Tọa đàm: “Vai trò của phụ nữ trong đổi mới và phát kiến khoa học”
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 17/3, Viện pháp tại Việt Nam, UN Women và Viện Nghiên cứu phát triển IRD phối hợp tổ chức tọa đàm “Vai trò của phụ nữ trong đổi mới và phát kiến khoa học” tại nhà Khánh tiết, Đại sứ quán Pháp.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân - người được vinh danh “Nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022”, bà Elisa Fernandez - trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, PGS. TSKH. Phan Thị Hà Dương - đại diện Trung tâm Toán Unesco - VAST và Quỹ VinIF, bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm SCDI, chuyên gia về HIV/AIDS, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và ông Edmond Dounias - đại diện IRD tại Việt Nam và Philippines.
Từ xưa đến nay, phụ nữ vẫn luôn là cộng đồng thiểu số trong lĩnh vực khoa học. Cho đến ngày nay, sự bất bình đẳng nhất định vẫn tồn tại giữa nam và nữ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc ngày nay phụ nữ đã được quan tâm và tạo điều kiện hơn về nhiều mặt. Đây cũng là cơ hội để phụ nữ có những đóng góp quan trọng về mặt khoa học, mang đến thay đổi lớn lao trong lịch sử loài người.
Nhằm tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc trên thế giới, quỹ L’Oreal-UNESCO đã vinh danh 15 nhà nghiên cứu khoa học tại 5 châu lục trong khuôn khổ giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” năm 2022. PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân là một đại diện Việt Nam được chọn vào danh sách này.
Các nhà khoa học nữ tài năng ấy đã giúp giải quyết những vấn đề chưa từng có liên quan đến biến đổi khí hậu và khủng hoảng y tế bởi đại dịch Covid-19, tạo nên những đổi mới nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới.
Tại tòa đàm, khán giả được lắng nghe những câu chuyện có thật từ cuộc đời của những nhà khoa học nữ, đó là hành trình vượt qua rào cản, vươn lên trước khó khăn và xây dựng một cuộc đời như mình mong muốn. Đồng thời, bày tỏ quan điểm đối với những định kiến mà phụ nữ ngày nay đang phải gánh lấy.
Trên thực tế, nhiều người cho rằng mang thai có thể trở thành rào cản đối với việc học tập và làm việc của phụ nữ thế nhưng “mang thai và sinh nở không có nghĩa là phải ngừng làm việc, ngừng học tập, ngừng nghiên cứu” - chia sẻ của bà Khuất Thị Hải Oanh.
Khi đề cập về vấn đề định kiến giới trong gia đình, diễn giả Khuất Thị Hải Oanh nhấn mạnh định kiến giới có hại cho tất cả mọi người, mọi giới. Đơn cử, trong trường hợp, định kiến giới cho rằng người phụ nữ chăm sóc con tốt hơn thì vô hình trung họ vừa gây áp lực cho nữ giới, cũng đang giới hạn quyền chăm sóc, gần gũi với con của nam giới. Không ít người quan niệm việc bếp núc, chăm lo gia đình thuộc về người phụ nữ; điều này cũng dẫn đến việc nam giới ít được học tập các kỹ năng này.
Bà Oanh cũng bày tỏ quan điểm rằng: “Phụ nữ, trước hết, phải tự quyết định cuộc sống của mình. Gia đình do mình xây dựng nên, người bạn đời của mình do mình lựa chọn, vai trò của mình trong gia đình cũng do mình xác định”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Elisa Fernandez - trưởng đại diện UN Women Vietnam cho biết: “Chúng ta đang trao cho phụ nữ quá nhiều trách nhiệm đặc biệt, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, phụ nữ cũng muốn dành thời gian cho gia đình, chăm sóc cha mẹ, chồng con,... Thế nhưng, phụ nữ cũng cần thời gian cho công việc của họ”.
Vì thế, cần tái phân bổ vai trò của phụ nữ, cần thiết kế các chính sách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực khoa học, giảm rào cản mang tính chất phân biệt đối với phụ nữ trong môi trường làm việc.
Bên cạnh đó, bà Elisa cũng bày tỏ niềm tự hào vì những người phụ nữ làm khoa học luôn toàn tâm vì công việc. Song bà cũng cho rằng họ cũng cần biết cách để làm giảm áp lực cho chính bản thân mình.
Trong khuôn khổ tọa đàm, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương chia sẻ: “Hạnh phúc trong cuộc sống không phải thứ có thể định nghĩa được, chỉ cần chúng ta cảm thấy hạnh phúc tức là hạnh phúc”. Dẫu phụ nữ làm khoa học hay làm bất kỳ ngành nghề nào khác cũng luôn cần được tạo cơ hội phát triển.
Tại tọa đàm, khán thính giả còn được lắng nghe câu chuyện của các nhà khoa học nữ như bà Valérie Verdier, Giám đốc điều hành IRD; bà Françoise Barré Sinoussi, Giải Nobel y học; Tiến sĩ Phan Thị San Hà; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân qua các đoạn video phỏng vấn.
Kết thúc buổi tọa đàm, các vị diễn giả giao lưu trực tiếp cùng khán giả với tinh thần cởi mở, nhân văn. Mỗi câu chuyện đã truyền đi thông điệp về sự nỗ lực, bền chí, đam mê đối với con đường nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, đồng thời tôn vinh Ngày Quốc tế Phụ nữ (Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế).