Giao lưu trực tuyến: “Ông già khởi nghiệp và những chuyện chưa kể”

(Sóng trẻ)15h00 ngày 05/10/2016, Ban biên tập trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến cùng Tiến sĩ Lê Thống Nhất. Tiến sĩ sẽ chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chặng đường đưa môn học hấp dẫn hơn với học sinh và những câu chuyện xoay quanh về khởi nghiệp trên trang tin songtre.tv.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất sinh năm 1955, là người sáng lập ra nhiều sản phẩm giáo dục thành công. Hơn 20 năm làm nghề giáo, ông là cựu giảng viên của Đại học Vinh và cố vấn của nhiều chương trình giáo dục trên truyền hình. Tiến sĩ Lê Thống Nhất cũng là tác giả của cuốn “Tạp chí Toán tuổi thơ” và cuộc thi Violympic không còn xa lạ với nhiều thế hệ học trò. 

 


Mới đây, dù đã về hưu và bước sang tuổi 61, tuổi an nhàn nghỉ ngơi nhưng thầy Lê Thống Nhất lại bắt tay vào một dự án khởi nghiệp mang tên Bigschool – Trường học hiện đại thời công nghệ số. Thầy có chia sẻ: “Bất cứ lúc nào các bạn sáng tạo được thì các bạn có thể khởi nghiệp.”
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan – Giảng viên khoa Phát thanh – Truyền hình, Phóng viên Việt Hà báo Đảng Cộng Sản online cùng đông đảo các bạn sinh viên lớp Báo chí Đa Phương Tiện K33 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

15h00, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu: 

11701720f_trao_hoa.jpg
Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng BBT Sóng trẻ tặng hoa cho Tiến sĩ Lê Thống Nhất

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:


Câu hỏi: Lý do từ đâu mà thầy lại có biệt danh “ông già khởi nghiệp”? (Thu Trang, 21 tuổi, Hà Nội)

“Ông già khởi nghiệp” là từ ghép. Trước khi nghỉ hưu, tôi vẫn có những ý tưởng mới và được rất nhiều nhà đầu tư giúp đỡ. Lần đầu tiên tôi làm chủ một sản phẩm, một doanh nghiệp. “Ông già” là nói đến tuổi đã nghỉ hưu. Còn khởi nghiệp nói lên một cái gì đó. Tôi đi đến đâu cũng được gọi là “ông già khởi nghiệp”. Chỉ đến khi khởi nghiệp tôi cũng mới bắt đầu tự nhận mình là ông già.

Câu hỏi: Dự án khởi nghiệp đầu tiên mà thầy làm là gì? Nó thành công hay thất bại và có ý nghĩa như thế nào với các dự án sau? ([email protected])

Bây giờ nếu trở về từ ngày xưa, từ thập kỷ 80, đó là thời kỳ đất nước gian khó, nài việc đào tạo là một nhà giáo dạy Toán, bắt buộc tôi phải nghĩ đến khởi nghiệp, và đó là bằng nghề nấu kẹo lạc. Tôi và vợ cùng học nấu kẹo, thế nhưng sau này tôi lại là người nấu kẹo chính, và vợ tôi làm nhiệm vụ cung cấp đường, lạc, củi… Khi đó tôi mới 25 tuổi, và lần đầu tiên tôi biết tới bài toán Marketing là gì. Và chính nghề này là nghề nuôi sống gia đình tôi, còn nghề dạy Toán thì không đủ. Đây là lần khởi nghiệp đầu tiên trong cuộc đời tôi.

79cb4dc19_can_mat.jpg
Thầy Lê Thống Nhất chia sẻ với bạn đọc Sóng trẻ về những kinh nghiệm mình đã tích lũy được

Câu hỏi: Được biết thầy là người sáng lập của 2 tờ tạp chí toán tuổi thơ, vậy từ đâu mà thầy lại có ý tưởng truyền cảm hứng học toán qua thơ cho học sinh? (Cô giáo Mai Hương, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội)

Lúc bấy giờ tôi đang làm ở Tạp chí toán học tuổi trẻ. Tờ tạp chí này đã đồng hành cùng các bạn trẻ yêu toán trong một khoảng thời gian rất dài. Khi ấy mà tôi có một bài toán cảm thấy rất quý. Mà bản thân tôi thấy thực tế không có nhiều bài toán cho các bạn cấp dưới. Thế nên tôi cần phải có tờ báo cho lứa tuổi tiểu học nên tôi gọi là Toán tuổi thơ. Tôi muốn bất kì lứa tuổi nào khi bước vào tiểu học sẽ yêu môn toán luôn chứ không đợi đến các cấp sau.

Thầy đã đọc ngẫu hứng một bài thơ trong buổi giao lưu trực tuyến:

24 GIỜ THÔI NHÉ
Ngày ấy sẽ trôi qua.
Em cứ ngồi ngắm hoa. 
Em cứ ca cứ hát. 
Anh sẽ lo rửa bát. 
Anh sẽ lo quét nhà. 
Anh sẽ lo giặt là. 
Em uống gì anh pha. 
Chợ gần hay chợ xa. 
Anh lần ra được hết. 
Món em ưa anh biết. 
Em cứ chờ mà xem. 
Em đánh phấn xoa kem. 
Anh nhặt rau vo gạo.
Em ung dung đọc báo. 
Anh tay nấu tay xào. 
Anh tự làm không sao. 
Đừng lo gì em nhé. 
Tà áo em tuột chỉ. 
Đưa anh khâu lại giùm. 
Nho anh mua cả chùm.
Buồn mồm em cứ nếm. 
Bạn gái em mà đến. 
Cứ vô tư chuyện trò.
Anh tắm cho thằng cu. 
Rồi anh ru nó ngủ. 
Màn hình bao cầu thủ.
Nghe em hét "vào rồi". 
Hết một ngày em ơi.
24h thôi nhé

.

Câu hỏi: Toán tuổi thơ khá là thành công và đến nay vẫn là tờ tạp chí được các em học sinh yêu thích vậy tại sao thầy lại từ bỏ dự án này? ([email protected])

Có một nguyên tắc theo suốt mình. Theo mỗi thành công thì nên dừng lại. Mình là người khai hoang. Sau khi mảnh đất đó màu mỡ thì nên bàn giao lại cho người khác. Cũng như những người thợ xây, mình rất giống một ông thợ, sau khi thành công thì bàn giao lại cho các bạn và làm sản phẩm mới. Mình luôn luôn thách thức chính mình. Trước đây mình làm ở FPT và sáng lập cuộc thi toán trên web và sau đó sang VTC làm cuộc thi tiếng anh trên Internet. Sau khi thành công thì mình lại giao lại cho những bạn trẻ. Và mình không nghĩ về những sản phẩm cũ, hào quang cũ nữa thì mình lại nghĩ về những cái mới. Và đó là sản phẩm ra mắt từ đầu năm 2016 tên Bigschool.

Câu hỏi: Từ đâu mà thầy lại có ý tưởng mở Bigschool? Tại sao không phải là một trường học thật, người thật, việc thật mà lại là một trường học trên internet? ([email protected])

Rất nhiều bạn bè có đất, có tiền đều rủ tôi thành lập ra một ngôi trường trên mặt đất, tự mình làm hiệu trưởng. Tôi tưởng tượng giả sử tôi làm một trường như vậy, giống như Đoàn Thị Điểm, Marie Curie,… nhưng thế thì mỗi năm chỉ giúp được vài nghìn học sinh, vài trăm giáo viên mà thôi. Nhưng đối với trường học trực tuyến Bigschool, có thể giúp hàng nghìn giáo viên và học sinh trên đất nước này.
Sáng nay, khi tôi kiểm tra lại hệ thống, thì số giáo viên hiện nay trên Bigschool đã lên tới 3312 giáo viên, và tôi nghĩ con số này sẽ tăng lên. 
Ở Hàn Quốc, giáo dục trực tuyến phát triển rất mạnh, có cô giáo thậm chí kiếm 2 triệu USD/ năm. Tôi từng bảo một cô giáo, nếu cô có một bài giảng hấp dẫn, chỉ cần đăng lên trực tuyến, chỉ với 5000 đồng/ lượt xem, mà mỗi lượt xem giáo viên được 70% (3500 đồng), thử nghĩ 1 triệu lượt xem, các cô đã có được 3 tỉ 500 triệu rồi. Bởi thế, tôi mở ra Big school cũng là mở ra cơ hội việc làm và kiếm thêm thu nhập cho các giáo viên bằng chính tài năng của mình.

