Thưởng thức phim tài liệu dịp cuối năm cùng TPD
(Sóng Trẻ) - Diễn ra từ ngày 23/01 đến ngày 25/01 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện Ảnh (TPD), Tuần phim tài liệu nước nài được tổ chức với mục đích đưa phim tài liệu đến với những khán giả Hà Nội yêu điện ảnh đích thực.
Tuần phim tài liệu nước nài diễn ra trong 3 ngày mang tới cho khán giả Thủ đô 4 bộ phim tài liệu nước nài: “Jiro Dreams of Sushi” (tạm dịch: Jiro mơ về Sushi), “War Photographer” (Nhiếp ảnh gia Chiến tranh), “Inside Job” (Chuyện Nội bộ), “The Act of Killing” (Hành động Giết người).
Bốn bộ phim được trình chiếu trong tuần phim tài liệu nước nài (nguồn: TPD)
Những bộ phim tài liệu “năm sao”
Trong lần đầu tiên trình chiếu phim tài liệu, 4 bộ phim được TPD chọn mang tới những người yêu điện ảnh là những bộ phim có chất lượng thực sự, đều đã được đề cử tại các liên hoan phim, các giải thưởng có quy mô quốc tế. Trong đó, bộ phim “Inside Job” đã đoạt giải Phim Tài liệu Xuất sắc nhất tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar 2011.
Cả bốn bộ phim đều đã ghi lại những lát cắt quan trọng, đầy ý nghĩa của cuộc sống. Những gì miêu tả trong phim tuy ngắn so với chiều dài lịch sử của toàn bộ chủ đề nhưng đã vẽ nên bức tranh hết sức sinh động, toàn diện, thể hiện đúng ý đồ của tác giả. Nếu như bộ phim “The Act of Killing” nhìn lại cuộc thảm sát năm 1965 ở Indonesia từ góc nhìn của chính những người đã thực hiện hành động man rợ đó, những người vẫn còn sống cho tới tận thế kỷ XXI, thì bộ phim “Jiro Dreams of Sushi” đã kể câu chuyện về cửa hàng sushi Sukiyabashi Jiro của cụ Jiro Ono gần 90 tuổi, cùng với mối quan hệ cha con giữa Jiro và Yoshikazu để tạo nên một bức tranh rất Nhật Bản cho thước phim tài liệu của mình.
Không chỉ thành công ở việc chọn nội dung, đề tài “nóng” trong xã hội, các bộ phim tài liệu được trình chiếu cũng mang tính nghệ thuật cao, thể hiện được tài năng của đạo diễn. Bộ phim “War Photographer” ẩn đi người dẫn chuyện, các nhân vật trong bô phim kể lại những khoảnh khắc khi được làm việc cùng với nhiếp ảnh gia tài giỏi và can đảm. Trong khi đó, bộ phim “Inside Job” đã gây ấn tượng mạnh cho người xem bằng cách đưa ra những con số, biểu đồ chính xác cùng một lượng lớn tài liệu trải suốt 30 năm trượt dài của nền kinh tế Mỹ.
Xem phim trong “không gian điện ảnh”
Các bộ phim chỉ được chiếu trong những phòng chiếu nhỏ, với sức chứa chỉ tầm 50 chỗ ngồi, nhưng những thành viên của TPD đã “hô biến” không gian chật hẹp đó thành “không gian điện ảnh” – Cinema Space với nhiều nét quen thuộc xen lẫn những điểm mới lạ.
Trước mỗi bộ phim, khán giả đến xem đều được nhắc về những điều được làm và không được làm trong rạp chiếu phim. Tất cả những quy định tưởng chừng khô khan này đã được chính những thành viên trong TPD minh họa dưới dạng một đoạn phim ngắn, rất sinh động và phù hợp với giới trẻ hiện nay. Đoạn phim bao gồm cả những quy tắc cơ bản mà ai cũng biết như không dùng điện thoại di động, không quay phim, không nói chuyện quá to ảnh hưởng tới những người khác lẫn những điều mà ít người để ý như không ăn uống gây ra tiếng động trong khi xem phim, ngồi đúng tư thế (không đặt chân lên ghế trước), hạn chế đi lại khi đang xem phim… Cách thể hiện sinh động đã đưa văn hóa xem phim gần gũi hơn với công chúng yêu phim ảnh; trong suốt bộ phim, không có một tiếng điện thoại nào phát ra trong phòng chiếu, và khán giả được giữ lại đến cuối bộ phim, khi màn hình chiếu phần giới thiệu đoàn làm phim.
Tuần phim tài liệu nước nài khép lại năm Quý Tỵ hoạt động sôi nổi của TPD. Sự hưởng ứng tích cực từ khán giả Thủ đô là tín hiệu vui cho một năm Giáp Ngọ với nhiều sự kiện phim ảnh hơn nữa từ trung tâm.
Hữu Đức
Lớp Báo mạng Điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận