Tranh Tứ Quý - bốn mùa khí tiết thanh cao

(Sóng Trẻ) - Bộ tranh Tứ Quý thuộc dòng tranh dân gian Việt Nam, nằm ở nhóm tranh sinh hoạt cộng đồng. Tứ Quý thường được chọn để treo trang trọng ở phòng khách gia đình với ý nghĩa cầu cho một năm mới 4 mùa no đủ, an vui, khuyên răn con người sống có khí tiết. Nài ra, Tứ Quý còn được chạm khắc, tạo tác trên cánh cửa, bình gốm sứ, chậu hoa cây cảnh… 

Bộ Tứ Quý phổ biến nhất: Đào/Mai – Trúc – Cúc – Tùng 

Dân gian ta thường quen gọi bộ tranh Tứ Quý là “Tùng – Trúc – Cúc -  Mai” với 4 loại thảo mộc tượng trưng cho 4 mùa. Nhưng nếu để ý kĩ, nếu theo thứ tự “Tùng – Trúc – Cúc - Mai” đặt tương ứng vào 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì hoàn toàn không hợp lý, cây Tùng không thể tượng trưng cho mùa Xuân và cây Mai không thể tượng trưng cho mùa Đông. Có thể “Tùng, Trúc, Cúc, Mai” là cách gọi dễ nhớ theo vần điệu hoặc có thể do ảnh hưởng từ cách đọc chữ Hán từ phải qua trái.

Mỗi loại thảo mộc được chọn để xuất hiện trong bộ tranh Tứ Quý cần hội tụ những yếu tố như: Là loại thảo mộc đặc trưng riêng có cho mùa đó, có hàm ý biểu tượng cao đại diện cho đức tính quý báu của con người, có giá trị thẩm mỹ, tính ước lệ, dễ tạo tác mềm mại. Kết hợp cùng mỗi loại thảo mộc là khung cảnh thiên nhiên với những loài chim tương ứng với mỗi mùa. Tranh Tứ Quý có 2 cách treo: từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái.

ed315f120_tranh_tu_quy_chuan.jpg
Bộ tranh Tứ Quý: Đào – Trúc – Cúc – Tùng treo từ phải qua trái

Bộ tranh Tứ Quý được coi là sắp xếp hợp lý và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt là “Đào – Trúc -  Cúc - Tùng” hoặc là “Mai – Trúc – Cúc - Tùng” (theo nhận định của Tiến sĩ Đinh Hồng Hải trong cuốn “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam”). 

Bộ tranh Tứ Quý vốn xuất phát từ tranh Tứ bình của Trung Hoa ca ngợi hình mẫu Quân tử của Nho giáo. Nhưng vẫn có thể hiểu, bộ tranh Tứ Quý hướng tới những ước mong tốt đẹp về phẩm chất quý báu của con người nói chung. Trên mỗi bức tranh còn đề những câu Thơ bằng chữ Hán tượng trưng cho thần thái của tranh.

1. Mùa xuân:
- Đào: Loài hoa hồng rực, đỏ thắm tượng trưng cho mùa Xuân của miền Bắc.  
- Mai: Loài hoa màu vàng tươi hoặc trắng thanh khiết, tượng trưng cho mùa Xuân của miền Trung và miền Nam. Mai tượng trưng cho sự thanh cao của con người. 
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai)”.
(Cao Bá Quát)
- Loài chim gắn liền với Hoa Đào và Hoa Mai chính là chim Én báo hiệu mùa Xuân.

022ec4b54_mai_truc_cuc_tung.jpg
Bộ tranh Tứ Quý chất liệu đá quý: Mai – Trúc – Cúc – Tùng treo từ trái qua phải

2. Mùa hè:
- Trúc: Trúc là loài cây có thể sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, đốt ngay thẳng từ khi mới mọc. Đốt cháy thân cây trúc sẽ thấy đốt than của nó vẫn thẳng chứ không cong gãy. Trúc chính là biểu tượng con người ngay thẳng, chính trực. Trúc tỏa bóng mát, che đi cái nắng gay gắt của mùa hè, Trúc còn gắn liền với những vật dụng thân thuộc của mùa Hè như chiếc nôi, cái chõng, chiếc quạt…
- Loài chim gắn với cây Trúc thường là chào mào hót vào mùa hè.

