"Lần đầu thấy trăng" - Khi nhà văn viết trên bục giảng
( Sóng trẻ) - “Lần đầu thấy trăng” là tiểu thuyết mới được “chào sân” với những câu chuyện nhức nhối trong cái nghiệp “trồng người” của nữ nhà văn-nhà giáo Võ Diệu Thanh. Từng trang gai góc của cuốn tiểu thuyết như khứa vào lòng người đọc những xúc cảm khó phai.
Nữ nhà văn Võ Diệu Thanh ( đứng giữa) trong lễ trao giải “cuộc thi viết truyện ngắn Yume”
Nữ nhà văn từng đoạt giải nhì văn học tuổi 20 lần thứ IV, mỗi năm qua, cô giáo đất An Giang, Võ Diệu Thanh đều đều đặn cho ra mắt một tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Tập truyện nào của cô không “gồng” lên chút nào, tất cả như rút ruột viết ra để găm vào lòng bạn đọc những khắc khoải tâm can!
Tác phẩm đạt giải thưởng “Văn học tuổi 20 lần thứ IV- 2010”
Chuyện từ nghiệp “trồng người”
300 trang tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng” là những trang đời đầy biến cố xoay quanh bộ ba nhân vật: Hậu - Dẫu - Dị. Chúng ta sẽ được dõi theo cuộc đời con người ta từ những ngày đầu chập chững học vần đến lúc bước chân vào cuộc đời.
Tiểu thuyết đầu tay gây tiếng vang trong diễn đàn Văn học trẻ.
Sự bon chen xô bồ của xã hội, sự vô tâm của gia đình thiếu hơi ấm, tình thân, sự ích kỉ, bất cập của nền giáo dục chỉ chú trọng thành tích… tất cả là giọt nước tràn ly, đẩy con người ta rơi vào sự cô đơn lẻ bóng trên từng bước đi. Tâm hồn người như chai sạm, ráo hoảnh, bất cần đời khi bị mất đi niềm tin.
Nữ nhà văn đặt câu chuyện trồng người đầy chất bi hài trong cái hoàn cảnh cũng “tạp phế lù” không kém. Đó là một trường tiểu học Dương Đôi với những con người “siêu đối phó”, cạnh đó là “nhà trọ Tình” - chốn mua bán thú vui xác thịt. Không xa mấy là “Lưu manh tự” - nơi người ta cất lại những gì vụn vỡ nhất giữa giả dối cuộc đời.
Những mảnh đời buồn tối cứ xoay mặt vào nhau. Mảnh trăng kia chốn đâu để bé Dẫu mãi mới lén lút nhìn thấy ánh sáng lần đầu của trăng? Ở đâu ra cái “đầm nước mắt” cho cô thẹn thùng dựa vào xoa dịu nỗi đau?
Tác phẩm không nên bỏ lỡ của Võ Diệu Thanh
20 năm có dư trong cái nghiệp “gõ đầu trẻ”, sợi dây vô hình kết nối tình thầy trò phải chăng chính là tấm lòng, sự cảm thông và chia sẻ của nữ sĩ. Võ Diệu Thanh đã thổi hồn vào cuộc sống của các cô cậu học trò cá biệt nơi nông thôn xa xôi bằng chính tình yêu thương của người “mẹ hiền”.
Chia sẻ từ chiêm nghiệm cuộc đời “bảng đen, phấn trắng” đi vào tác phẩm, cô Võ Diệu Thanh chia sẻ: “Tôi mượn chi tiết từ cuộc sống. Giáo dục là dòng chảy đồng hành cũng cuộc sống. Chính vì dòng sống mà nó biến chuyển không ngừng. Lở bồi cũng không lường trước được”.
Có thể chúng ta đã nhiều lần nhìn thấy trăng, nhưng chưa hẳn chúng ta đã thấy được những góc khuất mà ánh trăng ấy len lỏi soi rọi. Và biết đâu chúng ta sẽ tìm được mảnh trăng của mình khi đến với “Lần đầu thấy trăng” thì sao!
Nhung Nguyên
Phát Thanh K.31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
( Nguồn ảnh : Internet).
Cùng chuyên mục
Bình luận