Xu hướng bỏ phố về quê “nuôi cá và trồng thêm rau”
(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, có nhiều bạn trẻ quyết định bỏ phố thị xa hoa để trở về quê sinh sống lập nghiệp. Đây được coi là một xu hướng sống mới đầy tích cực của giới trẻ.
Tìm thấy bình yên ở vùng quê
Cụm từ “bỏ phố về quê” dường như đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người đang sống ở thành thị. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi mọi lĩnh vực hoạt động đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, một số bạn trẻ đã mất đi công việc hiện tại. Ngoài việc thất nghiệp, họ còn phải đối mặt với các khoản chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Không ít người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là những lao động ngoại tỉnh.
Khi nói đến việc bỏ phố về quê, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới câu chuyện về hưu để an dưỡng tuổi già. Nhưng trong các group như: Cộng đồng “Bỏ phố về quê”; Làng “bỏ phố về quê”; Nghiện vườn,… thì một điều bất ngờ là đa phần người trẻ đang tham gia vào xu hướng đó. Không hoàn toàn chỉ bởi họ không đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân trên phố thị mà đôi khi chỉ đơn giản là muốn tìm một chốn bình yên, tránh những khói bụi, xô bồ của thành phố.
Bạn Nguyễn Thị Ly, 25 tuổi, quê gốc ở Nam Định chia sẻ: “Mình quyết định về quê do tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp và công việc của mình cũng tạm dừng. Niềm vui khi mình sống ở quê là mình được hòa với thiên nhiên, được bên những người mình yêu thương, được làm những việc mà mình thích Và ở quê thì mọi người sống với nhau rất là tình cảm nên mình rất thích cuộc sống như vậy”.
Mong muốn xây dựng quê hương phát triển
Bỏ phố về quê để “nuôi cá và trồng thêm rau”, để được tận hưởng cuộc sống gần gũi với người thân, hòa mình với thiên nhiên và tránh xa những bụi bặm nơi phố thị - đây đã và đang là mong ước, lựa chọn của nhiều người. Có muôn vàn lý do cho câu chuyện bỏ phố về quê lập nghiệp của giới trẻ: vì chán nản cuộc sống đô thị, vì hoàn cảnh gia đình, vì biến động của xã hội, thiếu cơ hội việc làm. Song phần lớn những ý tưởng bỏ phố về quê hiện nay lại đến từ những người có tình yêu sâu đậm với quê hương, khát khao mang những tri thức được học, góp bàn tay xây dựng cuộc sống làng quê ngày càng khởi sắc hơn.
Bạn Ngô Tấn Quyền, sinh sống tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam tâm sự: “Mình vốn dĩ một kỹ sư cơ khí chế tạo có công việc ổn định tại Thaco Trường Hải nhưng tính cách của mình thích tự do không muốn làm công việc sáng đi tối về tuần tăng ca vài ba bữa, cảm giác ngột ngạt như một sản phẩm công nghiệp. Mình chọn về quê để phát triển nghề làm trầm hương - một nghề vốn dĩ đã có từ rất lâu ở địa phương. Một công việc không liên quan gì với những cái mình từng học và làm. Nhưng bù lại việc tự tạo ra nguồn thu nhập từ bản thân nó cho mình thấy hạnh phúc”.
Đây cũng là tâm tư của nhiều bạn trẻ hiện nay – chọn trở về quê nhà gắn bó với công việc nhà nông như: trồng rau sạch, lúa sạch, trồng vườn với nhiều loại rau củ, cây trái với giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tham gia vào các chuỗi phân phối nông sản, kinh doanh sản phẩm phục vụ làng nghề, như: nghề mộc, cung cấp thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, làm dịch vụ giải trí, hồ bơi cho trẻ em,…
Bỏ phố về quê không phải là hành động nhất thời, cũng không phải là trào lưu của những người sợ áp lực. Một lực lượng trẻ đang tạo ra xu hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững góp phần hiện đại hóa nông thôn hiện nay.
Có thể thấy, bỏ phố về quê là lối sống quen thuộc của giới trẻ hiện nay. Nhưng làm thế nào để câu chuyện này không trở thành một xu hướng nhất thời “sớm nở tối tàn” thì vẫn cần sự tác động từ nhiều phía và những thay đổi thích hợp của từng địa phương.