Gian nan chuyện thương hiệu bánh chả làng nghề Trường Tiế

(Sóng trẻ) - Đã hơn chục năm kể từ ngày làng nghề bánh chả Trường Tiến được công nhận (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), thế nhưng, người dân ở đây đợi mãi vẫn không thấy tên tuổi bánh chả làng mình “ni” lên trên thị trường.

Có tuổi đời ngót nghét 30 năm, ấy vậy mà bánh chả thôn Trường Tiến vẫn chỉ là một thức quà khiêm nhường giữa bao nhiêu món đặc sản nổi danh của vùng đất Diễn Châu. Món bánh chả gây thương nhớ cho bao người con xa xứ ấy, giờ đây đang phải đối mặt với bài toán thương hiệu hóc búa chưa có lời giải.

Khốn khổ vì mưa bão triền miên

Vừa qua những ngày đầu tháng 10 mưa bão dai dẳng, mới sáng sớm tinh mơ, người dân thôn Trường Tiến đã í ới kéo nhau đi phơi bánh cho kịp một ngày nắng. Những mẻ bánh chả đầu tiên sau hơn chục ngày mưa tầm tã cuối cùng cũng ra lò, được trải thành từng tấm dài trên những chiếc rọ tre mỏng manh, xếp dọc những con ngõ trong thôn. 
 
20d937165_anh_minh_hoa_lang_nghe_1.jpg

Hàng chục rọ tre chứa bánh chả được xếp thành từng dãy dài dọc các con ngõ trong thôn (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Một người dân chia sẻ, rất hiếm khi những lò tráng bánh đỏ lửa vào lúc mặt trời ló rạng. Thế nhưng hôm nay, nhịp làm việc thường ngày đã bị phá vỡ. Tiếng máy tráng bánh cứ xình xịch kéo dài suốt hơn ba, bốn tiếng đồng hồ, từ lúc trời vừa sáng cho tới khi mặt trời lên cao. 

Bước qua từng vũng nước mưa lớn chưa kịp ráo từ đêm qua, chúng tôi ghé thăm một lò tráng bánh chả nhỏ trong thôn. Ở một góc sân, có một người phụ nữ đang loay hoay bên mấy chậu nhựa đựng một thứ bột màu vàng nhạt. Thấy khách lạ tới thăm, đôi mắt chị Nguyễn Thị Hường, chủ lò chợt tối lại: “10 ngày qua mưa gió chẳng làm được gì, chắc sẽ không có bánh cho mấy cô mua đâu”. Tặc lưỡi chua xót, chị lại cúi xuống cặm cúi khuấy bột. 

Biết chúng tôi không phải là người mua hàng, chị thở một hơi rất khẽ. Bỏ dở mấy chậu bột bánh vẫn đang chờ được khuấy nốt, chị dẫn chúng tôi tới lò tráng. Giữa gian nhà xập xệ với ánh đèn tù mù là một chiếc máy tráng to dài, cũ kỹ. Phía đầu máy là 5,6 chiếc xô lớn chứa bột làm bánh, lần lượt được đổ vào nồi hông bên trên. Bên cạnh là một người thợ đang đều đặn xếp từng chiếc rọ tre dài vào băng chuyền, thứ sẽ đỡ từng dải bánh mỏng rơi xuống. Cuối chiếc máy là một người thợ khác, phụ trách lấy chiếc rọ chứa bánh đã hoàn thiện đưa ra nài. 

Nhiệt độ trong lò tráng rất cao vì bếp lửa lớn được đun liên tục bên cạnh. Ai nấy đều vã mồ hôi như tắm. Trong tiếng xập xình của máy tráng, vừa liên tục lau mồ hôi trên trán, chị Hường vừa kể cho chúng tôi nghe về tình hình sản xuất thời gian vừa qua. Hướng đôi mắt thoáng chút thất thần vào chiếc máy tráng cồng kềnh, chị thở dài thườn thượt. Bình thường, giờ làm việc là 2-5h sáng. Thế nhưng mấy tháng qua, mưa bão triền miên, số lần thực hiện đúng giờ làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số phải chờ ban ngày tạnh ráo, có chút nắng mới dám mở máy. Vừa làm, vừa nơm nớp lo trời mưa tiếp, sợ bánh tráng xong rồi lại chẳng được phơi. Mấy tạ bột và công sức bao nhiêu người xem như đổ sông đổ bể.
 
20d937165_anh_minh_hoa_lang_nghe_2.jpg

Chị Hường bên máy tráng bánh nghi ngút khói (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Chị chép miệng, tháng vừa rồi cũng mưa bão triền miên. Tính sơ sơ, lò tráng bánh của chị đã phải bỏ đi gần 10 tạ bột trong thời gian đó. Có những lần rạng sáng hôm nay vừa tráng, thợ vừa phơi bánh thì chẳng được mấy chốc lại mưa. Không ít mẻ bánh thu không kịp, gặp mưa ướt sũng, bở rách, phải bỏ đi. Những hôm sau mưa cứ thế mà trút, còn bánh thì cứ xếp từng chồng lớn ở góc lò, không phơi được, mốc dần rồi hỏng hẳn.

“Tiền máy 65 triệu, chi phí đầu vào, thợ thầy, điện nước các thứ cũng ngót nghét hơn 100 triệu, ấy vậy mà tháng vừa rồi lỗ, không thu được đồng lãi nào. Tháng này nếu tiếp diễn như tháng trước thì chẳng biết làm ăn ra sao”, chị Hường run run nói, bóng lưng mờ nhòe sau làn khói nghi ngút tỏa ra từ máy tráng bánh. Chị cứ nhắc đi nhắc lại về chuyện mong muốn có một lò sấy đàng hoàng, để khi mưa gió khỏi phải nghỉ làm, bánh sẽ thôi bị hỏng hàng loạt. Nhưng đã qua bao nhiêu năm, chị vẫn chưa thể có nổi 400 triệu để hoàn thành mong muốn ấy. 

Hàng mình, vợ người

Cùng cảnh ngộ với chị Hường, gia đình ông Phùng Văn Bình cũng mới cho máy hoạt động lại sau chục ngày mưa tầm tã. Nhác thấy chúng tôi từ xa, ông Bình vội vàng phơi cho xong mấy mẻ bánh còn nóng hổi vừa hoàn thành sáng hôm nay. 

Lò bánh của gia đình ông Bình đã hoạt động được gần chục năm. Rít một hơi thuốc lào, nhìn vào từng dãy trành bánh chả còn xếp lộn xộn nài vườn, ông khàn giọng kể. Trước kia, nhà ông cũng giống như nhiều hộ khác, chủ yếu tráng bánh thủ công bằng tay. Hàng chỉ xuất đi các chợ trong tỉnh Nghệ An là nhiều. Nguyên nhân cũng bởi tráng bằng tay thì năng suất chỉ bằng 1/10 bằng máy bây giờ. 

Hồi năm 2012, ông vay được chút vốn từ ngân hàng rồi đầu tư mua hẳn một máy tráng bánh hơn 60 triệu. Hấp háy đôi mắt già nua, ông cười khà khà: “Hồi đó nhà tôi là hộ thứ 5 sắm được máy tráng. Giờ thì hầu như nhà nào làm nghề cũng phải có máy rồi”. Kể từ khi chuyển sang tráng bằng máy, bánh mỏng và đẹp hơn. Mỗi ngày lò cho ra 2 tạ bánh, tương đương với hơn 200 rọ tre bánh dài. So với trước kia chỉ tráng được hơn 2 yến bánh một ngày, năng suất như vậy đã tăng lên nhiều. 

Bắt đầu từ khi đó, nhiều người từ khắp các xứ tìm đến hỏi mua bánh. Hàng được chuyển đến các tỉnh miền Nam, rồi ngược ra Bắc, đi vào các siêu thị. Các mối buôn từ Lào sang cũng ngày càng nhiều.

Ông Bình chợt thở dài, mắt đăm đăm nhìn ra nài vườn, nơi bà vợ đang sắp xếp lại từng dãy rọ tre đựng bánh chả cho gọn gàng: “Bánh là mình làm, nhưng trên nhãn mác xuất đi siêu thị hay tỉnh khác không bao giờ ghi xuất xứ là làng mình. Các thương lái thường nhập hàng số lượng lớn rồi yêu cầu sẽ ghi tên xưởng của họ lên nhãn, xem như là hàng của họ”. Nói đoạn, ông lại rít thêm một hơi thuốc lào. Xung quanh bỗng im ắng, chỉ còn tiếng điếu đóm rít lên từng hồi. 
 
20d937165_anh_minh_hoa_lang_nghe_3.jpg

Vườn phơi bánh chả tại lò tráng bánh của gia đình ông Bình (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Từng chồng bánh chả đã được cắt vuông vức, xếp gọn trong một góc nhà. Một người phụ nữ cứ yên lặng, thoăn thoắt cho những xập bánh đã được chia nhỏ vào túi bóng. Đôi bàn tay đã nhăn nheo khẽ vuốt phẳng những túi bánh, cẩn thận xếp ngay ngắn. Nay mai, sẽ có thương lái đến lấy hàng. Trên những chiếc túi bóng đó sẽ là một cái tên khác, không phải là bánh chả thôn Trường Tiến như ông Bình vẫn hằng ao ước. 

Tại thôn Trường Tiến, đa số các hộ đều làm ăn nhỏ lẻ, tự móc nối với khách buôn, hiểu biết về kinh doanh chưa nhiều nên dù có tồn tại bất cập trong điều khoản hợp đồng, thương lái vẫn dễ dàng qua mặt. Người dân quan tâm nhiều hơn đến chuyện làm sao để bán được hàng, chuyện thương hiệu vẫn còn xa vời. 

Tận đến lúc chúng tôi sắp sửa ra về, chị Hường, ông Bình vẫn băn khoăn mãi về chuyện vốn ở đâu, bao giờ mới thấy tên làng mình trên kệ hàng siêu thị, khi nào thì các hộ gia đình mới sản xuất ổn định hơn, không còn bữa đói bữa no như bây giờ. Câu hỏi chồng chất câu hỏi, còn câu trả lời vẫn thì vẫn chưa thấy đâu.
 
Nguyễn Hạnh - Báo in K35a2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN