Giúp dân đánh “giặc lửa”
(Sóng trẻ) - “Nguồn thu nhập chính của 5 nhân khẩu trong gia đình trông vào 20ha rừng được chính quyền địa phương giao cho quản lý, khai thác trong vòng 50 năm, vậy mà người đi khai thác ong rừng đã thiêu rụi gần 2ha rừng, cũng may mà có bộ đội Sư đoàn 395, Quân khu 3 cứu giúp, nếu không gia đình tôi không biết lấy gì để mưu sinh”, bà Trần Thị Kim, ở thôn Vườn Đào, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh (Hải Dương) chia sẻ.
Lực lượng nòng cốt, xung kích
Đêm cuối tháng 7 - 2019 xảy ra cháy rừng tại dãy núi Phượng Hoàng, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Do địa hình hiểm trở nên các phương tiện chữa cháy không tiếp cận được, cộng thời tiết nắng nóng, gió Nam thổi mạnh, đám cháy nhanh chóng lan rộng. Ngay khi nhận được đề nghị của Ban CHQS thành phố Chí Linh, chỉ huy Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) đã báo động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 mang theo các loại vật chất, phương tiện chữa cháy cơ động tiếp cận hiện trường. Trung tá Trần Văn Tú, Phó Trung đoàn trưởng -Tham mưu trưởng trung đoàn trực tiếp chỉ huy chữa cháy, chia sẻ: “Nếu cháy rừng xảy ra vào ban ngày thì việc cơ động, triển khai lực lượng sẽ thuận lợi hơn nhiều và hạn chế được rủi ro, nhưng cháy lại xảy ra vào ban đêm, địa hình đồi núi hiểm trở, bị chia cắt, dễ xảy ra tai nạn, vì vậy, chúng tôi chia nhỏ thành nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có sĩ quan phụ trách để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ”.
Đại úy Nguyễn Văn Nam, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cùng anh em đơn vị chữa cháy tại hướng phía Nam dãy núi Phượng Hoàng, cho biết: Sau gần 1 giờ cơ động, phân đội mới tiếp cận được đám cháy. Khi đến nơi mặc dù mọi người đã rất mệt song đơn vị vẫn nhanh chóng tổ chức phát đường băng cản lửa, không để đám cháy lan sang khu vực khác; dùng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, vỉ dập lửa, cành cây…để khống chế đám cháy. Rừng phòng hộ lại trồng các loại cây dễ cháy như: Thông, bạch đàn, keo, gặp thời tiết hanh khô, gió to nên nhiều vị trí sau khi được dập xong lửa lại bùng cháy trở lại. Đến gần 23 giờ đêm, anh em đơn vị cùng các lực lượng tham gia chữa cháy mới hoàn thành nhiệm vụ, cứu được hơn 6ha rừng khỏi giặc lửa”.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Chí Linh (Hải Dương), đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hơn 9000ha rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng càng tốt, độ che phủ cao thì lá rụng và cỏ khô nhiều, nguy cơ xảy ra cháy ngày càng lớn. Từ đầu năm đến nay, khu rừng đặc dụng thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn, Kiếp Bạch, Núi Phượng Hoàng đã 4 lần xảy ra cháy do sự bất cẩn của du khách khi đốt vàng mã, hút thuốc, nấu ăn, người dân đi bắt rắn, bắt ong đốt lửa... Khi cháy rừng xảy ra, đơn vị luôn nhận được sự phối hợp hiệu quả của chủ rừng, chính quyền địa phương, công an…Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) đóng quân trên địa bàn luôn là lực lượng nòng cốt.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 395 (Quân khu 3) như: Trung đoàn 2, Trung đoàn 43, các Tiểu đoàn 14, 15, 16 đã không quản khó khăn, gian khổ lăn xả vào dập lửa, cứu được tổng cộng hơn 50ha rừng trên địa bàn đóng quân; được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Trong đó, riêng Trung đoàn 43 huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia dập tắt 6 vụ cháy trên địa bàn thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), bảo vệ được hơn 20ha rừng, hoa màu của nhân dân...
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 395 tham gia chữa cháy rừng tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh
Nhiệm vụ “chiến đấu” thời bình
Chúng tôi gặp Binh nhất Trần Văn Hiếu, chiến sĩ Đại đội hỏa lực 12, Tiểu đoàn 3 khi đồng chí vừa cùng cán bộ, chiến sĩ đại đội luyện tập xong tình huống chữa cháy rừng theo kế hoạch của đơn vị. Cầm trên tay chiếc cuốc bàn, dụng cụ được biên chế của mình, Binh nhất Hiếu tự tin: “Mới đầu khi nhận nhiệm vụ chữa cháy rừng, tôi cũng lo vì phải trực tiếp đối mặt với những đám cháy lớn, dụng cụ chữa cháy lại thô sơ. Song, qua những lần luyện tập, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của chỉ huy các cấp đã giúp tôi nắm chắc các phương pháp dập lửa, cách phòng tránh không để lửa tấn công. Tôi cảm thấy tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ”.
Năm nay, Binh nhất Trần Văn Hiếu đã 2 lần cùng đồng đội tham gia chữa cháy rừng tại khu vực dãy núi Phượng Hoàng, thành phố Chí Linh, trong đó vụ cháy hồi đầu năm là đáng nhớ nhất. Địa điểm cháy khó tiếp cận, hơi nóng bỏng rát, khói bụi khiến nhiều người nghẹt thở, nhưng nếu không khoanh vùng được, lửa sẽ lan nhanh. Cán bộ, chiến sĩ mưu trí tránh hướng gió, tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng để cô lập đám cháy. Sau một đêm “chiến đấu” đơn vị cùng các lực lượng tham gia đã dập tắt hoàn toàn các khu rừng bị cháy, tổng diện tích thiệt hại khoảng 17ha.
Trung tá Tạ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 cho biết: Hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống cháy nổ, cháy rừng, ứng cứu sập đổ công trình theo mục tiêu trọng điểm đơn vị được quân khu và sư đoàn giao; trong kế hoạch xác định cụ thể từng phương án, tình huống có thể xảy ra. Đơn vị đặc biệt chú trọng hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, công an, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương với các nội dung: Phối hợp tổ chức chữa cháy, di chuyển tài sản bảo đảm an toàn cho người và cơ sở vật chất; tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả sau chữa cháy và sẵn sàng xử trí các tình huống bất ngờ. Chính vì vậy, khi nhận được đề nghị của địa phương phối hợp chữa cháy rừng, trung đoàn đều khẩn trương cử lực lượng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất, được cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Năm 2019, trung đoàn đã phối hợp với các lực lượng chức năng, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cứu được gần 23ha rừng phòng hộ tại dãy núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương).
Theo Đại tá Phạm Hoài Nam, Chính ủy Sư đoàn 395 (Quân khu 3), đảng ủy, chỉ huy sư đoàn xác định phòng chống cháy nổ, cháy rừng, thiên tai bão lụt là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình của đơn vị. Đặc biệt, phòng chống cháy rừng là công việc đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật nghiêm mới hoàn thành được nhiệm vụ và bảo đảm an toàn.
Sư đoàn 395 thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, giáo dục đến 100% cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về vị trí, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn, từ đó xây dựng ý chí quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 395 đã cứu được hơn 160ha rừng phòng hộ trên địa bàn đóng quân có nguy cơ bị lửa thiêu rụi.
Với những kết quả đạt được trong phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 395 (Quân khu 3) đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bài và ảnh: Phạm Văn Quyết
Lớp Báo in k37b - Bộ Quốc phòng
Cùng chuyên mục
Bình luận