Gìn giữ "vốn xưa" bài 2: Một đời nặng lòng với cây đàn thập lục
(Sóng trẻ) - Ánh sáng sân khấu rực rỡ chỉ chiếu vào diễn viên, ca sỹ, còn nhạc công lại hiếm khi được tỏa sáng. Thế nhưng, đã lỡ bén duyên với nghiệp đàn tranh, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy vẫn dành trọn một đời gắn với âm điệu tình tang của cây đàn đặc biệt này.
Người xưa quan niệm cái tài hoa của con người quy phạm trong “tứ nghệ”: cầm - kỳ - thi - họa, trong đó, yếu tố đàn - nhạc được đưa lên hàng đầu. Tiếng đàn làm người ta quên đi cái hanh khô của nắng ban trưa, cái oi nồng của mùi phèn đất. Nhưng hơn hết, tiếng đàn đã góp nhặt trong tâm tư, giúp con người ta bày tỏ nỗi lòng. Bởi thế, lời ca tiếng đàn có mặt trong cả nơi đồng sâu, sông vắng, chứ không chỉ ngân vang nơi gác tía, lầu son.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật dân tộc, khi bố và anh trai (nghệ nhân Phạm Chí Tịnh và nghệ nhân Phạm Chí Bích) đều là những nghệ nhân làm đàn và trống cổ truyền nổi tiếng ở vùng đất Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam). Ngay từ khi còn nhỏ, nghệ sỹ Ưu tú Phạm Thị Hồng Thúy đã bị mê hoặc bởi hình dáng, âm thanh của cây đàn thập lục để rồi âm điệu tình tang cứ thế ngấm dần vào máu thịt.
Năm 1983, cô bắt đầu theo học khoa Kịch hát Dân tộc (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh), trở thành một trong những thế hệ đầu tiên của Khoa. Sau khi tốt nghiệp, cô về công tác tại Đoàn Cải lương Kim Phụng (sau này thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội). Kể từ đây, cô đã bắt đầu cho chặng đường chở tiếng đàn quê hương vang xa khỏi lũy tre làng.
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh (bố Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy) chia sẻ: “Tôi biết để con gái theo con đường nghệ thuật sân khấu truyền thống này sẽ nghèo và vất vả chứ chẳng có sung sướng nổi đâu. Nhưng mà cháu nó đam mê quá. Thôi thì cuộc đời con, sướng hay khổ cũng là con lựa chọn. Tôi chỉ mong con thành công, thực hiện được ước mơ của mình”.
Được biết, mỗi buổi biểu diễn lớn và quan trọng, nếu có thể thì bố của Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy đều có mặt để động viên con gái, mỗi khi đàn có vấn đề, cô đều nhờ bố của mình sửa lại. Cô vẫn luôn tâm niệm rằng bố là nguồn động lực, là chỗ dựa và là “fan hâm mộ” quan trọng nhất trong cuộc đời làm nghề của mình.
Là một nhạc công có hơn 30 năm kinh nghiệm, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy nhớ lại hồi mới vào nghề, cat-xe mỗi đêm diễn chỉ đủ… ăn một bát phở. Nay số tiền đã tăng lên, nhưng cũng không đáng là bao. “Mỗi đêm diễn, đàn chai cả ngón tay nhưng nhạc công cũng chỉ nhận được 150 – 200.000 đồng tiền bồi dưỡng. Nếu đi diễn xa thì phải tự túc ăn uống nên nhiều khi không lỗ là may” – cô cười bảo.
Lương thấp, đời sống khó khăn nên các nhạc công cũng phải tất tả chạy sô kiếm sống. Nghề tay trái nuôi nghề chính. Cũng vì thế mà có nhiều nghệ sỹ không chịu được mà bỏ nghề. Có đôi khi vất vả quá, cô cũng nhen nhóm suy nghĩ đến chuyện từ bỏ về quê làm trống, làm đàn với cha. Nhưng đam mê lớn quá, cô vẫn chọn gửi gắm cuộc đời mình theo từng nhịp rung lên của dây đàn. Bên cạnh những buổi đi diễn với đoàn, cô cũng tham gia các đội hát văn, hỗ trợ cho những giá hầu đồng. Dùng chính tiếng đàn của mình để nuôi nghiệp đàn ca.
Có thể thấy, làm nhạc công, để sống được với nghề, người nghệ sỹ đã phải đánh đổi rất nhiều. Thế nhưng, ánh sáng sân khấu rực rỡ chỉ chiếu vào diễn viên, ca sỹ, còn dàn nhạc lại hiếm khi được tỏa sáng. Thật sự, phải thương nghề lắm những người nhạc công mới có thể làm nghề và sống trọn với nghề.
Sống trọn một đời với đàn tranh, giờ đây tiếng đàn với cô gắn liền như hơi thở. Không chỉ đưa tiếng đàn bay xa khỏi lũy tre làng, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy còn góp phần đưa âm nhạc truyền thống ra khỏi biên giới, vượt mọi trùng dương đến với nhiều tầng lớp khán giả khác nhau trên thế giới. Đến nay, cô đã mang tiếng đàn của mình vang vọng khắp Việt Nam và bay xa đến gần 10 nước trên thế giới.
Năm 2019, cô được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Đây là niềm tự hào lớn nhất, là phần thưởng xứng đáng cho quá trình 30 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu truyền thống của cô. Nghệ sỹ Anh Thao (đoàn Cải lương Kim Phụng) chia sẻ: “Nói về sự say nghề thì chẳng ai hơn Thúy được cả. Trước mỗi buổi diễn, chị ấy đều đến rất sớm, tự tập dượt nhiều lần, luôn đảm bảo mỗi lần lên sân khấu đều phải thật chỉn chu. Tất cả những gì chị ấy đạt được ngày hôm nay đều nhờ sự khổ luyện và nhọc công cống hiến”.
Bên cạnh đó, cô cũng luôn cố gắng lưu giữ và phát triển hơn nữa âm nhạc truyền thống bằng cách mở những lớp đàn tranh tại gia và tham gia hỗ trợ giảng dạy cho sinh viên khoa Kịch hát Dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Cô luôn mong muốn truyền lửa đam mê và tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ để vốn quý này không bị mai một. Em Nguyễn Nhật Khánh Vân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Từ dạo được xem cô Thúy biểu diễn trên phố đi bộ, em đã rất mê mẩn tiếng đàn tranh nên đã thuyết phục bố mẹ và theo học được hơn 1 năm nay. Lúc đầu mới học em thấy rất khó, nhưng càng về sau càng cảm thấy rất hay và thú vị”.
Trọn một đời sống và cống hiến với nghệ thuật sân khấu cải lương, gửi gắm số phận mình gắn bó với tiếng đàn tranh tích tịch. Tiếng đàn như tiếng lòng chất chứa bao ân tình của Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Thúy sẽ tiếp tục được lưu truyền, thăng hoa và “neo đậu” mãi trong tâm thức mỗi khán giả, góp phần làm nên dư vị ngọt ngào của cuộc sống.
XEM ĐẦY ĐỦ TOÀN BỘ NỘI DUNG BÀI VIẾT TẠI ĐÂY.
Gìn giữ "vốn xưa" bài 1: Người hồi sinh chiếu Xẩm Gìn giữ "vốn xưa" bài 2: Một đời nặng lòng với cây đàn thập lục |