Câu hỏi: Tại sao thầy lại sáng lập Bigschool? ( Câu hỏi từ bạn Thu Thủy tại buổi giao lưu)

Tôi đã có ý tưởng xây dựng một trường học trực tuyến từ lâu. Ngày 29/8/2015, vợ chồng tôi đưa cháu đi BigC. Trong lúc tôi chơi với cháu nại, tôi nghĩ tới cái tên BigC. Nó có nghĩa là chợ lớn. Tôi đã có dự tính làm trường học trực tuyến nên nghĩ ngay đến trường học lớn Bigschool. Ngay lập tức, tôi vào ngay nơi cung cấp tên miền, chưa có ai làm tên này. Tôi làm luôn. Trong tối làm lễ khởi công xây dựng Trần Quang Đạo –TBT báo nhi đồng, nói: Chưa biết sản phẩm như nào nhưng tên rất hay. Cái tên bigschool dùng tiếng anh thay vì tiếng việt, tôi hi vọng mô hình này ko chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn vươn rộng ra thế giới.

79cb4dc19_cau_hoi_khan_gia_can_mat.jpg
Rất nhiều độc giả của Sóng trẻ tại hội trường quan tâm về khởi nghiệp và gửi câu hỏi tới thầy Lê Thống Nhất.

Câu hỏi: Thầy đã tìm tòi về công nghệ thông tin để lập ra trang học trực tuyến này như thế nào? (Thanh Thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Câu hỏi rất hay. Các bạn hình dung trước 1993 mình chỉ là giáo viên dạy toán. Trong quá trình kiếm sống thì mình nấu kẹo, sau đó viết kịch bản sân khấu và quay về dạy học. Sau đó lên Hà Nội và anh Đoàn Công Huynh mời tôi hợp tác để thúc đẩy tờ báo Hoa học trò. Có những chuyên mục mình mở ra trên Hoa học trò như “Gỡ rối học đường”. Sau khi Hoa học trò xuất bản lên tới 140.000 bản thì thôi. Sau đó cùng anh Huynh sáng lập Tạp chí Sinh viên, Báo bóng đá. Trước năm 2008 công nghệ thông tin của mình chỉ là con số 0. 
Khi mình rời NXB Giáo dục thì mình sang FPT và mình phải học hỏi từ các bạn bên cạnh về các thuật ngữ Tiếng anh. Khi họp phân tích các sản phẩm, mình mới hiểu được công nghệ thông tin có thể làm được gì. Cái mình nắm được là sức mạnh công nghệ thông tin có thể làm được gì. Mình lên Internet tìm tòi và tự hỏi “Vậy trong giáo dục có thể làm những sản phẩm gì dựa vào công nghệ thông tin” và mình làm cuộc thi toán trên mạng. Với khả năng công nghệ thông tin hiện tại mình có thể thiết kế sản phẩm như thế nào để các anh kĩ thuật có thể biến thành sản phẩm cho mình.

Câu hỏi: Ngày nay rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng, có kinh nghiệm mà không dám thử sức khởi nghiệp vì sợ thất bại. Thầy có nhận định gì về vấn đề này? (Facebook: Hoàng Sơn Nguyễn)

Nếu sợ sẽ không bao giờ làm khởi nghiệp. Không phải ai cũng khởi nghiệp. Khởi nghiệp không phải phong trào. Bạn cần có ý tưởng sáng tạo đấy là điều kiện đủ. Điều kiện cần đó là bạn biết thiếu cái gì để tìm những cộng sự có thể bù trừ cho bạn. Một ekip đủ khả năng, có tố chất để bù lấp những thiếu xót của bạn. Sợ thất bại không thể thành công. Phải rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại để thành công. Hãy tìm những người có kinh nghiệm để trao đổi.

