Bay trên thành phố sông Hồng

 (Sóng trẻ)-Bình minh bừng sáng trên thành phố mang theo không khí nhộn nhịp của chốn đô thành. Chiếc xe U- oat hòa vào dòng người đang hối hả ngược xuôi chạy qua cầu Chương Dương nằm vắt ngang con sông Hồng uốn lượn hiền hòa. Chỉ độ mươi phút, đoàn công tác chúng tôi đã có mặt tại sân bay Gia Lâm nằm ở phía đông bắc của Thành phố Hà Nội. Nơi đây những cánh bay của Lữ đoàn không quân vận tải 918 vẫn ngày đêm cất cánh đi về góp sức mình giữ bình yên cho bầu trời thủ đô thân yêu.

Phi trường Gia Lâm được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau khi đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô có lực lượng Ban nghiên cứu sân bay về tiếp quản và đưa sân bay Gia Lâm vào hoạt động. Đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước, từ sân bay Gia Lâm, những cánh bay của Lữ đoàn 918 đã cất cánh đi khắp mọi miền Tổ quốc vươn ra đến tận Trường Sa. Bên cạnh sân bay Gia Lâm, dòng Hồng Hà mênh mông sóng nước vẫn ngày đêm rì rầm kể chuyện với bờ bãi. Con sông quê hương ấy có hay đâu bỗng trở thành một địa tiêu thân thuộc trong hành trình đi về của những phi công đang ngày đêm miệt mài bay giữa bầu trời Tổ quốc.

Khi ánh nắng chan hòa khắp sân bay cũng là lúc những tiếng ì ầm của động cơ máy bay vang lên. Trước khi lên đài chỉ huy, Đại tá Chu Văn Hải -Phó Lữ đoàn trưởng quân huấn bắt tay thật chặt Thiếu tá Nguyễn Kim Đương-Lái chính máy bay An-26 cùng lời nhắn gửi “chúc đồng chí bay an toàn”. Cái bắt tay thân tình như muốn gửi gắm cả niềm tin và hy vọng vào người phi công trẻ đã từng bay trên 4 loại máy bay với hơn 1000 giờ bay này. Là cán bộ phi đội đồng thời là giáo viên bay nhưng mỗi lần cầm lái cất cánh, Thiếu tá Nguyễn Kim Đương luôn luôn thận trọng tỉ mỉ. Trước ngày bay, anh đã nghiên cứu nắm chắc nội dung bài bay, vẽ sơ đồ cẩn thận chu đáo. 

39793ea9a_20170207_094522.jpg

Đội hình máy bay của Lữ đoàn trước giờ xuất kích

Hôm nay anh cùng đồng đội thực hiện bài bay vòng kín. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Được lệnh của chỉ huy bay, chiếc An-26 số hiệu 251 từ sân đỗ lăn ra đối chuẩn đường băng sau đó nhấc bánh mũi từ từ cất cánh. Ở độ cao 150 m với vận tốc 300 km/h, Thiếu tá Đương hô khẩu lệnh: “Báo cáo chỉ huy bay, vòng 1, nghiêng 15 độ, vòng lên lấy độ cao”. Máy bay tiếp tục lên độ cao 400 m sau đó về vòng 2. 

Quá trình bay, tổ bay liên tục quan sát hệ thống đồng hồ cũng như các địa tiêu ở dưới mặt đất. Nhìn từ trên cao, Tổ quốc yêu thương nằm ngay dưới cánh bay: Đây làng mạc bát ngát cánh đồng xanh, đây thị thành phố phường ngang dọc. Đặc biệt trên đường bay, con sông Hồng hiền hòa uốn lượn ôm ấp đắp bồi cho đất Thăng Long hiển hiện rõ nhất. Dòng chảy tự nhiên ấy bỗng trở thành địa tiêu tuyến quan trọng để trên tầng cao vời vợi những người lính bay tiên lượng tính toán không trình.

