Tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết "Ba phụ nữ can đảm"
(Sóng Trẻ) - Đây là tác phẩm xuất sắc của nữ nhà văn Pháp Marie Ndiaye - người đã cho ra đời những cuốn sách được đọc nhiều nhất trong năm 2009. Đây cũng chính chính là cuốn tiểu thuyết đã mang về cho Marie Ndiaye giải ncourt năm 2009, đưa bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này.
Tác phẩm là những câu chuyện rất chân thật về cảnh ngộ của người phụ nữ châu Phi mà sự khốc liệt của nó còn vượt xa hình dung ban đầu của độc giả. Ngay sau khi ra mắt, Ba phụ nữ can đảm đã liên tiếp nhận được những lời ca ngợi của các nhà phê bình văn học Pháp và chiếm vị trí quán quân trong các bảng xếp hạng sách bán chạy tại quốc gia này.
Độc giả có thể mua sách ngay tại buổi tọa đàm giới thiệu
Đặt trong bối cảnh hai nước Pháp và Sénégal, cuốn tiểu thuyết được chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi phần gắn với cuộc đời chìm nổi của một người phụ nữ gốc Phi trẻ tuổi, do hoàn cảnh đẩy đưa phải lưu lạc đến Pháp. Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận nhưng đều phải vật lộn với nhiều thử thách từ cuộc sống nhập cư (bị làm nhục, đánh đập, phản bội,…). Tuy vậy, với tính cách và bản lĩnh của mình, họ đã vượt qua những khó khăn, cản trở của hoàn cảnh thực tại để bảo vệ và giữ gìn phẩm giá, để chịu đựng và sống sót.
Ba câu chuyện tách biệt như ba bức tranh khác nhau về ba người phụ nữ nhưng cũng có những chi tiết liên quan giữa họ nhằm gắn kết mạch cảm xúc chặt chẽ trong tác phẩm. Thông qua đó, Ba phụ nữ can đảm đề cập đến những thử thách khủng khiếp mà người châu Phi nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu phải đối mặt, cũng như nạn phân biệt chủng tộc khắt khe mà nhiều người da màu ở Pháp vẫn phải đối diện.
Với thông điệp mang đầy tính nhân văn đó, tháng 11/2011, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam quyết định trình làng món ăn tinh thần đặc sắc này đến độc giả bằng việc ra mắt bản dịch tiếng Việt của tiểu thuyết - được thực hiện bởi dịch giả Hồ Thanh Vân.
Đặc biệt trong dịp này, Công ty và Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã cùng phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm Ba phụ nữ can đảm và tọa đàm về Văn hóa ứng xử “Hậu hôn nhân” với sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, chuyên gia tâm lý Nguyễn Tường Lan và dịch giả Hồ Thanh Vân. Buổi tọa đàm được tổ chức vào hồi 17h30 ngày 14/11/2011 tại Thư viên Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
3 diễn giả trong buổi tọa đàm (từ trái qua phải: dịch giả Hồ Thanh Vân,chuyên gia tâm lý Nguyễn Tường Lan, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)
Dịch giả Hồ Thanh Vân chia sẻ trong buổi tọa đàm rằng quá trình Việt hóa toàn bộ cuốn tiểu thuyết của cô đã gặp phải không ít khó khăn bởi phong cách ngôn ngữ của tác giả Marie Ndiaye mang nhiều yếu tố lạ, khó có thể bắt gặp trong văn chương hiện đại ngày nay. Do đó người dịch cũng như người đọc cần phải chuẩn bị cho mình một lối tư duy hết sức sáng tạo, thoát li khỏi những lối mòn trong quan niệm về cấu trúc tác phẩm khi muốn tiếp cận với tiểu thuyết này.
Marie Ndiaye sử dụng phong cách viết ít hội thoại mà tập trung đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, lột tả một cách trần trụi và chân thật nhất số phận con người. Trải qua từng trang sách, độc giả dần dần bước vào một bầu không khí nặng nề, đau buồn và đáng sợ, tưởng chừng như không có lối thoát. Các nhân vật nữ dường như không được tự do cất lên tiếng nói của chính mình, họ chỉ có thể dùng hành động. Ba người phụ nữ này tuy khác biệt về tính cách nhưng có một điểm tương đồng: họ không đầu hàng mà biết đứng lên chiến đấu với số phận theo cách riêng của mình.
Thính giả đang chăm chú lắng nghe về những chi tiết đắt giá được chia sẻ rất thật, rất đời thường trong tác phẩm
Chính những tình tiết chân thực của Ba phụ nữ can đảm đã khiến tiểu thuyết này bán được hơn 155 000 bản trước khi được trao giải ncourt 2009. Phát biểu tại lễ trao giải, Marie Ndiaye nói rằng, thông qua cuốn tiểu thuyết, bà muốn độc giả hiểu về thân phận những người nhập cư dưới một khía cạnh tốt đẹp hơn.
Nguyễn Khánh Linh
Lớp Báo in K30A1
Học viện Báo chí & Tuyên truyền