Cận cảnh loạn “phe vé”
(Sóng trẻ) - “Anh chị có vé xem chưa… 1.5 triệu một cặp…” - đó chính là hiện tượng phe vé. Đấu tranh loại bỏ hiện tượng này là việc làm thanh lọc văn hóa, để trả văn hóa về đúng với những giá trị nguyên mẫu của nó.
Trước thềm đêm diễn “Bước nhảy hòan vũ”
Đúng 7 giờ, tôi có mặt tại sảnh lớn của Trung tâm thể thao Quần ngựa, nằm trên cuối phố Văn Cao sầm uất, đoạn giao với Hoàng Hoa Thám. Hôm nay có cuộc thi chung kết “Bước nhảy hoàn vũ”, một đêm nghệ thuật mê lòng người, lần đầu tiên được tổ chức hoành tráng tại Hà Nội. Khung cảnh vẫn im bặt, chỉ thấp thoáng vài người qua lại. Ánh đèn cao áp vẫn lung linh như soi tỏ từng gương mặt. Trong cái ánh đèn mờ mờ ảo ảo ấy lần lượt xuất hiện những con người, trên tay họ là vô số những mẩu giấy, không rõ giấy gì. Chỉ thấy họ tiến lại gần những người khách sang trọng với lời mời chào đường mật, rồi lại thấy những cái bĩu môi dài thườn thượt sau mỗi lần giao dịch.
7 giờ 22 phút, không khí vẫn không có gì thay đổi, lần này đã lác đác có những người tay trong tay với tà áo thướt tha giống như người đi dạ hội dục dịch bước vào. Con đường từ cổng chính vào trong sảnh lớn vẫn sâu hun hút. Bên cạnh hàng cây vẫn rung rinh theo gió như chào đón người ta đến với đêm diễn.
7 giờ 45 phút, khách bắt đầu đến đông hơn. Lần này, những người xa lạ vẫn rao giảng với tấm vé trên tay tha hồ “tác nghiệp” mà không cần nu na nu nống nữa. Họ bắt đầu tung ra những chiêu bài điệu nghệ, tinh vi. Họ buông những lời ngọt như mía đường: “Anh ơi/chị ơi, đã có vé vào xem chưa? - Bao nhiêu một cặp – “Rẻ thôi, lấy đi em để cho” - Rẻ là bao nhiêu? – “Triệu rưỡi một cặp, lúc nãy có người trả nhưng em không bán, định để vào xem, thấy anh chị cần nên em mới chịu buông đấy”. Tất cả những cuộc giao dịch được thỏa thuận một cách chóng vánh trước cái đêm nghệ thuật, giữa lòng thủ đô hoa lệ. Họ không tiếc lời đường mật, lịch thiệp và cũng không tiếc khi tung ra những câu vô văn hóa khi không hài lòng: "Con kia mày định tranh khách của bà , bà lại xé xác… bây giờ"(!?)
Một phe vé đang thỏa thuận giá cả
Đúng 8 giờ, khách bắt đầu ùn ùn kéo đến. Những chiếc xe tay ga sang trong, những chiếc ô tô rì rì tiến qua hàng rào chắn. Ở một chỗ khác, phe vé - những con người không tên vẫn miệt mài với công việc chinh phục khán giả bằng gương mặt và cử chỉ nhã nhặn. Họ tự coi mình là người reo niềm vui cho đời. Họ không ngần ngại nói thật họ sẽ được bao nhiêu sau mỗi lần chinh phục thành công một khán giả “gà”.
Đã hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, khách ở mọi nơi vào xem như trẩy hội. Điều mà mỗi vị khách khi đến với đêm diễn là họ nhận được từ chính những vị “phe vé không tên kia” những ánh nhìn và những cử chỉ nhã nhặn lịch thiệp. Họ cảm thấy hài lòng khi hớn hở cầm chiếc vé trị giá một triệu năm trăm nghìn vào xem đêm diễn nghệ thuật.
Đằng xa, những bà đầm, bà ủ váy ngắn váy dài thướt tha giục chồng mua vé. Tiếng cãi cọ, tiếng giục mở cửa hòa trong âm thanh từ tiếng xe cộ, từ mặt đường chính vọng vào inh ỏi. Khung cảnh ấy dễ khiến người ta hình dung đến một phiên họp chợ vào mỗi buổi sớm mà trong đó mỗi “ phe vé” đều tận tụy sắm vai những cô hàng chả, những chị hàng nem. Họ không ngớt chào đón khách như một bài đã được học thuộc. Những người sẵn tiền thì hân hoan chào đón người bán vé bằng vẻ sốt sắng có được tấm vé vào xem. Còn con buôn thì mừng thầm vì không cần dùng sức mà vẫn lãi nhiều.
Tôi đứng lặng nhìn hai phe vé tranh giành nhau khách. Bên này co đi bên kia kéo lại, không khác gì trò chơi kéo co truyền thống. Kể cũng lạ, bình thường họ sẽ là những người hàng xóm tốt, chị em tốt của nhau nhưng đứng trước đồng tiền thì sao người ta lại trở thành nô lệ của nó đến như vậy.
Hai phe vé bổ sung cho nhau khi mồi khách
Quan sát một đôi tình nhân từ lúc họ đến. Tôi tiến lại gần với cử chỉ vừa xã giao vừa thăm dò:
- “Sao anh chị không vào xem” - tôi hỏi
- “Vé đắt quá, họ đòi những triệu hai một cặp. Có lẽ đành phải về nhà coi tivi vậy”.
Nghe xong tâm sự của họ, trong tôi bỗng nảy một suy nghĩ: “vé mà cũng biến thiên như đồ thị sao, chỉ cách nhau chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã tăng, đã giảm đến chóng mặt”.
Đoạn một người đàn ông tất tưởi, dáng người hơi thấp cứ hớt hơ hớt hải lượn đi lượn lại dăm ba vòng quanh khu sảnh, hết vào lại ra. Gặp ai anh này cũng niềm nở, thảo những câu rất văn hóa “Anh ơi có vé vào xem chưa… có thừa vé nào không… anh đi mấy người… một người hả, ba trăm để em dẫn vào". Tôi đứng quan sát cái trò lẽo đẽo, lon ton của anh “cò vé” này mà không nhịn được cười. Anh ta cứ hết chạy theo người này, áp sát người kia, rồi vồ vập, rồi chào rồi hỏi, rồi thỏa thuận. Cứ thế, cười… chào… mồi chài, rồi lại cười… Anh ta biến thành một con rối bị giật dây. Bắt mời phải mời, bắt chào phải chào. Trông thật tù túng, lố bịch và cũng thật đáng thương.
Niềm yêu văn hóa nghệ thuật đã bị “phe vé” ngăn cản
Vâng, có lẽ ít ai trong số chúng ta mà không từng một lần hào hứng đến xem một đêm diễn, rồi cũng không ít lần thất vọng quay trở về chỉ vì một lý do: “Vé đắt”. Những cũng không ít người sẵn sàng bỏ hẳn một khoản tiền triệu để thỏa màn nhu cầu của bản thân. Với tôi, sau mỗi lần đi xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật là hơn một lần tôi cảm thấy thất vọng.
Đâu đó trong xã hội chúng ta vẫn có những hiện tượng kiểu như “phe vé” làm thành sợi dây, bức tường vô hình ngăn cản niềm đam mê nghệ thuật, niềm khát khao đến với nghệ thuật của công chúng. Đó thực sự là nỗi niềm trăn trở của rất nhiều người trong xã hội.
Số tiền kiếm được sau mỗi lần kinh doanh có thể lên đến con số tiền trăm, tiền triệu. Nhưng thử hỏi lương tri của họ đặt ở đâu khi mà thấy người yêu văn hóa, yêu nghệ thuật ngậm ngùi quay về chỉ vì lý do “vé đắt”. Khoảng cách giữa người có văn hóa với người không có văn hóa dường chỉ cách nhau gang tấc. Đừng để chỉ vì trong cái gang tấc ấy mà chúng ta quên đi giá trị nhân phẩm cội nguồn.
Phe vé này đóng giả người đi mua vé để tích vé rồi bán ra với vé thắt cổ
Thiết nghĩ, cái hình ảnh trong đêm diễn thực tế với cái hình ảnh hiện hữu trên ti vi có khác nhau là bao mà người ta cứ nhất thiết phải giành chừng ấy thời gian, chừng ấy tiền chỉ để được tai nghe mắt thấy một giây phút nhẹ nhàng đến rồi nhẹ nhàng đi. Loạn phe vé chỉ là một hiện tượng nhỏ trong hàng trăm hàng ngàn phần việc của văn hóa. Nhưng trên con đường hướng tới cái đẹp, cái nhân văn vẫn còn có những hiện tượng như phe vé thì liệu văn hóa - nghệ thuật có còn đem lại niềm tin cho công chúng hay không, có còn giữ nguyên được các giá trị nguyên mẫu của nó hay không và công chúng có được thưởng thức văn hóa trọn vẹn hay không là nhờ một phần đấu tranh của mỗi chúng ta.
Tôi cũng trộm nghĩ rằng, càng đi sâu khám phá ta càng khai quật được nhiều lớp trầm tích quý giá, nó sẽ giúp chúng ta trưởng thành trên bước đường làm thanh lọc văn hóa. Có lẽ buổi đi xem chương trình biểu diễn "Bước nhảy hoàn vũ” đối với tôi tuy không thành, song nó đã đọng lại trong tôi một bài học vô giá: “Văn hóa chỉ có thể trở thành văn hóa khi người ta ứng xử với nhau có văn hóa”. Hiểu rằng, đâu đó có những người đang miệt mài làm cho văn hóa giàu thêm ý nghĩa, đến gần hơn với công chúng, thì song song với đó lại có những người cản trở sự xây đắp văn hóa.
Tôi lặng lẽ ra về, trên đường vẩn vơ một nỗi lòng canh cánh. Và rồi đêm về chập chờn trong mỗi giấc mơ tôi thầm ước, ước không còn “phe vé” để sớm mai thức dậy, cánh cổng văn hóa - nghệ thuật vẫn rộng cửa đón công chúng vào mà không vấp phải một trở lực nào.
Hồ Phương Phúc
Báo in K.29A1
Học viện Báo chí và Tuyên truyền