Gian lận thương mại điện tử (Bài 3): Tem điện tử thông minh - Giải pháp chống hàng giả hiệu quả
(Sóng trẻ) - Kinh doanh hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vấn nạn này ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trao đổi với Sóng Trẻ, ông Nguyễn Thế Tiệp (Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại) đã làm rõ các thực trạng và có đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
PV: Theo Phó Viện trưởng, những thách thức lớn nhất trong việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay là gì?
Theo tôi, việc phân biệt hàng thật và hàng giả luôn là một thách thức lớn, đặc biệt là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” không còn gì là lạ… khiến người tiêu dùng khó tin tưởng vào những gì như quảng cáo hứa hẹn. Sản phẩm được quảng bá thường không khớp với những gì mà người dùng nhận được, hơn bao giờ hết… đòi hỏi chúng ta phải trở thành những người tiêu dùng thông thái.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng thực sự là một nhiệm vụ cực kỳ nan giải. Trong môi trường kinh doanh truyền thống, các cơ quan chức năng có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cửa hàng, tại kho chứa, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công nghệ hoặc công cụ hỗ trợ để nhanh chóng xác định được tình trạng và nguồn gốc hay tính chính thống của sản phẩm.
Ngược lại, trên không gian mạng, người mua và người bán thường không biết mặt nhau, cơ quan quản lý không có thông tin về các hoạt động giao dịch mua, bán giữa các bên… khiến việc kiểm soát hoạt động giao dịch, mua bán các sản phẩm cũng như giám sát nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn hơn.
PV: Ông có thể chia sẻ về một số công nghệ mới nhất đang được ứng dụng để phát hiện hàng giả, chống gian lận thương mại điện tử hiện nay không?
Hiện nay, một trong những công nghệ phổ biến nhất để chống hàng, hàng nhái và gian lận thương mại (GLTM) là hệ thống tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc. Với tem này (vật mang dữ liệu được mã hóa bằng mã QR - code gắn lên sản phẩm), người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm cũng như thông qua hệ thống quản trị dữ liệu có thể cảnh báo các tình trạng của sản phẩm thông qua các ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh… từ đó người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định mua sắm thông minh hơn.
Tiếp đến, chúng ta cần xây dựng một nền tảng công nghệ toàn diện để quản lý toàn chuỗi cung ứng thông qua tất cả các khâu trong chuỗi, có thể kiểm soát từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khi sản phẩm hoàn thiện. Mỗi lô sản phẩm sẽ được sẽ được lưu vết dữ liệu truy xuất nguồn gốc (TXNG) trên hệ thống và gắn tem TXNG mang dữ liệu về các lô sản phẩm này, sau đó thông qua hệ thống giao vận chuyển đến các kênh phân phối đến tay người tiêu dùng…
Tại tất cả các khâu trong chuỗi các tác nhân tham gia đều có trách nhiệm cập nhật dữ liệu về những lô hàng thông qua công đoạn của mình phụ trách trong toàn quá trình lưu thông đến khi bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc sử dụng công nghệ để gán mã định danh cho từng sản phẩm là rất quan trọng; tất cả thông tin về sản phẩm cùng quá trình giao dịch cần được lưu trữ rõ ràng trong một hệ thống quản trị dữ liệu dùng chung. Nếu thực hiện được điều này, chúng ta hoàn toàn có khả năng triệt tiêu vấn nạn hàng giả và hàng nhái.
PV: Cần chú ý những yếu tố nào khi ứng dụng các nền tảng công nghệ chống gian lận thương mại điện tử nói riêng và quản lý chuỗi cung ứng nói chung?
Để triển khai, ta cần chú ý đến một số yếu tố then chốt như công nghệ nền tảng, kịch bản thực hiện và các chế tài, chính sách pháp luật. Trước hết, nền tảng công nghệ phải là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, phù hợp với kịch bản vận hành của nền kinh tế và từng đối tượng trong toàn chuỗi. Nó cần đảm bảo tính khả thi trong triển khai, chi phí hợp lý và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà quản lý, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Để triển khai quản lý toàn chuỗi cung ứng, công nghệ không phải vấn đề lớn, nhưng thách thức nằm ở việc đồng bộ hóa nền tảng quản lý cho tất cả các tác nhân trong chuỗi. Mỗi tác nhân tại từng khâu có thể tự phát triển và sử dụng nền tảng quản lý riêng, nhưng làm thế nào để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa tất cả các tác nhân, sử dụng rất nhiều các nền tảng lại nhằm tạo ra một mạng lưới quản lý chuỗi hiệu quả lại là một câu hỏi lớn.
Bên cạnh đó, kịch bản tổ chức triển khai nền tảng số trong quản lý cần được xây dựng một cách chặt chẽ. Một nền tảng công nghệ hiệu quả không chỉ phải khả thi mà còn phải phù hợp với quy mô, năng lực hấp thụ và chi phí của toàn xã hội; được hoạch định rõ ràng với lộ trình và phương án thích hợp cho từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong mọi hoàn cảnh.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận. Điều này đòi hỏi sự can thiệp từ phía nhà nước, thông qua việc thiết lập một trung tâm quản trị dữ liệu chung và quy định hệ thống khai báo định danh cho tất cả các bên liên quan.
Chúng ta cần xây dựng một bộ giải pháp toàn diện, bao gồm công nghệ, kịch bản triển khai và các chính sách pháp luật. Đặc biệt, việc thiết lập chế tài yêu cầu tất cả các tác nhân tham gia vào hệ thống quản lý phải tuân thủ và hợp tác chặt chẽ là rất quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong quá trình thực hiện.
PV: Theo đánh giá của Phó Viện trưởng, các biện pháp pháp lý hiện tại có đủ mạnh để ngăn chặn gian lận thương mại điện tử không? Nếu chưa, cần phải cải thiện như thế nào?
Chúng ta đã có chế tài liên quan đến quản lý sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, nhưng tôi cho rằng chúng chưa đủ mạnh. Ví dụ, hiện nay việc sản xuất hoặc kinh doanh hàng giả, hàng nhái có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự còn lại dưới mức này chỉ bị xử lý hành chính. Điều này dẫn đến tình trạng “nhờn luật" khiến gian lận thương mại tiếp tục tái diễn, vì khi bị phát hiện, những người vi phạm chỉ phải chịu phạt hành chính nhẹ, không đáng kể so với lợi nhuận họ thu được.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần đến những chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc hơn. Chúng ta nên áp dụng các hình thức xử phạt theo cấp độ, từ răn đe, cao hơn là cấm hoạt động có thời hạn, vĩnh viễn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự… nhằm tạo ra rào cản thực sự cho những kẻ vi phạm.
PV: Theo ông, vai trò của các nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử trong việc chống hàng giả là như thế nào?
Các nền tảng thương mại điện tử hiện nay đều rất chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ trên hệ thống của họ, cũng như với các thành viên tham gia là những người kinh doanh nghiêm túc. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số cá nhân vẫn tìm cách gian lận trong nguồn gốc hàng hóa. Do đó, cần có chế tài mạnh mẽ và rõ ràng hơn, cùng với "luật chơi" buộc người bán phải cam kết và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong thông tin đầu vào.
Chẳng hạn, thông qua phản ánh của khách hàng về những vấn đề như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng không đảm bảo, quảng cáo sai sự thật hoặc chế độ bảo hành không đúng, nền tảng thương mại điện tử có quyền đóng cửa shop đó. Tương tự, trên Facebook, nếu một fanpage nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ khách hàng, người quản trị có thể quyết định khóa fanpage. Việc xây dựng một kênh bán hàng với hàng trăm nghìn hay hàng triệu người theo dõi không hề đơn giản, nên việc bị đóng lại sẽ gây thiệt hại lớn cho người bán. Từ đó, người kinh doanh buộc phải tuân thủ những quy định được đưa ra, chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, giảm thiểu tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
PV: Vậy đâu là những giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của họ khỏi hàng giả, hàng nhái trên thị trường?
Với sự xuất hiện của nhiều nền tảng và công cụ tiên tiến, tôi đánh giá đây là một thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của mình. Cụ thể, các giải pháp công nghệ chống hàng giả như tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả đã mang lại cho doanh nghiệp cơ hội bảo vệ thương hiệu hiệu quả hơn. Khi một sản phẩm bị làm giả, hệ thống có khả năng phát hiện và cảnh báo cho nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thông qua những con tem này, người tiêu dùng có thể xác nhận tính xác thực của sản phẩm, đồng thời tương tác trực tiếp với nhà sản xuất, gửi kiến nghị và phản ánh đến cơ quan chức năng về hàng giả, hàng nhái. Điều đó không chỉ nâng cao ý thức cộng đồng mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và đáng tin cậy.
Trại cá Trung Tựu ở Nam Sách, Hải Dương, nổi tiếng với việc nuôi cá trắm giòn và cá chép giòn chất lượng cao. Nhằm đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm, phòng ngừa tình trạng giả mạo thương hiệu, ông Trung Tựu đã quyết định áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho từng con cá khi xuất ra khỏi trại, tem này giúp khẳng định nguồn gốc cá.
Thông qua hệ thống quản lý dữ liệu tem TXNG, chủ trại có thể theo dõi và nhận biết được sản phẩm của mình đang được tiêu thụ ở đâu. Tuy nhiên do chất lượng cá của trại vượt trội hơn các nhà sản xuất khác nên đã xuất hiện tình trạng làm giả tem. Khi khách hàng quét mã phát hiện ra mã tem bị làm giả, giúp chủ trại kịp thời phát hiện hai vụ làm giả tem gắn lên lô cá giòn nhái thương hiệu Trung Tựu.
Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết bài toán khó trong việc chống hàng giả, hàng nhái và sản phẩm kém chất lượng trên thị trường hiện nay.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người tiêu dùng trong việc nhận diện và báo cáo hàng giả, hàng nhái? Làm thế nào để nâng cao nhận thức, ý thức của họ?
Trên thực tế, trở thành người tiêu dùng thông thái không phải là điều dễ dàng, bởi không phải ai cũng có đủ kiến thức chuyên môn để nắm bắt tất cả các loại sản phẩm. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn trong việc theo dõi và hiểu rõ toàn bộ thông tin về hàng hóa trên thị trường. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng và đáng tin cậy.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, người tiêu dùng vẫn có những lợi thế nhất định để thể hiện vai trò của mình trong việc nhận diện, báo cáo hàng giả, gian lận thương mại. Đầu tiên, với việc sở hữu điện thoại thông minh, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các ứng dụng quét mã. Vì vậy, hãy ưu tiên chọn những sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc và tem chống hàng giả để có thông tin rõ ràng về chất lượng sản phẩm, từ đó tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Tem điện tử thông minh không chỉ giúp cập nhật thông tin sản phẩm mà còn tự động thông báo về các tình trạng của sản phẩm như: sắp hết hạn sử dụng, đã hết hạn sử dụng hoặc đang bị thu hồi. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào với sản phẩm, người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp cho nhà sản xuất. Từ thông tin trên tem, nhà sản xuất có thể xác định lô hàng và nhanh chóng thực hiện lệnh thu hồi nếu cần thiết.
PV: Xin cảm ơn Phó Viện trưởng đã dành thời gian chia sẻ những kiến thức quý báu và những góc nhìn sâu sắc trong buổi phỏng vấn này. Những thông tin và kinh nghiệm của ông sẽ là định hướng hữu ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong việc xây dựng một môi trường minh bạch và bền vững.