Ấn Độ đối mặt với con số khổng lồ hơn 3000 "núi rác" tại quốc gia này
(Sóng trẻ) - Trên khắp lãnh thổ Ấn Độ hiện có đến 3.159 "núi rác" và "núi rác" lâu đời nhất với độ cao bằng một tòa nhà 18 tầng. Điều này đã làm đau đầu giới chức Ấn Độ trong suốt thời gian qua.
Trên khắp lãnh thổ Ấn Độ hiện có đến 3.159 "núi rác" với khoảng 800 triệu tấn rác và "núi rác" lâu đời nhất với độ cao bằng một tòa nhà 18 tầng. Điều này đã làm đau đầu giới chức Ấn Độ trong suốt thời gian qua.
Là một quốc gia đứng thứ 2 về dân số, Ấn Độ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về rác thải vô cùng trầm trọng.
Ở ngoại ô Deonar, những núi rác được tạo thành từ hơn 16 triệu tấn rác. Những núi rác được cho là lớn và lâu đời nhất ở Ấn Độ trải dài trên diện tích hơn 121 hecta và độ cao lên đến 36,5m với số lượng là 8 núi rác.
Những núi rác này đang trực tiếp đe dọa tới môi trường, hệ sinh thái của Ấn Độ và đặc biệt là sức khỏe của người dân nước này. Khi rác được phân hủy, nó thải ra hàng loạt các khí độc như: methane, hydrogen sulfide, carbon monoxide,... Theo như một nghiên cứu của cơ quan quản lý ô nhiễm của Ấn Độ, các vụ cháy bãi rác cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tiêu biểu là vụ cháy bãi rác kéo kéo dài trong vài tháng đã khiến thành phố Mumbai - thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ chìm trong khói độc vào năm 2016.
Tác hại to lớn là thế nhưng những núi rác này cũng chính là "miếng cơm manh áo" của biết bao người dân nghèo Ấn Độ. Mỗi buổi sáng họ thường trèo lên những núi rác cao và chờ những xe rác tới để bới nhặt những gì còn sót lại trong đống rác đem đi bán như: chai nhựa, thủy tinh, dây điện, điện thoại hỏng,... Rõ ràng, những người dân nghèo Ấn Độ đều nhận thức mối nguy hiểm khi họ hàng ngày tiếp xúc với rác thải nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Hiện nay, giới chức Ấn Độ đã và đang đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm rác thải tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn nạn này còn đặt ra một dấu hỏi lớn đối với Ấn Độ. Vấn nạn ô nhiễm rác thải ở nước này không chỉ liên quan tới những vấn đề môi trường mà nó còn tác động trực tiếp tới cuộc sống, sinh mạng của hàng ngàn người dân nghèo Ấn Độ.
Chính vì thế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải vừa phải đảm bảo công ăn việc làm cho những người mưu sinh nghèo thực sự là một bài toán vô cùng lớn đối với quốc gia đứng thứ hai về dân số này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/cuoc-khung-hoang-hon-3000-nui-rac-lam-dau-dau-gioi-chuc-an-do-20211019065426166.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Box_DungBoLo&dt_medium=1