51f06744a_cam_mat_trau_lun.jpg

Câu hỏi: Trải qua rất nhiều dự án khởi nghiệp với những khó khăn cũng không hề nhỏ thầy đúc rút được những kinh nghiệm gì cho bản thân khi khởi nghiệp? ([email protected])

Bất cứ sự bắt đầu nào cũng đều khó khăn, cứ mỗi một lần làm gì mới, bao giờ các bạn cũng phải đối mặt với những thách thức, và mỗi lần như vậy lại rút ra những bài học. Do sự chuyển động của xã hội, nên kinh nghiệm của quá khứ có thể làm thất bại trong hiện tại của bạn. Ví dụ, khi các bạn còn nhỏ, các bạn nhí nhảnh, dễ thương sẽ khiến mọi người yêu mến. Thế nhưng, khi đã nài 60, các bạn áp dụng sự nhí nhảnh đó không còn phù hợp nữa. 
Lại có những người bị gọi là bảo thủ, “bảo thủ” có nghĩa là khi tất cả thay đổi rồi, nhưng họ ko thay đổi về cách nhìn, vẫn giữ suy nghĩ cũ sẽ gọi là bảo thủ. Vì thế không phải cứ có kinh nghiệm cũ áp dụng vào hiện tại sẽ thành công là không đúng. Khi tôi mời nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng tôi làm toán tuổi thơ, có những khi nhà thơ làm bài thơ dài 2 trang, nhưng giới hạn dung lượng chỉ được 1 trang. Nếu không học chuyên môn thì không thể cắt được, chỉnh sửa hay diễn đạt được.

Câu hỏi: Em muốn mở một trang học tiếng anh trực tuyến qua mạng, đó là ước mơ của em nhưng thực sự em chưa biết nên bắt đầu từ đâu khi hiện giờ đã có quá nhiều trang học trực tuyến như vậy? Xin thầy hãy cho em một lời khuyên ([email protected])

Nếu khi bạn ước mơ mở một trang học tiếng anh trên bạn thì phải xác định bạn dạy hay ai dạy. Tôi chỉ khuyên bạn trước khi sáng tạo ra một trang web thì phải xem tất cả các trang đã có trên mạng. Muốn chiến thắng phải hiểu rõ đối thủ. Số các trang web dạy tiếng anh trên mạng rất nhiều như Youtube hay Topica, linkhay, tienganh123. Nếu không có một con đường để bạn dạy học đơn giản hơn, đó là trở thành giáo viên trên Bigschool.vn. Đó cũng được coi là khởi nghiệp dựa trên những gì đã có sẵn. Bạn có thể trở thành một giáo viên khởi nghiệp nổi tiếng trên mạng.

9c382de94_khan_gia_toan_canh.jpg
Độc giả Sóng trẻ giao lưu cùng thầy Lê Thống Nhất tại hội trường B11

Câu hỏi: Em năm nay là sinh viên năm 4, còn 1 năm nữa là em sẽ ra trường, em ấp ủ một dự án cách đây 2 năm rồi, nhân sự của em chỉ có 6 người, em muốn mở một trang web, app điện thoại kết nối người dạy và người học các môn nghệ thuật như đàn, hát… vì bản chất em cũng rất yêu nghệ thuật. Nhóm chúng em đều rất thích ý tưởng này, đều rất hăng say nhưng chưa biết phải thực hiện nó như thế nào và khi nào là thời điểm thích hợp để đưa dự án ra với thị trường ạ? Em cảm ơn thầy? ([email protected])

Tôi đánh giá đây sản phẩm hữu ích. Nhu cầu chia sẻ về nghệ thuật là có. Nhưng một sản phẩm trên internet hay app điện thoại không phải dễ dàng. Nhưng làm một dự án để giải quyết vấn đề cho cộng đồng là điều tốt rồi. Hãy làm ngay. Vốn đầu tư cho dự án này tôi nghĩ không nhiều. Hãy thử kêu gọi vốn cộng đồng để có thể phát triển dự án đó.

Câu hỏi: Mọi người sau khi về hưu thường muốn an dưỡng tuổi già nhưng tại sao thầy lại lựa chọn khởi nghiệp ở tuổi 60? ([email protected])

Mình có chia sẻ với 60 bạn tiến sĩ ở Mỹ rằng một trong những lý do quan trọng nhất là nếu mình không khởi nghiệp thì bộ não mình sẽ ngừng suy nghĩ, tuổi già đến rất nhanh. Khi mình phải quay cuồng suy nghĩ một vấn đề gì đó thì mình cảm thấy khỏe hơn. Khi tuổi già mình có thể đi du lịch, thảnh thơi nghỉ ngơi nhưng sẽ già đi nhanh chóng.Mục đích của việc khởi nghiệp ở tuổi này không phải là kiếm tiền mà để bắt bộ não suy nghĩ, hoạt động.

Câu hỏi: Người ta bảo “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Thầy nghĩ như thế nào về câu nói này? Và sau khi đã làm rất nhiều công việc ở các ngành nghề khác nhau thì thầy tích lũy được những điều gì? (Câu hỏi tại hội trường của bạn Bích Ngọc)

Không bao giờ làm nhiều nghề cùng lúc. Tại bất cứ thời điểm nào cũng làm 1 nghề. Khác hẳn với 1 lúc làm nhiều nghề. Chưa làm thành công nghề này đã nóng vội nhảy sang nghề khác. Đối với mình thành công rồi mới sang nghề khác. Hãy làm một nghề cho tốt, đừng đứng núi này trông núi nọ. Nên khởi nghiệp để 1 lần thành công.

79cb4dc19_canh_toan.jpg
Thầy Lê Thống Nhất thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình trước những câu hỏi tại hội trường

Câu hỏi: Theo thầy yếu tố nào là quan trọng nhất đối với một dự án khởi nghiệp? Muốn khởi nghiệp thành công cần chuẩn bị những gì ạ? ([email protected])

Điều này rất khó trả lời. Để thành công ko chỉ trong khởi nghiệp mà bất cứ việc gì. Nói vui thì để khởi nghiệp phải có 3 mặt: mặt người, mặt hàng và mặt đường. Mặt người là ai sẽ cùng bạn làm, mặt hàng là có gì thu hút, mới lạ và đáp ứng được nhu cầu, và mặt đường có nghĩa sản phẩm của bạn có tiếp cận được với thị trường rộng hay không. 
Các bạn đã nghe đến câu “Muốn thành công cần có 5 chữ ệ” chưa? Đó là nhất “trí tuệ”, nhì “tiền tệ”, ba “quan hệ”, bốn “đồ đệ” và năm “văn nghệ”. Nhiều khi, để thành công phải quan tâm đến nhiều yếu tố, nhưng để thất bại chỉ cần sơ suất 1 điều nào đó thôi. Một thành công có được, mọi người nhìn vào sẽ thấy điều đó dễ dàng, nhưng họ không biết mình đã vất vả như thế nào để có được thành công đó.
Đồng đội cũng trở thành một yếu tố quan trọng để cùng mình giải quyết nhiều vấn đề. Nhà đầu tư cũng thành đồng đội. Ví dụ như sản phẩm được giải sáng tạo toàn cầu, nhưng tài chính lại rất khó khăn.
Các bạn khởi nghiệp cũng nên tìm đến những người có kinh nghiệm để chia sẻ. Ông cha mình có câu rất hay: “Thầy già, con hát trẻ”. Khi mình cộng sự mới mẻ, sức bật của người trẻ với sự trải nghiệm của người già sẽ đạt được thành công.

Câu hỏi: Theo thầy nghĩ, có nên tạo ra một ý tưởng và gắn bó nó tới điểm cuối cùng vì đam mê, hay tạo ra nhiều ý tưởng để thu về lợi nhuận cho bản thân không? hay ngắn gọn, với những người trẻ khởi nghiệp thì đam mê hay lợi nhuận, cái nào quan trọng hơn? (Facebook: Đức Hữu)

Trong giao lưu với 3000 sinh viên ở ĐH Thương mại, mình đã nói, khi khởi nghiệp bạn đừng nghĩ nhiều tới doanh thu và lợi nhuận, vì khi nghĩ nhiều về nó quá, bạn sẽ rất dễ tính toán sai lầm, đặc biệt là trên internet. Nóng vội trong việc kiếm tiền khi khởi nghiệp là điều không nên.
Các bạn đều biết anh Nguyễn Hà Đông, sản xuất trò chơi Fappy bird, tôi chắc rằng lúc mới bắt đầu anh không nghĩ tới kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Thế nhưng khi xuất hiện trò chơi đó trên mạng thì bất ngờ lại thu về lợi nhuận lớn. Có những sản phẩm 1, 2 năm không có tiền nhưng 1, 2 năm sau lại bùng nổ. Có những sản phẩm thành công ngay nhưng có những sản phẩm lại thất bại. Vì thế nên không nên đặt mục đích nhanh chóng là có lợi nhuận mà điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là làm sao có đủ tiền để khởi nghiệp đến khi thành công.

9c382de94_mc_cuoi.jpg

Câu hỏi: Em học ngành báo chí nhưng muốn làm thêm một công việc kinh doanh. Tiến sĩ có thể cho em lời khuyên về công việc phù hợp với sinh viên bọn em như không cần vốn, không cần nhiều thời gian cũng như liên quan đến chuyên ngành em đang học thì càng tốt. Em cảm ơn tiến sĩ ạ! (Facebook: Hồng Quyên)

Câu này rất hay. Nghề sinh viên hay làm nhất là đi gia sư các em tiểu học. Với các kiến thức truyền thông và báo chí các bạn học các bạn có thể đi làm tại các doanh nghiệp như quản lý fanpage. Đặc biệt hiện nay có nghề đang rất thiếu nhân lực là Digital Marketing (Truyền thông công nghệ số). Tất nhiên bạn phải lặn lội và tự trau dồi thêm các kinh nghiệm bên cạnh kiến thức sách vở. 
Tôi khuyên các bạn hãy đi làm thêm một công việc gì đó để tích lũy kinh nghiệm, có thêm một khoản thu nhập để giúp đỡ gia đình. Nhưng đừng đặt hai chữ kinh doanh lên đầu.

Câu hỏi: Vậy thầy có lời khuyên gì đối với những người đã và đang có dự định khởi nghiệp không ạ?

Mặc dù cao tuổi rồi nhưng khuyên người khác cũng rất khó vì đôi khi mình còn không khuyên đc chính mình.
Theo tôi, tất cả mọi người muốn khởi nghiệp thành công là việc rất khó, bạn phải đủ dũng cảm để đối đầu thất bại thì hãy khởi nghiệp. Vì cứ 100 người khởi nghiệp thì tới 99 người “hy sinh” ngay từ khi mới khởi nghiệp. Số còn lại cũng “rụng” sau 3-5 năm. Ai tồn tại sau 5 năm mới được gọi là khởi nghiệp thành công. Theo thống kê, hằng năm có hàng trăm, nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, thế nhưng số lượng doanh nghiệp phải lặng lẽ “ra đi” cũng tính đến con số hàng trăm, hàng nghìn.
Vì thành công trong khởi nghiệp là rất thấp. Các bạn nên xem mình có đủ dũng cảm để khởi nghiệp không, và đừng để khởi nghiệp trở thành phong trào ở Việt Nam. Vì vậy, trước khi bạn quyết định khởi nghiệp, bạn có quyền hi vọng thành công, nhưng khởi nghiệp rất cay nghiệt, phải sẵn sàng đối diện với thất bại, và bây giờ tôi vẫn đang khởi nghiệp. 
Tôi khuyên các bạn rằng: “Hãy khởi nghiệp khi sẵn sàng thất bại”.

16h15, Chương trình giao lưu trực tuyến "Ông già khởi nghiệp và những chuyện chưa kể" kết thúc thành công.

9c382de94_tang_qua.jpg
Từ trái sang phải: ThS Trần Thị Phương Lan - TS Lê Thống Nhất - Phóng viên Việt Hà

9c382de94_anh_cuoi.jpg
Thầy Lê Thống Nhất cùng BBT chương trình "Ông già khởi nghiệp và những chuyện chưa kể"

Ban biên tập Sóng trẻ đã nhận được 200 câu hỏi từ quý độc giả trong vòng một tuần. Vì thời lượng chương trình có hạn nên Ban biên tập sẽ gửi các câu hỏi chưa được trả lời đến Tiến sĩ Lê Thống Nhất và cập nhật lên trang tin điện tử Sóng trẻ trong một chương trình hoặc bài viết thích hợp. 

Xin chân thành cảm ơn thầy Lê Thống Nhất đã dành thời gian giao lưu và chia sẻ cùng độc giả của Songtre.tv. Xin cảm ơn Ban Chủ nhiệm Khoa PTTH đã tạo những điều kiện tốt nhất để chương trình diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan cùng phóng viên Việt Hà trong thời gian qua đã luôn quan tâm đồng hành, tư vấn cho BBT thực hiện buổi giao lưu trực tuyến này. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình! 

BBT Sóng trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN