa gỗ, tủ đồ đến bàn thờ gia tiên được sản xuất tại Thượng Mạo. Khách đặt hàng đến từ nhiều vùng miền trên cả nước.
Chú Lê Văn Lựa đến với nghề từ khi học hết cấp 2, đến nay đã gắn bó với nghề gần 30 năm. Chú cho biết, gỗ ở làng Thượng Mạo chủ yếu là gỗ lim, gỗ gõ, gỗ sồi mua chủ yếu ở vùng Thạch Thất – nơi có đầu gỗ to đều, chắc và đẹp. Công việc làm mộc được anh thực hiện mỗi ngày để kịp giao hàng cho khách. “Làm mộc tạo ra nguồn thu nhập nhưng người thợ phải hít nhiều bụi gỗ, sơn hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng đây là cái nghề cha ông để lại nuôi sống gia đình nên mình phải yêu nó. Có yêu, có tâm huyết mới làm ra được những sản phẩm đẹp”.
Chú Lựa đang thực hiện công đoạn ghép ván để gân mõ. Đây là một trong những công đoạn quan trọng trong làm mộc ở Thượng Mạo
Điểm đặc biệt ở làng nghề Thượng Mạo chỉ làm theo khách đặt hàng, không bán như nài chợ. Ở những nơi khác người ta thường làm đại trà, chất lượng gỗ không cùng chủng loại, kĩ thuật mọng mẹo được bán với giá rẻ nhưng làng Thượng Mạo có những sản phẩm “độc nhất vô nhị” mà không nơi nào có được. Từng tấm gỗ được chú Lựa tỷ mỷ chọn lựa, cắt xẻ, lắp ráp chắc chắn để có được những sản phẩm đẹp, tinh xảo. Thời thế thay đổi, nài những bí quyết cha ông để lại, người làm thợ phải có tư duy sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu ngày nay.
Đục chạm – Cái hồn của nghề gỗ Thượng Mạo
Theo giới thiệu của chú Lựa, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Quang Dô – nổi tiếng với chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Là người có thời gian thâm niên 50 năm trong nghề, ông được nhiều người biết đến với những sản phẩm gỗ đẹp tự nhiên, tinh túy. Nghề đục chạm đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, đầu óc tư duy để biến mặt phẳng thành những hình ảnh chạm khắc có hồn.
Với bàn tay khéo léo, ông Dô tự mình thiết kế và đục chạm để tạo nên những sản phẩm gỗ cầu kì và chất lượng
Ông Dô cho biết, để có được sản phẩm đạt yêu cầu phải chọn gỗ tốt, đòi hỏi nhiều kĩ thuật khi đục chạm. Chọn gỗ phải chọn được gỗ có thâm niên, có độ cứng cáp, già dặn, phải óng không bị vặn. Tiếp đến, người thợ phải có tư duy phân bố số lượng hài hòa cho từng sản phẩm riêng, không phải nhất nhất chia theo tỷ lệ. Kĩ thuật lắp ráp đòi hỏi phải chắc chắn, đông đặc để những họa tiết vẽ ra hài hòa, đi sâu vào đường nét.
Xã hội phát triển, ngày nay nhiều gia đình làm đục chạm ở Thượng Mạo đã chuyển sang làm máy, nhưng ông Dô vẫn thực hiện công đoạn này hoàn toàn thủ công. Theo ông Dô, đục bằng máy nhanh hơn nhưng sản phẩm đại trà cái nào cũng giống nhau. Đục bằng tay rất khó, đòi hỏi nhiều kĩ thuật nhưng sản phẩm được nhiều người chuộng hơn. Người đục chạm phải kiên trì, tỉ mỉ trong từng chi tiết và coi sản phẩm như đứa con tinh thần. “Nghệ thuật làm ra cái đẹp rất khó. Đã theo nghề đục chạm này thì mình phải yêu. Một khi có tình yêu thì mọi khó khăn đều có thể dễ dàng vượt qua được”, ông Dô cho biết thêm.
Sự tâm huyết với nghề của ông Dô khiến chúng ta thêm tin tưởng nghề mộc Thượng Mạo sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa
Với tình yêu và sự tâm huyết với nghề của nhiều người dân Thượng Mạo như chú Lựa, ông Dô và nhiều hộ gia đình khác, làng Thượng Mạo đã và đang ngày càng phát triển. Hy vọng những thế hệ trẻ nơi đây nhận ra được tiềm năng của nghề làm mộc, nối nghiệp cha ông để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, để tiếng máy cưa, tiếng đục chạm vẫn rộn vang sánh vai với nhiều ngành công nghiệp khác.
Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận