Cô giáo tình nguyện ở lại phân trường vì thương các em học sinh
(Sóng trẻ) - Đến lưng chừng núi vùng Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn không ai không biết cô Nông Thị Bé hàng ngày “cõng chữ” đến với các em học sinh người Dao đỏ. Dù đã hết kỳ hạn phân trường nhưng cô tình nguyện ở lại vì đã sáu năm gần gũi, tiếp xúc với dân, với các em học sinh nên cô hiểu hoàn cảnh của họ mà không nỡ về.
Năm 2011, cô được Trường Tiểu học Cao Kỳ phân đi phân trường Hành Khiến cách trường chính hơn 5km đường rừng. Phân trường vừa xa, lại khó đi, lúc đầu không quen, cô nghĩ: “Sao nơi này lại khổ đến vậy, điện không có, nước thì thiếu lại còn ở lưng chừng núi, cách xa trung tâm. Dân ở đây vừa khổ, lại còn nghèo”. Nhưng rồi cô vẫn bám vào đó, sống cùng dân, hàng ngày vừa vận động dân vừa lên lớp với các em học sinh.
Cô Nông Thị Bé hàng ngày phải vượt hơn 4km đường rừng để đến trường. Đường vừa dốc, vừa trơn, nhiều khúc cua, một bên là núi một bên là vực có những hôm trời mưa phải có dây xích để nắn bánh xe.
Những năm đầu đường khó đi, con đường hẹp và nhầy nhụa nhất là vào những ngày mưa, bốn cây số leo đồi cô phải gửi xe và leo bộ. Những ngày mưa bị ngã là chuyện bình thường nên cứ mỗi thứ hai hàng tuần thấy trời có dấu hiệu mưa cô phải đi luôn. Bây giờ đường dễ đi hơn nhưng trời mưa thì vẫn khổ, xe máy leo đồi vào trời mưa phải có đoạn dây xích để nắn bánh. Đất đỏ, nhũn, đường đi thì tạo rãnh, lúc nào cũng phải có đôi ủng đi kèm.
Lớp học phân trường Hành Khiến chỉ có một cô, tám trò nhưng có đến ba cấp lớp 1, 2, 3. Hai đầu lớp học hai bảng được chia đôi, các em học sinh phải quay lưng vào nhau. Còn dư một chiếc bàn, cô Bé kê cạnh cửa sổ để giành cho các em học sinh 5 tuổi em nào đến thì cô kèm cho nhận biết chữ, số.
Với tinh thần vượt khó cùng tình yêu thương mà cô giành cho học sinh đã giúp cô vượt qua khó khăn. Cô nói: “Đã nhiều người hỏi sao cô không xin về trường chính dạy cho nhàn nhưng rồi ai cũng xin về thì ai chịu lên vùng cao? Việc dạy các em đã không dễ vì các em không biết tiếng phổ thông, không qua nhà trẻ, mẫu giáo thầy cô nào cũng ngại dạy thì ai sẽ dạy các em.”
Hai em học sinh lớp 1 được cô Bé chỉ cách đọc.
Từ những việc nhỏ như đi xin quần áo, tắm rửa, vay gạo để nấu cơm cho các em học sinh đến những việc lớn hơn là trách nhiệm mà cô phải gánh vác là làm sao cho các em được học tập, được tiếp cận với các con chữ. Cô thương học sinh như con đẻ của mình có những khi cô gọi các em ở gần trường đến kèm thêm vào buổi tối. Gọi các em đến nhà vào dịp hè để cô chỉ bảo, phân biệt, nhận dạng những con chữ mà không lấy của các em một đồng tiền nào. Với cô, nghề giáo là nghề thiêng liêng, cao cả, bản thân nhà giáo phải dạy các em bằng cái tâm của mình thì mới có thể rèn giũa các em thành những người có ích cho xã hội.
Cô Bé chia sẻ: “Giờ giấc phân trường thì chẳng ai quản mình, chỉ có mình tự quản mình thôi vì có mấy khi có người lên đây kiểm tra”. Cô còn chia sẻ thêm: “Dạy các em học sinh ở đây nếu không nhiệt tình thì không thể dạy nổi, tiếng phổ thông của các em rất hạn chế, có những em không biết gì, mình thì người Tày vừa học tiếng Dao của các em vừa dạy tiếng phổ thông để giao tiếp cho dễ”.
Trước đây, khi chưa được xây lớp học, các em phải học trong ngôi nhà được dựng bằng gỗ. Chỗ thì hở, mái thì thủng, trời mưa gió, điện sáng không có các em không nhìn thấy gì cả. Giờ có lớp học mới được nhà nước đầu tư cho từ năm 2015 nhưng giờ vẫn chưa có điện.
Cô Bé chia sẻ, các em đến độ tuổi đi học mà không được đi học thì thương lắm, các em cũng được quyền đối xử công bằng như những bạn cùng trang lứa. Việc tạo điều kiện cho các em học tập là điều tất yếu, là nghĩa vụ, là trách nhiệm của nhà giáo nói riêng và Nhà nước ta nói chung.
Căn bếp đơn sơ nhưng chưa bao giờ thiếu hơi lửa. Sau mỗi giờ giảng cô Bé mới nhóm củi nấu ăn, có những hôm nấu cơm cho các em, tắm cho các em, rồi khi về nhà thì đi xin quần áo cho các em mặc.
Phòng nghỉ của cô Bé với bàn soạn giáo án đơn sơ.
“Người Dao đỏ họ dễ gần, lúc làm công tác dân vận thì hơi khó, nhưng họ tin mình rồi thì họ sẽ yêu quý mình, đối xử với mình không khác gì người nhà”.
Khi được nhắc về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô Bé cười ra nước mắt kể: “Kỷ niệm thì nhiều nhưng đáng nhớ nhất là trong công tác dân vận. Trước khi về phân trường cô cùng một cô giáo khác đi vận động dân cho con em đi học. Vào một gia đình nọ gặp đúng lúc họ ăn cơm và được mời vào nhà. Nhìn mâm cơm có vẻn vẹn 3 con chuột nhỏ lột da, cơm độn sắn. Lúc đó, hai cô nhìn nhau mà sợ nhưng vì các em, vận động họ cho con đi học, nhà trường, thầy cô sẽ có cách hỗ trợ cho các em rồi họ cũng đồng ý”.
Cô Nông Thị Bé cùng các em học sinh dân tộc Dao.
Bác Tròi – người Dao đỏ sống gần trường cho biết, bọn trẻ ở đây không có lớp mầm non, chúng ở với bố mẹ từ nhỏ đến lúc học thì đi học, chúng chẳng biết gì tiếng Kinh. Ở đây, các bác chỉ nói tiếng Dao thì chúng hiểu tiếng Dao, có ai nói tiếng Kinh đâu. Cô giáo hơi vất vả nhưng được cái gần gũi và nhiệt tình.
Hà Thu
Cùng chuyên mục
Bình luận