3. Mùa thu:
- Bông hoa Cúc dù có héo rũ úa tàn cũng chỉ gục rũ trên chính thân cây, chứ không lìa bỏ đài hoa, sa rời xuống đất. Giống với hình ảnh của con người có lập trường vững vàng, “chết đứng còn hơn sống quỳ”. Nài ra hoa cúc còn có ý nghĩa ca ngợi sự chung thủy, sắc son của người phụ nữ.
- Loài chim gắn liền với hoa Cúc là chim trĩ.

4. Mùa đông:
- Cây Tùng mọc trên núi đá cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Tuy mọc ở những mỏm núi chênh vênh, phải chịu nhiều sương gió, bão tuyết nhưng Tùng không chết không đổ, vẫn vươn thẳng lên trời. Tùng ngầm ca ngợi đức tính vượt lên gian khó của con người.
- Loài chim gắn liền với Tùng là chim hạc.

Đa sắc màu tranh Tứ Quý

Theo dòng chảy của thời gian và đi qua từng vùng miền, bộ tranh Tứ Quý đã có nhiều thay đổi, một số loại thảo mộc được thay thế cho nhau, tạo nên những bộ tranh Tứ Quý khác nhau như: Đào – Sen – Cúc – Tùng, Cúc – Trúc – Đào – Lan, Mai – Cúc – Trúc – Trà… Đôi chim đại diện cho từng mùa cũng được thay thế bằng đôi chim công, đôi thiên nga, đôi gà, đôi bướm, đôi hươu, đôi cá… Thơ chữ Hán thay bằng chữ Quốc ngữ. Thậm chí, người ta không cần tặng nhau cả bộ 4 tranh, chỉ cần tặng nhau 1 loài thảo mộc với ý nghĩa cầu chúc cho người được tặng sống thanh cao, khí phách. Tranh Tứ Quý vì thế mà trở nên đa sắc màu về hình thức và thông điệp gửi gắm. 

4ffde41a5_dao_sen_cuc_tung.jpg
Bộ tranh Tứ Quý cải biến với Đào – Sen – Cúc – Tùng 

Tranh Tứ Quý truyền thống theo cách làm của làng Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội)… tương đối giống nhau, xuất hiện từ thời Lý – Trần và được lưu truyền từ đời này sang đời khác: Nghệ nhân khắc lên bản gỗ đường nổi thể hiện những đường nét chính của tranh (âm bản). Ta dập âm bản đó lên giấy điệp thành dương bản. Sau khi in tranh ra giấy, người làm tranh lại tiếp tục tô vẽ để hoàn thiện bức tranh đó. Đây là lối vẽ theo quan niệm "sống" hơn "giống". Đường nét của mỗi bức tranh hết sức gạn lọc, thuần khiết, cốt sao rung cảm thẩm mỹ cho người xem hơn là vẽ đúng luật. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau. Tranh Tứ Quý thường được thêu trên vải và chạm khắc, tạo tác trên cánh cửa, bình gốm sứ, chậu hoa cây cảnh…

Đến thời hiện đại, tranh Tứ Quý được làm trên nhiều chất liệu khác nhau thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân mang theo hơi thở mới. Là chất liệu sơn dầu, sơn mài, đá quý, khảm trai… Tranh Tứ Quý Việt Nam trở thành quà lưu niệm quý giá cho những khách du lịch nước nài. Văn hóa Việt Nam có cơ hội hiện diện ở khắp các châu lục trên toàn thế giới. Tìm hiểu ý nghĩa và bảo tồn tranh Tứ Quý là cách thể hiện lòng yêu dân tộc của thế hệ trẻ.

Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
Ảnh: Internet






Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN