“Đại gia” khuyết tật đổi đời nhờ trồng hoa
(Sóng trẻ) - Anh Đỗ Văn Hải, sinh năm 1976, quê ở thôn Đại Phú 2, xã Phi Mỗ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Sinh ra là một đứa trẻ lành lặn nhưng bất ngờ gặp biến cố vào năm 11 tuổi đã khiến cuộc đời của anh Đỗ Văn Hải trở thành một người khuyết tật. Trải qua những năm tháng khó khăn trên giường bệnh, thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của gia đình khi phải đi vay nợ chữa bệnh cho mình, anh dùng nghị lực và ý chí vươn lên đạt được thành công và trở thành niềm tự hào cho gia đình.
Biến cố không ngờ
Một tai nạn đã xảy ra cách đây 30 năm nhưng đến giờ người dân thôn Đại Phú 2 vẫn còn bàng hoàng như sự việc mới xảy ra ngày hôm qua. Vào năm 11 tuổi, anh Hải trong một lần thả diều, bất ngờ dây diều mắc phải đường điện cao thế, điện giật khiến anh bị bỏng sâu và tổn thương lớn về mặt tinh thần. Khi ấy ai trong làng lo âu, nghĩ rằng anh sẽ chết.
Vết thương quá nặng, anh bị nhiễm vi trùng khiến xuất hiện chứng uốn ván làm co giật các cơ. Anh phải cưa mất cánh tay bên phải, tay trái thì bị co quắp, không thể cầm nắm được. Hai bàn chân phải tháo bỏ một số ngón. Ai cũng nói anh sống được là một kì tích.
Lúc đó còn quá nhỏ để nhận thức mọi thứ, cảm nhận lúc đó của anh là niềm vui trong cuộc sống không còn nữa. Mỗi sáng không còn là những buổi đến trường, không thể nô đùa như bao bạn khác, mọi việc đều không thể tự mình làm, trở thành gánh nặng cho gia đình. Suốt những năm tháng ấy chẳng bữa cơm nào anh thấy nn miệng, anh nằm liệt trên giường, mẹ là người ăn sau cùng vì phải bón cơm cho anh. Có những bữa cơm vừa ăn vừa khóc vì thương mẹ mà bản thân lại bất lực.
Năm anh 15 tuổi, bố không may bị tai nạn qua đời, để lại mẹ và bà nội già yếu. Mọi gánh nặng dồn lên vai mẹ, chăm sóc người con khuyết tật và 5 người con khác, cùng với việc phải chi trả số tiền nợ đã vay để chữa bệnh cho anh. Thương mẹ, anh đã cố gắng vượt qua khuyết tật để kiếm sống từ chính mảnh ruộng nhà mình.
“Đại gia chân đất”
Bằng nghị lực phi thường, anh Hải đã chứng minh cho bà con thấy anh không phải là kẻ bỏ đi. Khác với mọi người, bước “khởi nghiệp” của anh không phải nghĩ xem trồng cây gì, nuôi con gì mà là tập cho mình lao động được như người bình thường.
Cậu bé Hải lúc ấy, với đôi bàn tay khuyết, anh vẫn miệt mài quặp cuốc để tập, khó khăn lắm mới lên được một lạy, bà con lối xóm kẻ cười người nói, bảo anh làm không được. Tiếp tục kiên trì, hàng ngày cuốc đất sau vườn để trồng rau. Cái khó ló cái khôn, mất đi đôi tay, anh Hải cần mẫn rèn luyện đôi chân làm những công việc thay thế cho bàn tay.
Đôi bàn tay khuyết miệt mài cuốc đất trồng rau
Ban đầu, với số vốn ít ỏi vay được, anh đầu tư gieo rau giống vào mảnh đất 200m2. Không kiến thức, không vốn liếng, không kinh nghiệm nên không ít lần làm hỏng những lứa rau. Không nản chí, anh quyết tâm thử rất nhiều lần. Anh chia sẻ, kĩ thuật trồng rau không hề phức tạp, nhưng chỉ cần sai kĩ thuật rất nhỏ cũng có thể dẫn đến rau yếu và chết. Dần già, nhờ chịu khó quan sát và rút kinh nghiệm anh đã sản xuất ra được những lứa rau tốt.
Khi đưa ra được sản phẩm tốt, anh nghĩ đến việc muốn có thêm nhiều khách hàng. Khi ấy anh đã đi dán rất nhiều tờ rơi ở nhà trưởng thôn, quán xát gạo, những nơi tập trung đông người. Khách hàng của anh ngày càng nhiều, bản thân anh cũng không ngờ được mình có thể thu lại vốn nhanh đến vậy. Trước khi quyết định kinh doanh, anh chỉ mong kiếm được số tiền sao cho đủ no cơm, khi công việc bắt đầu vào guồng, anh có thể trả hết số nợ mà gia đình đã vay, hoàn vốn và có tiền lãi để gửi ngân hàng.
Anh “Hải cụt” mà mọi người vẫn gọi khi xưa nay đã được gọi với cái tên “Đại gia chân đất”. Ai cũng ngỡ ngàng về khả năng làm nông nghiệp của anh. Làm kinh tế, nuôi sống gia đình, anh còn có cho mình một gia đình nhỏ. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh và vợ quen nhau vỏn vẹn một tháng thì quyết định cưới, bằng sự đồng sức đồng lòng, anh chị cùng xây dựng hạnh phúc gia đình và phát triển kinh tế. Vợ chồng anh có 2 người con, cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ đang học lớp 7.
Vợ chồng anh Hải trong lần gặp đầu tiên tại chương trình Hạnh phúc vợ chồng khuyết tật năm 2017
Hoa nở từ đôi bàn tay khuyết
Không dừng lại ở những gì đã có, ý chí thúc giục anh cần vươn lên. Tích lũy được vốn, anh mạnh dạn chuyển sang kinh doanh hoa để tăng hiệu quả kinh tế. Lại một lần nữa là khó khăn cho anh chàng khuyết tật lại ít kiến thức nông nghiệp. Sau nhiều lần thua lỗ, thất bại, anh quyết định đi học hỏi kinh nghiệm. Anh nói rằng, nếu muốn đi học thì phải đi thật xa, vì trong vùng là những đối thủ của mình sẽ không thể chia sẻ được. Anh đã đi đến những xã khác và cả những tỉnh khác để học kinh nghiệm trồng hoa cho mình.
Nỗ lực của anh được đền đáp. Từ thành công trên vài trăm mét vuông, áp dụng máy móc sản xuất, cùng với sự giúp đỡ của vợ anh nhanh chóng nhân rộng mô hình sản xuất, cả giống lẫn hoa có khi lên đến gần 2 ha, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm. Nài ra, anh còn tạo công việc giúp đỡ 3-4 lao động bằng việc thuê họ đến mỗi mùa thu hoạch hoặc trợ giúp chăm sóc cây trồng.
Người dân tại xã Phi Mỗ, huyện Lạng Giang còn biết đến anh với nghề lái máy cày. Khi tích góp được nhiều vốn gửi ngân hàng, anh đầu tư mua thêm máy cày để phục vụ công việc và giúp đỡ bà con nông dân. Anh rất tự hào khoe rằng: Mọi người khen anh kinh doanh giỏi, nhưng anh không nhận anh giỏi, chỉ riêng việc lái máy cày thì anh tự thấy anh giỏi thật. Luôn làm việc hết trách nhiệm và rất có tâm, chưa bao giờ để chê trách mà luôn được khen và còn thưởng thêm.
Hiện nay công việc chính của anh là trồng hoa, hoa của anh được bán luân chuyển trong 5 đại lý tại Bắc Giang, nài ra anh chị cũng đi tìm thị trường để mở rộng hơn mô hình kinh doanh tại Hà Nội.
Mặc dù thiệt thòi và thiếu thốn hơn người khác nhưng trong anh luôn có một tinh thần lạc quan, giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Vượt lên số phận, anh trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, còn là tấm gương điển hình trong sản xuât của xã Phi Mỗ, huyện Lạng Giang. Đạt được những thành công và thành tích nhất định nhưng anh nói, anh vẫn chưa bao giờ hài lòng với hiện tại vì qua mỗi ngày anh càng nhận thức rõ hơn việc phải cố gắng những gì để thành công luôn mỉm cười với mình.
Câu chuyện từ một người người khuyết tật trở thành “đại gia” cả một vùng đất vẫn là một kì tích như lời nói của bà con nơi đây. Từng buồn tủi với số phận nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc, người ấy nay trở thành ông chủ và còn giúp đỡ được những người xunh quanh. Thế mới thấy chí vươn lên có sức mạnh đến thế nào.
Trang Ngân - Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận