"Giờ cao su" - Bệnh khó chữa của giới trẻ
(Sóng Trẻ)- Quy định giờ vào học là 7h, nhưng phải đến 7h15, 7h20 sinh viên mới lần lượt kéo nhau vào lớp. Chương trình, sự kiện của trường viết rõ ràng 19h30 khai mạc, vậy mà phải 8h30 MC mới ra chào khán giả, vì nếu ra sớm hơn... thì sẽ chẳng có mấy khán giả để chào. Không còn chỉ là thói quen đơn giản, giờ cao su dường như đã trở thành căn bệnh nan y với giới trẻ hiện nay.
“Cứ từ từ, đến sớm cũng chẳng có ai”
Đây chắc hẳn là câu cửa miệng đối với những bạn trẻ “cao su” để giải thích cho việc luôn chậm trễ hơn quy định của mình. Nhà trường quy định chung đối với tất cả các sinh viên là đúng 7h vào giờ học, vậy mà đến 6h59 phút trong lớp mới chỉ có vài ba người. Phải đến 15,20 phút thậm chí cả tiết sau các bạn khác mới lục đục kéo nhau vào lớp khi thầy cô đang giảng bài. Thu Hiền (Học tiện Báo chí Tuyên Truyền) chia sẻ: “Đến sớm cũng đã có ai đâu, muộn 15, 20 phút có là gì, đứa nào cũng thế nên thầy chưa giảng gì quan trọng đâu”.
Sinh viên vào lớp lẻ tẻ, vô tổ chức khiến giảng viên cũng rất bức xúc. Nhiều thầy cô đã phải mất thêm cả chục phút để giảng giải và căn dặn sinh viên không được đi học muộn, nhưng rồi, đâu lại đóng đấy trong buổi học hôm sau. Thậm chí, một vài ngôi trường còn phải cử ra cả “đội cờ đỏ” chuyên giám sát việc sinh viên đi học muộn và sai quy định thì tình trạng này mới phần nào được giảm bớt.
Đi học đã vậy, còn đi chơi, không ai quản thúc, tình trạng “cao su” thời gian của các bạn trẻ còn khủng khiếp hơn. Mỗi tháng, các trường đại học đều diễn ra một vài sự kiện lớn nhỏ, nhưng hầu như chưa có chương trình nào diễn đúng vào giờ ghi trên giấy mời mà thường phải dời lại sau đó cả tiếng. Giải thích lý do làm việc “không chuyên nghiệp” này, bạn N.T.P (Đại học Hà Nội) nói: “Ban tổ chức cũng muốn diễn đúng giờ lắm, nhưng khổ nỗi, diễn lúc ấy thì làm gì có ai xem, các bạn thường đi muộn hơn giờ hẹn cả tiếng nên bọn mình cũng đành... muộn theo”. Nghe thì có vẻ hài hước nhưng sự thật thì đúng là như vậy, nhiều bạn trước đây rất đúng giờ nhưng lên đại học, năm lần bảy lượt bị “bỏ bom, phải đứng chờ người khác” thì cũng tự nhiễm cái thói quen “cao su”. Và thế là mọi cuộc hẹn của các bạn trẻ đều theo kiểu: “Hôm nay họp lúc 3h đúng không? Vậy hẹn chúng nó đến từ ...1h cho chắc nhé”.
Dở khóc dở cười vì thói quen “cao su”
Một lần, hai lần... đi muộn lại đâm ra ... đúng giờ khiến nhiều bạn mặc định rằng ai cũng giống như mình và “cao su” một vài phút là hoàn toàn vô hại. Nhưng trên thực tế, thói quen xấu này đã nhiến nhiều bạn dở cười dở mếu không biết bao nhiêu lần. Thùy Dung (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) xấu hổ kể lại việc đi phỏng vấn vào đội Văn Nghệ Xung Kích của mình: “Hôm đó, đội kịch đội Văn Nghệ Xung Kích có tổ chức tuyển thành viên lúc 1 giờ chiều, mình chắc mẩm là 2 giờ mới bắt đầu phỏng vấn nên 4 giờ mới từ nhà đi cho đỡ đông, nào ngờ, khi vừa đến nơi đã thấy mọi người đang thu dọn đồ chuẩn bị đi về, thế là mình chạy luôn, may mà không gặp người quen, nếu không chắc không chui đi đâu được”.
Bi đát hơn Dung là trường hợp của bạn Mạnh Sơn (ĐH Kinh Tế Quốc Dân), chỉ vì thói quen “cao su” mà bạn đã mất luôn cả tình yêu vừa chớm nở: “Mình có cảm tình với bạn ấy từ rất lâu rồi nhưng vừa rồi mới dám hẹn bạn ấy đi xem phim để thổ lộ. Hôm ấy mình chải chuốt kĩ lắm, còn đừng trước gương tập nói, nhưng cứ nghĩ con gái là chúa “cao su” nên hẹn lúc 2 giờ thì 2 giờ mình mới ở nhà đi. Nào ngờ, hôm ấy xe buýt bị hỏng, điện thoại hết pin, nên cả tiếng sau mình mới đến nơi. Và tất nhiên, bạn ấy đã về từ hồi nào và từ ấy còn chẳng thèm nói chuyện với mình nữa”.
Trải qua rất nhiều lượt hú vía như thế nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tình khó rời”, nhiều bạn trẻ vẫn không thể nào bỏ đi cái thói quen “cao su” giờ giấc, hoặc cố bỏ rồi nhưng lại tái phát vì sự “cao su” của người khác. Điều này bắt buồn từ sự vị kỉ của mỗi người khi không ai muốn chờ đợi người khác, thấy người khác đi muộn cũng tự cho mình cái quyền đó. Tất cả những tình huống trên đây đều không gây thiệt hại gì quá lớn cho khổ chủ, nhưng, nếu cố giữ thói quen này, nó sẽ còn tạo ra những hậu quả khác lớn hơn nhiều.
Chậm một phút cũng có thể khiến chúng ta mất đi rất nhiều những cơ hội quý giá, nhất là đối với những bạn trẻ. Biết đâu, chỉ với một vài phút kia, bạn sẽ bị tụt lại một đoạn dài phía sau?!. Hơn nữa, khái niệm thời gian còn gắn liền với chữ “tín”, và việc “cao su” giờ giấc sẽ có thể khiến cho chúng ta đánh mất dần lòng tin của người khác. Người ta vẫn gọi thời đại ngày nay là “thời đại tên lửa”, vậy chậm vài phút chẳng phải rất lãng phí hay sao?
Nguyễn Thị Phương Trinh
Truyền hình K32A1
Ảnh: nguồn Internet