39793ea9a__i2770.jpg

Máy bay A-26 cất cánh trên bầu trời xanh

Cùng theo dõi hoạt động bay, Thiếu tá Ngô Đức Phương-Phi đội trưởng Phi đội 1 tâm sự về những trải nghiệm của mình khi bay qua sông Hồng. Với anh, mỗi lần bay lại có những ấn tượng, cảm xúc riêng. Bay qua sông vào mùa nước cạn cũng khác khi bay vào mùa nước lên. Tùy thuộc vào mực nước, lái chính điều khiển máy bay sao cho đến giữa sông độ cao chỉ còn 150m. Ở độ cao này, phi công có thể quan sát được những chuyến phà ngược xuôi, những con thuyền lẻ loi nằm im gác mái. Phóng tầm mắt ra xa, ngược lên phía Bắc là những nhịp cầu Long Biên, cầu Chương Dương gợi bao nhớ thương, xuôi phía Nam là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy nối đôi bờ sông mênh mông sóng nước. Càng hạ thấp độ cao hình ảnh những ngôi nhà, hàng cây, con đường càng hiện ra rõ nét thân thuộc. Những khi bay đêm, cảm xúc như được thăng hoa bởi ánh đèn lấp lánh ở đôi bờ sông đẹp như dạ hội hoa đăng. Những dấu ấn ấy mãi là kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời người lính bay.

Hết thời gian kết hợp địa tiêu sông Hồng cải hướng vòng 3 chuẩn bị thời cơ vào vòng 4. Máy bay bắt đầu giảm dần độ cao. Bay đến đài xa nằm ở hữu ngạn sông Hồng, Phi công lái chính Nguyễn Kim Đương tiếp tục hô khẩu lệnh “báo cáo chỉ huy bay, 251 càng cánh tà thả tốt”. Khi tới mép sông Hồng độ cao máy bay là 200m, sang bên bờ tả ngạn sông chỉ còn 100m. Thời gian bay qua dòng sông mẹ diễn ra rất nhanh. Nhưng đối với những người phi công đó là  khoảnh khắc thật thiêng liêng và hạnh phúc bởi những cánh bay của Không quân nhân dân Việt Nam được in hình dưới mặt nước Hồng Hà ấp ủ bao phù sa sâu nặng nghĩa tình. Cứ theo mép nước sông, phi công tính toán để hạ dần độ cao. Dưới sự điều khiển của tổ bay,  Máy bay 251 tiếp đất hạ cánh, từ từ lăn về sân đỗ kết thúc bài bay an toàn. 

39793ea9a__i2812.jpg

Niềm vui của những phi công sau chuyến bay huấn luyện an toàn

Ở dưới mặt đất, đồng đội đang đón đợi tổ bay trở về trong niềm vui hân hoan. Những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc mừng nồng ấm như tiếp thêm sức mạnh để các anh thêm vững tin bay lên làm chủ bầu trời. Trong hành trình không ngừng nghỉ ấy, mỗi tên làng tên phố, mỗi ngọn núi con sông nơi các anh bay qua đều trở lên thân thuộc. Và bên sân bay Gia Lâm, dòng  sông Hồng thân yêu chảy vào đất Việt như một lẽ tự nhiên đã gắn bó với những người lính bay. 

Mỗi khi cất cánh trở về nhìn thấy con sông quê hương, các anh như nhìn thấy sự bình yên và an toàn. Dù cho phía trước còn bao vất vả khó khăn nhưng những cán bộ, phi công của Lữ đoàn Không quân 918 vẫn luôn tự hào khi được bay lên từ thành phố nằm bên sông Hồng chở nặng ân tình. Họ chính là những người lính đang âm tầm giữ cho bầu trời Tổ quốc mãi mãi trong xanh, cho dòng sông quê hương thêm hồng hào máu thịt để ngàn năm chảy mãi bồi đắp cho đồng bãi thêm trù phú tốt tươi.
                                                                                                                                    Ghi chép của Vũ Duy
                                                                                                                                  Lớp 37b.bqp

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN